Quyết tâm đưa hệ thống giao dịch KRX vào vận hành từ giữa năm 2023

Cơ quan quản lý sẽ quyết tâm đưa hệ thống nền tảng giao dịch mới KRX của thị trường vào vận hành từ giữa năm 2023.

Qua đó có thể hỗ trợ cho những giải pháp giao dịch mới trên thị trường, có thể triển khai các cơ chế thanh toán bù trừ CCP, giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận với các thông lệ của quốc tế, và có thể được cộng điểm trong quá trình đánh giá nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi.

Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết phát triển bền vững được coi là một trong những trọng tâm trong công tác quản lý của thị trường chứng khoán trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Đặc biệt, quyết tâm đưa vào vận hành hệ thống KRX dự kiến từ giữa năm nay và sau đó sẽ triển khai thêm nhiều giải pháp và các sản phẩm mới.

BTV Mùi Khánh Ly: Năm 2022, cơ quan quản lý đã có những biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường, giúp bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, trước mắt có thể có những tác động, nhưng về lâu dài thị trường ngày càng phát triển minh bạch và bền vững. Bà đánh giá như thế nào về năm 2022 thưa bà?

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Động thái của cơ quan quản lý trong việc siết chặt các kỷ cương, kỷ luật của thị trường được coi là một trong những điểm nhấn rất quan trọng của năm 2022. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp với cơ quan điều tra để xử lý dưới hình thức hình sự đối với những vụ việc lớn, ví dụ như những vụ lừa đảo ở Công ty ASA, rồi Tập đoàn FLC và Tập đoàn Louis Những động thái này cũng có tác động đến tâm lý của nhà đầu tư, thậm chí là làm cho thị trường bị tác động khá mạnh. Nhưng chúng tôi cho rằng những vấn đề đó chỉ là mang tính chất ngắn hạn.

Về dài hạn, chúng tôi tin tưởng rằng những động thái này sẽ tạo ra cho nhà đầu tư niềm tin và sự tăng trưởng bền vững lâu dài cho thị trường, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi chúng ta đều biết rằng là thị trường chứng khoán là nơi có thể xảy ra rất nhiều các hành vi vi phạm và là nơi có thể kiếm được những khoản lợi nhuận rất lớn. Chính vì vậy, việc tạo ra một thị trường minh bạch, an toàn, hiệu quả chính là mục tiêu lớn nhất của cơ quan quản lý.

Năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã kiểm tra và xử lý vi phạm 495 trường hợp tổ chức và cá nhân có những hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt là đã xử lý 05 vụ việc liên quan đến thao túng giá cả trên thị trường chứng khoán. Và ngoài ra đã áp dụng rất nhiều các biện pháp xử lý hình phạt bổ sung và các chế tài nặng đối với các hành vi vi phạm trên thị trường, với tổng số tiền phạt lên đến trên 39 tỷ đồng.

Bên cạnh những doanh nghiệp vi phạm thì cũng còn có các doanh nghiệp niêm yết kinh doanh tốt trong năm 2022 cũng đã nỗ lực vượt qua những khó khăn với kết quả tăng trưởng hai con số. Bà đánh giá như thế nào về điều này?

Năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn. Tính đến cuối năm, chỉ số VN-Index đã giảm trên 32% so với thời kỳ cuối năm 2021. Tuy nhiên, trong bức tranh chung đó, có những điểm sáng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.

Tính theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán đến hết quý 3/2022, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp vẫn có những tăng trưởng tốt, trên 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó thể hiện nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường còn rất nhiều biến động và khó khăn, lạm phát gia tăng, mặt bằng lãi suất cũng tăng cao. Và đối với nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8,02% trong năm 2022 là mức cao nhất trong 10 năm vừa qua, cũng đã phần nào thể hiện được bức tranh chung về sức khỏe của các doanh nghiệp.

Bước sang năm mới 2023 được dự báo sẽ còn những áp lực nhất định từ bên ngoài cũng như bên trong. Theo bà đâu là những khó khăn, thách thức trong năm 2023?

Chúng tôi cho rằng, năm 2023, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng sẽ vẫn tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều những khó khăn và thách thức. Áp lực của vấn đề lạm phát, mặt bằng lãi suất tăng cao sẽ vẫn còn tiếp diễn trong ít nhất là nửa đầu năm 2023. Lãi suất tăng cao khiến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất sẽ khó khăn. Và đặc biệt là làm cho dòng tiền vẫn ở lại khu vực tín dụng ngân hàng thay vì sẽ đổ về thị trường chứng khoán như 2021.

Ngoài ra, kinh tế thế giới cũng sẽ phải đối mặt với khó khăn, thậm chí là còn có nguy cơ suy thoái, dẫn đến nhu cầu và tiêu dùng của các mặt hàng xuất nhập khẩu sẽ giảm sút. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia mà có tỷ trọng doanh thu từ xuất nhập khẩu rất lớn, nó cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Đây là một trong những vấn đề mà cơ quan quản lý, nhà hoạch định chính sách cũng sẽ phải có những điều tiết để có những hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục thu hút vốn quay trở về hoạt động sản xuất kinh doanh.

Quảng cáo

Vậy đâu sẽ là những điểm sáng cho thị trường chứng khoán năm 2023?

Mặc dù có rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng tôi cho rằng năm 2023 vẫn có những điểm sáng. Với nền kinh tế Mỹ, tốc độ lạm phát đã bắt đầu chững lại, FED cũng đã phát đi tín hiệu giảm dần các giải pháp thắt chặt tiền tệ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã có những tín hiệu mở cửa trở lại nền kinh tế. Đây được coi là một điểm sáng cho các ngành dịch vụ, đặc biệt là thương mại, du lịch sẽ quay trở lại guồng quay của trước đại dịch. Điều đó sẽ kích thích kinh tế thế giới dần thoát khỏi những khó khăn do yếu tố đại dịch gây ra.

Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam sau một năm có tốc độ tăng trưởng GDP rất cao thì trong năm 2023 vẫn nhận được sự đánh giá rất tích cực, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển châu Á cuối tháng 12 vẫn cho rằng Việt Nam tiếp tục có dư địa tăng trưởng vào khoảng 6,3%, cao nhất trong khu vực ASEAN trong năm 2023.

Vừa qua, số lượng tài khoản các nhà đầu tư mở mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục tăng rất mạnh, gấp đôi so với năm 2021, đã có khoảng 6,8 triệu tài khoản của các nhà đầu tư. Đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đã có dấu hiệu mua ròng trở lại tích cực trong những tháng cuối năm 2022. Điều đó thể hiện thị trường chứng khoán tiếp tục là một kênh đầu tư có triển vọng trong năm 2023.

Là Cơ quan quản lý trực tiếp thị trường hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ có những giải pháp gì giúp thị trường tiếp tục phát triển bền vững và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế trong thời gian tới?

Phát triển bền vững được coi như là một trong những trọng tâm trong công tác quản lý của thị trường chứng khoán trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Trong năm tới, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục rà soát Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng khắc phục ngay những bất cập và khó khăn, hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp trong quá trình huy động vốn trên thị trường chứng khoán, và tạo nền tảng cho nhà đầu tư được tham gia thị trường một cách minh bạch và an toàn hơn, nâng cao hơn kỷ luật, kỷ cương của thị trường.

Một điểm nhấn quan trọng nữa là cơ quan quản lý sẽ quyết tâm đưa hệ thống nền tảng giao dịch mới KRX của thị trường vào vận hành từ giữa năm 2023. Qua đó có thể hỗ trợ cho những giải pháp giao dịch mới trên thị trường, có thể triển khai các cơ chế thanh toán bù trừ CCP, giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận với các thông lệ của quốc tế, và có thể được cộng điểm trong quá trình đánh giá nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi.

Một điểm quan trọng tiếp theo mà chúng tôi sẽ triển khai, đó là sẽ tiếp tục công tác giám sát thị trường chứng khoán. Chúng tôi cũng sẽ nhấn mạnh vào việc triển khai cấp giám sát từ phía công ty chứng khoán để đảm bảo nâng cao năng lực của hệ thống giám sát bên cạnh hệ thống giám sát hai cấp hiện nay là ở Sở Giao dịch và Ủy ban Chứng khoán.

Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán cũng sẽ nỗ lực thiết lập một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung và ứng dụng các công nghệ trong hoạt động giám sát thị trường chứng khoán, nhờ đó, có thể phát hiện sớm các hành vi vi phạm, nâng cao năng lực xử lý và phát hiện các hành vi vi phạm.

Trong năm 2023, thực hiện quy định của Nghị định 65 về vấn đề phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chúng tôi cũng sẽ đưa vào vận hành hệ thống giao dịch thứ cấp dành cho các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, dự kiến là từ giữa năm 2023. Hiện nay, công tác chuẩn bị đã gần như là hoàn tất. Về phía Ủy ban Chứng khoán, chúng tôi xây dựng thông tư tạo hành lang pháp lý, còn về phía Sở giao dịch và Trung tâm lưu ký thì đang rất gấp rút, khẩn trương hoàn thành hệ thống giao dịch và hệ thống thanh toán bù trừ cho thị trường này. Chúng tôi cũng kỳ vọng, giải pháp này giúp nhà đầu tư có thể yên tâm khi tham gia đầu tư vào thị trường trái phiếu, khi trong năm 2022 vừa qua là một năm rất khó khăn trong việc huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Ngoài ra, cơ quan quản lý sẽ chú trọng trong năm 2023 nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông, đưa ra thị trường những thông tin chính thống và cập nhật nhanh nhất đến cho các nhà đầu tư. Chúng ta biết rằng, trong năm 2022, các nhà đầu tư chịu tác động rất lớn từ những thông tin không chính thống, những thông tin thất thiệt, tin đồn sai sự thật từ phía thị trường. Và điều này ảnh hưởng rất lớn đến diễn biến của thị trường cũng như là hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư. Việc nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông trong năm 2023, giúp ổn định tâm lý của nhà đầu cũng sẽ được coi trọng.

Đối với thị trường chứng khoán phái sinh, để nâng cao chất lượng của thị trường, chúng tôi cũng đang phối hợp với Sở Giao dịch Chứng khoán để có thể rà soát, cải tiến chất lượng chỉ số VN30. Đồng thời cũng chỉ đạo các Sở Giao dịch chứng khoán triển khai tiếp các loại sản phẩm hợp đồng tương lai đối với các chỉ số khác ngoài chỉ số VN30, để đa dạng hóa các sản phẩm cho nhà đầu tư, đồng thời cũng để cho các chỉ số này phản ánh một cách toàn diện hơn bức tranh chung của toàn bộ thị trường.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Trong đó, trọng tâm là đề cao các vấn đề phát triển bền vững, và đặc biệt nhấn mạnh yếu tố ứng dụng những khoa học công nghệ mới trong công tác giao dịch, giám sát, vận hành các hệ thống thị trường, bắt kịp với các thông lệ mới nhất của các thị trường chứng khoán quốc tế.

Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng chiến lược phát triển thị trường mới sẽ làm kim chỉ nam để cho hoạt động quản lý và giám sát thị trường sẽ có những bước tiến về chất từ năm 2023.

Theo Markettimes Sao chép

Cùng chuyên mục Ngân hàng

TPBank kinh doanh hiệu quả, tăng trưởng lành mạnh và bền vững

Kết thúc quý III, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, MCK: TPB) đạt hơn 5.460 tỷ đồng lợi nhuận, tín dụng tăng trưởng lành mạnh 14%, lọt Top 100 của Brand Finance với giá trị thương hiệu 461 triệu USD.

Một cổ đông ngoại bất ngờ rời khỏi danh sách nắm từ 1% vốn của TPBank Giá trị thương hiệu của TPBank đạt mốc 461 triệu USD theo Brand Finance Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng hé lộ bí quyết “thấu hiểu khách hàng” của TPBank

Kết thúc quý III, nhiều chỉ tiêu kinh doanh của NCB vượt kế hoạch cả năm

Kết thúc quý III/2024, hoạt động kinh doanh chính của NCB được duy trì ổn định, huy động vốn và cho vay khách hàng tăng trưởng ở mức cao cho thấy các sản phẩm, dịch vụ của NCB đang ngày càng được khách hàng yêu thích và tin dùng.

NCB nộp hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ lên UBCKNN Tổng Giám đốc Ngân hàng NCB: Chúng tôi chọn hướng đi phù hợp NCB chính thức triển khai mở tài khoản thanh toán từ ứng dụng VNeID và ra mắt website ưu đãi

Sacombank báo lãi trong quý III/2024

Quý III/2024 Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.751,7 tỷ đồng, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm trước. 9 tháng đầu năm, lợi nhuận đạt 8.094 tỷ đồng, tăng 18%, hoàn thành 76,4% kế hoạch cả năm.

Sacombank đẩy mạnh chuyển đổi số, góp phần tạo động lực tăng trưởng mới cho TP. Hồ Chí Minh Cập nhật giấy tờ và sinh trắc học trước ngày 1/1/2025 để không gián đoạn giao dịch tại Sacombank

Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng hé lộ bí quyết “thấu hiểu khách hàng” của TPBank

Tại sự kiện Smart Banking do NHNN tổ chức, Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng của TPBank đã chia sẻ bí quyết giúp TPBank thấu hiểu khách hàng, tiền đề để tạo ra những sản phẩm phù hợp nhất, đem đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Thẻ TPBank phát triển bùng nổ với chiến lược cá nhân hóa sắc nét Một cổ đông ngoại bất ngờ rời khỏi danh sách nắm từ 1% vốn của TPBank Giá trị thương hiệu của TPBank đạt mốc 461 triệu USD theo Brand Finance

Ngân hàng có thể từ chối cho vay nếu dự án không phù hợp khả năng cân đối vốn

Ngay cả khi có các dự án khả thi, có khả năng trả nợ nhưng có thể ngân hàng thương mại vẫn từ chối cho vay bởi có thể thời hạn vay của dự án này không phù hợp với khả năng cân đối vốn của ngân hàng.

Một ngân hàng báo lãi quý III gấp 3 lần cùng kỳ Thiếu hụt thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng bật tăng Một ngân hàng báo lợi nhuận quý III gấp 3,7 lần cùng kỳ

“Hành vi tấn công qua mạng đang ngày càng phức tạp”

Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Cục phó Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công An (A05) nhận định, các hành vi tấn công qua mạng đang ngày càng phức tạp và khó lường hơn, đồng thời vấn đề an toàn an ninh môi trường mạng và ứng phó sự cố cần có sự chung tay của nhiều đơn vị.

Một ngân hàng báo lợi nhuận quý III gấp 3,7 lần cùng kỳ Giá USD ngân hàng "hạ nhiệt", thị trường tự do tăng mạnh