Trong quý này, thu nhập lãi đạt 3.468 tỷ đồng, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ chi phí lãi giảm mạnh tới 31,9%, PVCombank ghi nhận thu nhập lãi thuần gần 710 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với khoản âm gần 295 tỷ đồng cùng kỳ. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng gấp 4,2 lần, đạt 464 tỷ đồng; trong khi lãi từ hoạt động khác cũng tăng gấp hơn 4 lần, đạt 92 tỷ đồng.
Ngược lại, lãi thuần từ dịch vụ giảm nhẹ 7,6%, còn gần 61 tỷ đồng, trong khi thu nhập từ ngoại hối giảm sâu tới 90,7%, chỉ còn gần 5 tỷ đồng. Mảng đầu tư chứng khoán ghi nhận lợi nhuận giảm 99%, chỉ đạt 12 tỷ đồng, và lãi thuần từ hoạt động khác giảm 6,9%, còn gần 54 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 1.315 tỷ đồng, tăng nhẹ 6,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí hoạt động tăng tới 15,8%, khiến lợi nhuận thuần giảm xuống còn 399 tỷ đồng, giảm 10,1%. Tỷ lệ chi phí/thu nhập của ngân hàng tăng từ 64% lên 69,7%.
Trong quý III, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh lên gần 380 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ. Kết quả là lợi nhuận trước thuế của PVCombank chỉ còn 19 tỷ đồng, giảm 93,7% so với năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 89 tỷ đồng, giảm 74,3% so với cùng kỳ.
Việc PVCombank tăng mạnh trích lập dự phòng diễn ra trong bối cảnh số dư nợ xấu của ngân hàng tiếp tục ở mức cao. Thuyết minh BCTC cho thấy, PVCombank đang có tổng cộng 3.775 tỷ đồng nợ xấu vào cuối quý III/2024, trong đó, nợ có khả năng mất vốn ở mức 2.851 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 75,5% nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay của ngân hàng hiện ở mức 3,69%.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng dù đã được cải thiện từ mức 50% hồi đầu năm lên 54,1% khi kết thúc quý III nhưng vẫn ở mức khá mỏng.
Ngoài ra, PVCombank còn có 7.750 tỷ đồng nợ xấu dưới dạng trái phiếu đặc biệt tại Công ty Quản lý Tài sản VAMC, ngân hàng đã trích lập 865 tỷ đồng cho khoản này.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của PVCombank đạt 226,7 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 2,59% so với đầu năm. Cho vay khách hàng của PVCombank tăng 4%, đạt hơn 102,3 nghìn tỷ đồng.
Phân tích dư nợ cho vay theo ngành, báo cáo 9 tháng đầu năm cho thấy, PVCombank đang dồn lực cho hoạt động kinh doanh bất động sản khá lớn. Dư nợ lĩnh vực này tăng thêm hơn gần 30,2 nghìn tỷ đồng sau 9 tháng, chiếm tỷ trọng 29,5% tổng dư nợ cho vay, trong khi hồi cuối năm 2023, tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản mới chỉ chiếm 15,6% tổng cho vay. Tỷ trọng cho vay lĩnh vực xây dựng cũng tăng lên 8,4%, so với mức 2,4% vào cuối năm trước, đạt 8.546 tỷ đồng.
Cho vay hoạt động làm thuê các công việc trong các gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tư liệu dùng của hộ gia đình vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn nhất, 30,4%, dù vậy, đã giảm khá mạnh so với mức 59,2% hồi cuối năm 2023.
Ở phần tài sản có khác, hiện PVCombank đang có 30.254 tỷ đồng các khoản lãi, phí phải thu, tăng thêm 13,7% so với đầu năm và chiếm 13,34% tổng tài sản ngân hàng.
Báo cáo cũng cho thấy đến cuối tháng 9/2024, tiền gửi khách hàng tại PVCombank ở mức hơn 174,6 nghìn tỷ đồng, giảm 1,98% so với đầu năm. Dù vậy, thanh khoản tại ngân hàng vẫn còn rất dồi dào khi tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng mới chỉ ở mức 58,6%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức 6,7%, cải thiện so với mức 5,8% hồi đầu năm. Phát hành giấy tờ có giá tăng 24,9% so với đầu năm, lên hơn 24,2 nghìn tỷ đồng.