Phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá dầu giảm hơn 2USD/thùng. Thị trường dầu như vậy chịu tác động tâm lý bởi sự suy giảm trên thị trường chứng khoán toàn cầu khi những nỗi lo liên quan đến suy thoái kinh tế lớn dần sau khi ngân hàng trung ương các nước ở châu Âu và Bắc Mỹ phát đi thông điệp sẽ vẫn kiềm chế lạm phát mạnh tay.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai giảm 2,17USD/thùng tương đương 2,7% xuống 79,04USD/thùng trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 1,82USD/thùng tương đương 2,4% xuống 74,29USD/thùng,
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi thông điệp sẽ nâng lãi suất mạnh tay hơn nữa trong năm sau ngay cả nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái. Phiên ngày thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Giám đốc bộ phận năng lượng tương lai tại Mizuho, ông Robert Yawger, nhận xét: “Các cuộc đối thoại trên thị trường gần đây chủ yếu liên quan đến việc nhu cầu suy giảm trong bối cảnh suy thoái kinh tế tăng cao”.
“Tình hình kinh tế giờ đây cũng đã khác. Không phải bây giờ mà chúng ta đã bắt đầu khó khăn khi giá dầu thử thách với ngưỡng 70USD/thùng, và mọi chuyện từ nay sẽ có thể tệ hại hơn nữa”, ông Yawger phân tích.
Cả hai loại giá dầu giảm 2% trong phiên trước đó khi mà đồng USD mạnh lên và ngân hàng trung ương tại châu Âu nâng lãi suất. Giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai có tuần tăng mạnh nhất tính từ tháng 9/2022, thế nhưng điều đó xảy ra sau khi có tuần giảm sâu nhất tính từ tháng 8/2022 ngay liền trước.
Trước đó trong tuần, cả hai loại giá dầu tăng bởi những nỗi lo về nguồn cung hạn chế do hệ thống đường ống Keystone đóng cửa. Hệ thống này cung cấp dầu Canada sang các nhà lọc dầu ở khu vực Trung Tây nước Mỹ sau sự cố tràn dầu gần đây.
Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia trên thị trường năng lượng tại Kpler, ông Matt Smith, dù rằng sự cố Keystone có thể hỗ trợ cho giá dầu nặng, nó chẳng ảnh hưởng gì đến các loại dầu nhẹ quốc tế.
Một số yếu tố lạc quan trên thị trường đến từ dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về kịch bản nhu cầu dầu tại Trung Quốc hồi phục trong năm sau, tuy nhiên thông tin này lập tức bị lấn át bởi các thông tin kinh tế.
Bộ Năng lượng Mỹ vào ngày thứ Sáu công bố sẽ bắt đầu mua dầu thô để bù đắp lại cho Dự trữ Chiến lược Quốc gia (SPR), đây là động thái mua vào đầu tiên tính từ sau khi Mỹ xả SPR.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, như vậy thị trường trải qua liên tiếp nhiều đợt bán mạnh khi thời gian cuối năm dần đến khi mà nỗi sợ liên quan đến suy thoái kinh tế tăng lên bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không ngừng nâng lãi suất.
Đóng cửa phiên, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 281,76 điểm tương đương 0,85% xuống 32.920,46 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 1,11% xuống 3.852,36 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,97% xuống còn 10.705,41 điểm.
Các chỉ số như vậy có tuần giảm điểm thứ 2 liên tiếp. Tính cả tuần, chỉ số S&P 500 hạ 2,08%, tính từ đầu tháng 12/2022 đến nay, chỉ số giảm 5,58%. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones và Nasdaq mất lần lượt 1,7% và 2,7%.
Phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giao dịch trên thị trường có nhiều biến động khi có lượng lớn các hợp đồng quyền chọn hết hạn. Hiện tại, giá trị của các hợp đồng quyền chọn ước tính khoảng 2,6 nghìn tỷ USD, giá trị cao nhất nếu so với quy mô của thị trường chứng khoán trong 2 năm, theo Goldman Sachs. Ở mức thấp trong phiên ngày hôm qua, đã có lúc chỉ số Dow Jones giảm đến 547,63 điểm và rồi đà giảm điểm hạ dần.
Hoạt động bán trên thị trường diễn ra trên diện rộng, cứ 3 cổ phiếu giảm điểm mới chỉ có 1 cổ phiếu tăng điểm trên thị trường chứng khoán New York. Đã có thời điểm chỉ duy nhất 10 cổ phiếu trong nhóm S&P 500 tăng điểm. Cổ phiếu nhóm ngành bất động sản và tiêu dùng ảnh hưởng nặng nề nhất, mức hạ ghi nhận 3% và 1,7%.
Trong tuần này, thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm khi mà Fed nâng lãi suất cơ bản trong phiên ngày thứ Tư lên ngưỡng cao nhất trong 15 năm. Fed công bố sẽ vẫn tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2023 lên mức 5,1%, mức cao hơn so với tính toán.