Theo số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2022, nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ. Trong đó, từ năm 2021-2025 là khoảng 1,3 triệu căn.
Tuy nhiên, phát biểu tại Hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội" do Báo Người Lao động tổ chức ngày 28/3, các chuyên gia cho rằng dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn gặp không ít khó khăn.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, thị trường nhà ở xã hội đã sôi động trở lại trong 2 năm qua, tuy nhiên cũng còn nhiều điều cần phải bàn khi việc đầu tư, thị trường nhà ở xã hội gặp khó khăn, thách thức.
Đó là chưa nhất quán về quan điểm, cách hiểu và cách tiếp cận. "Nhà ở xã hội là câu chuyện từ thiện, rẻ mạt, có cũng như không. Đây là quan điểm sai lệch, cần thay đổi", TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm.
Bên cạnh đó là vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục và không thực thi, quy hoạch và quỹ đất "vừa thiếu vừa thừa", giải phóng mặt bằng cực kỳ khó khăn, nguồn vốn chưa bền vững, lợi nhuận từ các dự án nhà ở xã hội chưa thu hút.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, hiện có nhiều điểm nghẽn trong câu chuyện về nhà ở xã hội, trong đó điểm nghẽn về xác định đối tượng nhà ở xã hội.
Theo ông Châu, chỉ cần đóng thuế thu nhập cá nhân là không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều người đóng thuế thu nhập cá nhân không đồng nghĩa với việc họ có thu nhập cao, có khả năng mua nhà ở thương mại.
Ông Châu cũng cho biết trong dự thảo Luật Nhà ở hiện nay bổ sung nhà ở, nhà lưu trú công nhân trong các khu công nghiệp nhưng thiếu nhà lưu trú nằm ngoài khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, nhu cầu về nhà trọ cho công nhân, người lao động là rất lớn nhưng đối tượng này chưa được đề cập trong dự thảo Luật Nhà ở.
Nói riêng về nhà ở cho công nhân, ông Lê Văn Nghĩa, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, trong quá trình triển khai các thiết chế công đoàn kết hợp với phát triển nhà ở cho công nhân gặp nhiều vướng mắc. Tổng Liên đoàn đứng ra làm các thiết chế văn hóa để có nơi cho người lao động có khu vui chơi, thể dục thể thao và kết hợp với nhà đầu tư làm dự án nhà ở thì sẽ đồng bộ, giúp công nhân ổn định chỗ ở và nâng cao đời sống.
Tuy nhiên, thực tế khi doanh nghiệp vào thì muốn xây nhà cao 15-20 tầng, cao hơn quy hoạch trước đó, dẫn đến điều chỉnh quy hoạch, thời gian rất lâu vì liên quan nhiều quy hoạch. Trong khi đó, chưa điều chỉnh quy hoạch thì chưa được chấp thuận đầu tư. Vì vậy, ông Lê Văn Nghĩa cho rằng quy hoạch tổng thể phải rộng ra, do đó nhiều nơi quy hoạch nhà ở xã hội 5 tầng thì không đảm bảo thu hút đầu tư.
Ông Lê Văn Nghĩa cho hay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã làm việc với Bộ Xây dựng để thống nhất cho Tổng liên đoàn đứng ra xây dựng nhà ở cho công nhân. Trong khi chờ có hành lang pháp lý, Tổng liên đoàn mong Quốc hội cho nghị quyết riêng để đẩy nhanh tiến độ làm dự án nhà ở cho công nhân.
Mong mỏi được hỗ trợ lãi suất
Đại diện cho người lao động nêu tâm tư tại hội thảo, nhiều người dân cho biết hiện việc mua nhà ở xã hội ở đô thị lớn quá khó khăn vì giá cả và lãi suất vay cao.
Chị Lê Thị Hằng, công nhân một công ty trên địa bàn quận 7, TP.HCM cho biết, với mức lương 8 triệu đồng/tháng, không tăng ca và tình trạng giá cả leo thang như hiện nay, cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội ngày càng khó.
“Tôi mong nguồn vay dễ tiếp cận, lãi suất rẻ hơn, thời gian trả kéo dài hơn… Công nhân mong muốn mua căn hộ 45 - 50 m2, giá cả khoảng một tỷ đồng. Chúng tôi mong muốn trả trước 20% và giá trả mỗi tháng 3 - 4 triệu đồng”, chị Hằng cho biết.
Ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, công nhân, người lao động không thể mua được nhà với lãi suất 9 - 10%, lãi suất này chỉ phục vụ cho chủ đầu tư xây nhà.
Nếu được ngân hàng cho vay lãi suất 4,8 - 5% thì công nhân, người lao động mới mua được nhà, còn không chỉ là thuê.
“Nhiều người chưa tiếp cận xin trả lại nhà vì không chịu nổi lãi suất thương mại. Cho nên, phải có gói cho vay đối với người chưa tiếp cận nhà ở xã hội. Họ phải được ưu tiên mới giữ được nhà. Chính phủ, ngân hàng, địa phương phải có chính sách cho vay vốn ưu đãi. Đây là vấn đề vướng mắc nhất, cần phải được giải quyết”, ông Trương Anh Tuấn nhấn mạnh.