“Một thập kỷ kể từ khi Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện và gần 28 năm kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, chúng ta đã xây dựng một mối quan hệ phát triển mạnh mẽ, năng động và hiệu quả”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí vào chiều 15/4.
Ngoại trưởng Blinken cho biết các cuộc gặp gỡ trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam lần này, ông tập trung vào việc làm thế nào Hoa Kỳ có thể tiếp tục hỗ trợ thành công của Việt Nam, qua đó mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam, người dân Hoa Kỳ và toàn bộ khu vực.
Ông Blinken tuyên bố: “Hai quốc gia chúng ta đang hợp tác vì lợi ích chung vô cùng rộng lớn và chúng tôi tin rằng, bằng cách hỗ trợ các tham vọng của Việt Nam, chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy tham vọng của chính mình: từ tạo việc làm cho người dân Hoa Kỳ và tăng cường sức mạnh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ, đến đạt được thêm bước tiến nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta cũng như ngăn chặn các đại dịch. Tôi cũng tập trung vào cách thức hai nước chúng ta thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, hòa bình và có nền tảng là sự tôn trọng đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken - Ảnh: Nguyễn Tiến Anh TuấnÔng Blinken chia sẻ phái đoàn Hoa Kỳ và Việt Nam lần này đã thảo luận về nỗ lực của hai nước nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng trên diện rộng ở Việt Nam và trên toàn khu vực, bao gồm thông qua Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF). Việt Nam đã tham gia đàm phán về cả bốn trụ cột của IPEF, qua đó giúp dẫn đầu những nỗ lực về các vấn đề có vai trò định hình nền kinh tế trong thế kỷ 21, gồm sức chống chịu của chuỗi cung ứng, chuyển đổi năng lượng sạch và kết nối kỹ thuật số – từ đó mang lại lợi ích cho người dân Hoa Kỳ và người dân trên toàn thế giới.
Ngoài ra, hai bên đã thảo luận về sự tôn trọng lẫn nhau đối với vai trò trung tâm của ASEAN và quan hệ đối tác chặt chẽ của chúng ta thông qua các khuôn khổ kinh tế khu vực, bao gồm APEC. Ông Blinken khẳng định phía Hoa Kỳ đánh giá cao vai trò lãnh đạo không thể thiếu của Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức phát triển ở khu vực sông Mekong - vốn đang trở nên tồi tệ hơn do việc xây dựng các đập nước, biến đổi khí hậu và đánh bắt thủy hải sản quá mức.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ tái khẳng định việc hai bên cũng đang phát triển quan hệ đối tác kinh tế song phương. Hoa Kỳ đang giúp Việt Nam thúc đẩy những cải cách quan trọng mà Việt Nam đã và đang áp dụng - bao gồm lao động, sở hữu trí tuệ và công bằng thương mại - những cải cách đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ tin Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia kết nối, có thu nhập cao vào năm 2045 bằng cách theo đuổi tăng trưởng thúc đẩy tất cả các cộng đồng, đồng thời xây dựng khả năng phục hồi để thích ứng với biến đổi khí hậu. Phía Hoa Kỳ biết Việt Nam ngày càng dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa do khủng hoảng khí hậu gây ra. Khi Việt Nam thực hiện các bước để trở thành quốc gia đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, Hoa Kỳ cũng đang đầu tư vào tiềm năng to lớn của Việt Nam.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken - Ảnh: Nguyễn Tiến Anh TuấnCũng theo Ngoại trưởng Blinken, Hoa Kỳ đang khởi động các sáng kiến khí hậu song phương mới mà Phó Tổng thống Harris công bố trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8 năm 2021, bao gồm từ việc bảo tồn hệ sinh thái và giảm khí thải từ canh tác lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long cho đến việc mở rộng hệ thống năng lượng sạch định hướng bởi thị trường và mở rộng việc sử dụng xe điện, nhằm thúc đẩy các khu vực tư nhân hành động về bảo vệ môi trường. Đồng thời, phía Hoa Kỳ cũng đang khai thác sức mạnh của các khuôn khổ khu vực như Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng mà Việt Nam vừa tham gia – trong đó sẽ triển khai 15,5 tỷ đô la để giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu Cắt giảm khí thải nhà kính Net Zero 2050, và chương trình Đối tác năng lượng Nhật Bản - Hoa Kỳ - Mekong.
Ngoại trưởng khẳng định hợp tác với Việt Nam trong nhiều mặt, trong đó có y tế công cộng, nổi bật nhất gần đây phải kể đến việc thành lập Văn phòng CDC quốc gia tại Việt Nam: “Chúng ta đã hợp tác chặt chẽ để chống lại đại dịch COVID-19: với việc Hoa Kỳ tài trợ hơn 40 triệu liều vắc-xin, sau khi Việt Nam tài trợ hàng triệu thiết bị bảo hộ cá nhân trong giai đoạn đầu của đại dịch, khi Hoa Kỳ đang ở thời điểm thiết yếu nhất. Tôi phải nói rằng đây chính là bằng chứng sinh động nhất về việc các nước sát cánh cùng nhau trong giai đoạn cần đến sự hỗ trợ lẫn nhau nhất”.