Trên các phương tiện thông tin đại chúng mới đây lan truyền hình ảnh những người lao động ở khu vực phía Nam khăn gói về quê sớm trước Tết – thời điểm mà những năm trước họ đang tăng tốc cho đơn hàng cuối năm do khối lượng công việc nhiều và để kiếm thêm tiền thưởng Tết.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân của những chuyến xe về quê ăn Tết sớm là do một tháng trở lại đây, khu vực phía Nam liên tiếp xảy ra làn sóng sa thải, cắt giảm giờ làm của người lao động vì doanh nghiệp thiếu đơn hàng trầm trọng.
Tại TP.HCM, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) hiện sử dụng hơn 50.000 lao động (doanh nghiệp có đông lao động nhất TP.HCM hiện nay) cũng vừa thông báo khoảng 20.000 công nhân khu xưởng C, D, Y và Hóa công thuộc khối sự nghiệp PCaG sẽ nghỉ luân phiên từ ngày 1/12/2022 đến 28/2/2023 do đơn đặt hàng ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất.
Trong thời gian nghỉ việc, công nhân sẽ được hưởng lương 180.000 đồng/ngày. Đại diện công ty bày tỏ mong muốn người lao động cùng phối hợp thực hiện để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Việc cắt giảm nhân lực, giảm giờ làm vào thời điểm cận Tết thay vì ồ ạt tuyển dụng thêm lao động để hoàn thành các đơn hàng là một nghịch lý chưa từng có của thị trường lao động. Đây là bài toán kinh tế mà mọi doanh nghiệp cần phải vượt qua để tồn tại.
Theo số liệu từ Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM), riêng tháng 10/2022 có hơn 10.440 người mất việc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, nâng tổng số người mất việc 10 tháng qua tại TP.HCM gần 128.000 người. Con số này tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương, từ đầu năm đến nay có khoảng 28.000 lao động phải tạm ngưng hợp đồng lao động, khoảng 240.000 người bị giảm giờ làm. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã phê duyệt quyết định hưởng Bảo hiểm thất nghiệp cho gần 70.000 lao động mất việc.
Ở Đồng Nai, thông tin từ Trung tâm dịch vụ việc làm địa phương này cho biết 10 tháng đầu năm nay có gần 57.800 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong khi con số này của cùng kỳ năm trước là 37.760 người và cao hơn số người thất nghiệp của 10 tháng năm 2020 (hơn 56.140 người).
Còn theo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, 9 tháng đầu năm nay đã tiếp nhận, thẩm định hơn 52.860 trường hợp đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp và đã ra quyết định cho gần 51.200 trường hợp, với kinh phí hỗ trợ là 1.356 tỷ đồng.
Trên cả nước, theo thống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, số doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng do thiếu đơn hàng là 441 doanh nghiệp (331 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 75,05%) với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố (tập trung ở khu vực phía Nam với 68% tổng số doanh nghiệp, 88,27% tổng số lao động bị ảnh hưởng).
Trong đó có 562.400 người lao động bị giảm giờ làm (chiếm 90%), 31.370 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 5,02%), 31.012 người lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc (chiếm 4,98%)…
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam qua khảo sát tình trạng nhiều doanh nghiệp trong ngành đồ gỗ, một phần trong lĩnh vực dệt may, da giày bị giảm đơn đặt hàng nên phải sa thải lao động là việc làm bất khả kháng. Nguyên nhân là sau thời gian mới hồi phục lại nền kinh tế, người lao động bắt đầu trở lại làm việc, doanh nghiệp đã kỳ vọng người lao động tăng ca để tạo ra sản phẩm, chất lượng tốt hơn để bù đắp lại thời kỳ khó khăn trước đây. Tuy nhiên, tình hình biến động đơn hàng đang xảy ra khá lớn, một lực lượng lao động đang chịu ảnh hưởng từ chính sự sụt giảm các đơn hàng này.
Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong bối cảnh này, chia sẻ với báo chí, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải đề nghị các cấp công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động đảm bảo chế độ chính sách theo quy định của pháp luật cho người lao động. Trong trường hợp không thể tiếp tục giữ chân người lao động, cần giới thiệu việc làm cho họ, nhất là với những doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng.
Với người lao động, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn có nhiều biến động, cần nỗ lực trau dồi kiến thức để có khả năng chủ động ứng phó với những thách thức mà nền kinh tế có thể xảy ra trong thời gian sắp tới. “Các cấp công đoàn cũng phải hết sức lưu tâm đến những hoàn cảnh cụ thể, chẳng hạn nếu một gia đình mà cả hai vợ chồng đều mất việc, thì những đối tượng phải này phải hết sức quan tâm, chí ít phải nỗ lực để một người có việc làm để mỗi gia đình có điểm tựa”, ông Hải lưu ý.
Đồng thời, trong việc triển khai các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động sắp tới, ông Hải đề nghị với những lao động đang đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn mất việc cũng phải là đối tượng ưu tiên để có sự trợ giúp kịp thời.
Trước những lo ngại về nguy cơ có thể xảy ra ngừng việc, đình công khi sa thải lao động dịp cuối năm, ông Hải nhấn mạnh để ngăn ngừa tình trạng này, không gì khác là phải làm thật tốt chế độ chính sách, công khai cho người lao động. Song, chính người lao động cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh chung. “Nếu như tình hình thế giới vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn thì khả năng giải quyết vấn đề này sẽ không phải một sớm một chiều”, ông Hải nhận định.
Do đó, khi người lao động không còn tiếp tục làm việc nữa vẫn phải được đảm bảo các quyền lợi cơ bản về tiền lương những ngày đang làm việc, chế độ chính sách khi thôi việc, đặc biệt, với các đối tượng khó khăn cần có giải pháp hỗ trợ phù hợp.