Thông thường, trước Tết là thời điểm các doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng lao động để triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy vậy, từ quý 4 năm 2022 đến nay, do đơn hàng giảm mạnh, khiến quy mô sản xuất của các doanh nghiệp bị thu hẹp, người lao động được sắp xếp làm việc luân phiên hoặc nghỉ việc.
Giữa nhiều khó khăn chồng chất, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh ngay trong mùa cao điểm cuối năm.
Ảnh minh họaNhiều khó khăn tạo sức ép cho doanh nghiệp
Kinh doanh các sản phẩm thiết yếu về chăm sóc sức khỏe, ông Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch Công ty Rosa Bonita chia sẻ, trong tháng 12/2022, doanh nghiệp có tham gia chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 - Vietnam Grand Sale 2022” do Bộ Công Thương tổ chức với hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại có thể lên đến 100%. Tuy vậy, lượng sản phẩm bán ra vẫn không thể bằng những năm trước khi mức khuyến mại bị giới hạn ở 50%.
“Chúng tôi đã áp dụng áp dụng chương trình khuyến mại lớn trong tháng cuối năm 2022 là thời điểm mua sắm của người dân. Tuy vậy, thực tế, lực cầu kém hơn rất nhiều so với năm trước đây khi khuyến mại có giới hạn, thậm chí không có chương trình khuyến mại nào” ông Hoàng Trung Dũng nhìn nhận.
Trong lĩnh vực xuất khẩu, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết, dù xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã cán mốc 10 tỷ USD tăng gần 34% so với năm 2021 từ cuối tháng 10. Thế nhưng, trong tháng 11 và 12, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 780 triệu USD và 785 tỷ USD, lần lượt giảm 14% và 13% so với cùng kỳ năm 2021.
“Khó khăn lớn nhất của ngành thủy sản hiện nay là thiếu đơn hàng vào ngay mùa cao điểm tiêu thụ. Trong điều kiện bình thường, thì hiện đang là thời điểm thiếu lao động, nhưng từ quý 4 năm trước đến nay, đơn hàng giảm, quy mô sản xuất thu hẹp, người lao động được sắp xếp làm việc luân phiên hoặc nghỉ việc” ông Nguyễn Hoài Nam nhìn nhận.
Trong khi đơn hàng giảm, lao động nghỉ việc, thì doanh nghiệp vẫn phải trả chi các khoản lương cơ bản, hay các khoản đóng theo lương như tiền bảo hiểm xã hội hay tiền công đoàn vẫn phải duy trì.
“Những chi phí này đang tạo sức ép rất lớn cho doanh nghiệp, bồi thêm những khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đơn hàng giảm” ông Nam quan ngại.
Nhìn nhận về những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế Quốc dân cho biết, tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2022, trong bài phát biểu trước Quốc hội đã cảnh báo, năm 2023 là năm khó khăn nhất đối với kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng trong các giai đoạn phát triển trước đó.
“Đơn hàng cho năm 2023 với nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng... Nhiều doanh đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022” ông Cường lo lắng.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có nhiều chính sách sách hỗ trợ doanh nghiệp như miễn giảm thuế, giãn nợ ngân hàng để doanh nghiệp phục hồi sau COVID-19. Tuy vậy, đến năm 2023, những chính sách này hầu như hết hiệu lực thực hiện.
“Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ hiện tại, thậm chí là nợ cũ đã hoãn trước đó. Giữa nhiều khó khăn chồng chất, rơi vào “đường cùng” khiến cho số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh vẫn không ngừng tăng, ngay cả trong mùa tiêu dùng cuối năm” ông Cường nhấn mạnh.
Cần ưu tiên các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp
Trước khó khăn của năm 2023, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, phía Chính phủ và các bộ ngành, địa phương cần có chương trình tổng thể, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Nếu lạm phát tăng cao, thì doanh nghiệp làm ăn lãi trên sổ sách nhưng thực tế lại không lãi, người dân mất tiền mất tài sản đi, nhà đầu tư cũng không thể yên tâm đầu tư vì tài sản không được đảm bảo. Vì vậy, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát cần ưu tiên hàng đầu” ông Cường nêu.
Cùng với đó, Chính phủ cần ưu tiên các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
“Các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp đã được áp dụng tốt trong thời gian qua nên cần được tiếp tục thực hiện, cùng với đó là xem xét mở rộng thêm đối tượng, thời gian hỗ trợ phù hợp” ông Cường đề xuất.
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Công ty Rosa Bonita cho rằng, các chính sách hỗ trợ cũng cần tập trung vào các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần mang tính đột phá.
“Cần có chính miễn giảm thuế hay giãn nợ kéo dài thời gian (có thể là 3 năm) để doanh nghiệp có thời gian phục hồi và phát triển. Còn miễn giảm giãn năm nay, mà năm sau bù lại trong khi chưa thu hồi vốn thì doanh nghiệp lại không dám đầu tư” ông Dũng lưu ý.
Còn theo Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành thủy sản nói riêng ủng hộ các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Tuy vậy, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi những chính sách này.
“Dù có nỗ lực từ phía Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp, nhưng hiện chúng tôi thấy lãi suất tăng liên tục và đang ở mức cao. Chúng tôi mong muốn được tiếp cận với nguồn vốn với lãi suất phù hợp và ổn định để tạo ra sức bật trong bối cảnh khó khăn hiện nay” ông Nam nêu rõ.
Cùng với đó, điều doanh nghiệp mong muốn nhất là Chính phủ và các bộ ngành tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp có thể kinh doanh tốt và cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực.
“Môi trường kinh doanh ở là đây là những quy định mà Chính phủ giao về các bộ ngành, và hiện nay có nhiều vấn đề khiến doanh nghiệp quan ngại. Vì vậy, các cơ quan cần đẩy nhanh việc cải thiện môi trường một cách hiệu như Nghị quyết 02 để ra hàng năm” ông Nam kỳ vọng.