"Đại nghỉ việc" trong kỷ nguyên hậu COVID-19

Kinh tế Mỹ đang trải qua những tháng ngày biến động lớn, với sự xáo trộn chưa từng thấy trên thị trường lao động.

Tình trạng mất việc làm trên diện rộng, đặc biệt trong ngành công nghệ, có thể là tín hiệu về một sự thay đổi mạnh mẽ của nền kinh tế số một thế giới.

Có thời, Thung lũng Silicon (bang California), nơi tập trung hầu hết các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ, là một trong những biểu tượng tăng trưởng kinh tế của “Xứ cờ hoa”. Trong vòng một thập kỷ, tăng trưởng trở thành tiêu chuẩn trong lĩnh vực công nghệ. Khi đại dịch COVID-19 ập tới và cuộc sống hằng ngày chuyển sang trực tuyến nhiều hơn, hoạt động tuyển dụng lao động đã bùng nổ khắp Thung lũng Silicon.

Một số công ty công nghệ lớn, như Amazon và công ty mẹ của Facebook là Meta, thậm chí tăng gấp đôi số nhân viên để đáp ứng nhu cầu mới. Ông Olu Sonola tại hãng Fitch Ratings đánh giá các công ty công nghệ Mỹ đã tăng trưởng quá nóng trong vòng 1 thập kỷ trước đại dịch COVID-19, kéo theo đó là thực trạng “lạm phát về tuyển dụng”.

Tuy nhiên, khi đại dịch đi qua là lúc các ông lớn công nghệ Mỹ “đau đầu” tính chuyện giải quyết bài toán khủng hoảng thừa lao động. Vài tháng gần đây, các công ty công nghệ lớn như Amazon, IBM, Microsoft hay Google đã cho hàng chục nghìn nhân viên nghỉ việc và thực hiện đợt sa thải lớn chưa từng có. Lyft và Meta cũng cắt giảm hơn 15% lực lượng lao động.

Giáo sư Anthony Klotz thuộc Đại học Texas A&M gọi tình trạng mất việc hàng loạt hiện nay tại các công ty lớn của Mỹ là “Đại nghỉ việc” (Great Resignation). Chuyên gia Karen Dynan tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson cho biết số lượng lao động nghỉ việc mỗi tháng của nền kinh tế Mỹ vào khoảng 1,5 triệu người, trong đó riêng lĩnh vực công nghệ là 30.000 trường hợp.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số người nghỉ việc, hoặc bị sa thải, trong năm 2022 tại nước này lên tới trên 14 triệu lao động. Các báo cáo khác cho thấy khoảng 36% người lao động Mỹ dự định nghỉ việc trong năm 2023.

Đại dịch COVID-19 chỉ là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng sa thải và nghỉ việc ồ ạt tại các tập đoàn lớn của Mỹ. Kết quả cuộc khảo sát tiến hành từ ngày 7-13/2 vừa qua của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy thu nhập thấp (63%), thiếu cơ hội thăng tiến (63%) và cảm thấy không được tôn trọng tại nơi làm việc (57%) là những lý do hàng đầu khiến người Mỹ nghỉ việc trong năm ngoái.

Bên cạnh đó, Aaron De Smet, chuyên gia tư vấn về xu hướng lao động của công ty tư vấn McKinsey & Co, cho rằng ngày càng có nhiều người Mỹ đánh giá lại các ưu tiên việc làm của bản thân. Những người “làm công ăn lương” sau một thời gian đi làm tích lũy kinh nghiệm và tài chính tại các công ty lớn, giờ đây họ bắt đầu nghĩ đến chuyện nghỉ việc và ra làm nghề tự do, tức là đổi vai từ người làm thuê sang làm chủ. Sự ra đời của các ứng dụng, trang web kinh doanh trực tuyến đã giúp nhiều người lao động có thêm lựa chọn khởi nghiệp theo hướng này.

Quảng cáo
082614-quan-chuc-fed-ti-le-that-nghiep-tai-my-co-the-tang-len-muc-cao-nhat-tu-thap-nien-1940-3668.jpg

Người dân xếp hàng chờ phỏng vấn xin việc tại thành phố Arlington, bang Virginia, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên thực tế, “Đại nghỉ việc” có vẻ đang song hành với sự bùng nổ của các doanh nghiệp khởi nghiệp (Start-up) và 1,4 triệu công ty khởi nghiệp đã đăng ký ở Mỹ quả thật là con số biết nói. Ngoài ra, việc các tập đoàn công nghệ đẩy nhanh áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình quản lý và điều hành cũng là một nguyên nhân dẫn tới xu thế “Đại nghỉ việc”, chiếm 28% trên tổng số vị trí bị sa thải.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng xu thế “Đại nghỉ việc” đang ít nhiều ảnh hưởng tới đời sống của người lao động, hoạt động của nhiều công ty nói riêng và thị trường việc làm nói chung tại Mỹ. Nhất là khi điều này xảy ra với tập đoàn lớn, những nơi uy tín và thương hiệu vốn được xem là tiêu chuẩn đánh giá thành công. Sa thải ồ ạt dễ tạo tâm lý xã hội về một sự đi xuống của doanh nghiệp, đồng thời đây cũng là một trong những chỉ dấu báo hiệu suy thoái. Đó là chưa kể nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, bởi không phải người lao động nào sau khi nghỉ việc cũng có thể tìm được ngay một công việc mới.

Tuy nhiên, “Đại nghỉ việc” cũng có những tác động tích cực với nền kinh tế Mỹ. Xu thế này là cơ hội để Mỹ sắp xếp lại thị trường việc làm. Các tập đoàn công nghệ hiện sử dụng khoảng 9 triệu lao động, chiếm 2% thị trường việc làm, trong khi nhu cầu việc làm tại các lĩnh vực khác của nền kinh tế cao hơn nhiều, ví dụ khu vực dịch vụ là 14% hay chăm sóc sức khỏe là 11%.

Theo The Wall Street Jounal, trên thực tế, tình trạng “nhảy việc” của lực lượng lao động tại “những gã khổng lồ” công nghệ như Amazon hay Meta đang giúp thị trường việc làm Mỹ tái phân bổ chất xám và nhân lực lành nghề cho các công ty nhỏ hơn. Với người lao động, nghỉ việc cũng là cơ hội để họ tìm một công việc tốt hơn và mức thu nhập cao hơn.

Chuyên gia kinh tế Heidi Shierholz cho rằng bỏ một công việc cũ là dịp để người lao động làm mới bản thân và tìm kiếm những vị trí tốt hơn, phù hợp hơn với các mục tiêu nghề nghiệp và cuộc sống. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nếu vòng xoáy sa thải và nghỉ việc hàng loạt như hiện nay tại các công ty lớn tiếp diễn một thời gian dài, thị trường việc làm của Mỹ sẽ đối mặt với không ít hệ lụy.

Giáo sư Anthony Klotz cho rằng các công ty nên giữ chân người lao động bằng cách tăng lương, dành cho họ thời gian nghỉ ngơi và hỗ trợ nhiều hơn. Các công ty cũng có thể sắp xếp công việc một cách hợp lý hơn, như làm việc từ xa và lịch trình linh hoạt. Không chỉ vật chất, người sử dụng lao động cần được quan tâm hỗ trợ sức khỏe tinh thần, sự ghi nhận và cơ hội thăng tiến, cũng như các chế độ đãi ngộ phù hợp.

Xu thế “Đại nghỉ việc” phát đi tín hiệu về những thay đổi quan trọng với nền trong kỷ nguyên hậu đại dịch COVID-19, nơi người lao động đang cho thấy những cách tư duy mới đối với công việc và sự nghiệp của mình. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội, để các công ty lớn của Mỹ thay đổi, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, hướng tới phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Theo Bnews Sao chép

Cùng chuyên mục Thế giới

Giới siêu giàu Hàn Quốc lựa chọn đầu tư an toàn hơn vào năm 2025

Một báo cáo công bố ngày 22/12 cho hay, giới siêu giàu Hàn Quốc, chiếm chưa đến 1% dân số nước này, đang lựa chọn các lựa chọn đầu tư rủi ro thấp vào năm tới do tình hình kinh tế không chắc chắn.

Xuất khẩu nông sản của Hàn Quốc lập kỷ lục mới Chứng khoán Seoul trượt dốc do căng thẳng chính trị tại Hàn Quốc

Đồng euro yếu - công cụ để châu Âu ứng phó với thuế quan mới của Mỹ?

Nếu đồng euro yếu hơn, giảm xuống ngang giá với đồng USD, sẽ làm giảm bớt tác động tiêu cực từ việc Mỹ có thể áp các mức thuế mới đối với hàng hóa của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Đồng euro thắng thế trên thị trường tiền tệ toàn cầu Trung Quốc trở lại thị trường nợ với kế hoạch bán trái phiếu bằng đồng euro