Theo số liệu cập nhật, tính đến ngày 20/9/2024, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã ghi nhận 23 trường hợp tử vong, 6 trường hợp thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Tổng số tiền ước tính chi trả quyền lợi bảo hiểm là khoảng 13 tỷ đồng.
Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận khoảng 12.000 thông tin thiệt hại về bảo hiểm tài sản, xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe, ước tính thiệt hại là khoảng 9.000 tỷ đồng do cơn bão số 3 gây ra. Hiện, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tạm ứng bồi thường tổng số tiền là 9,9 tỷ đồng.
Dẫn đầu về thiệt hại trong số các doanh nghiệp phi nhân thọ đang là Bảo hiểm PVI. Tính đến ngày 23/9/2024, Bảo hiểm PVI đã ghi nhận 751 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xe cơ giới và con người, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 3.000 tỷ đồng sau cơn bão Yagi. Phía Bảo hiểm PVI cho biết đã bắt đầu tiến hành tạm ứng chi trả cho những khách hàng bị tổn thất tài sản với số tiền là 15 tỷ đồng.
Doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn thứ hai là Bảo hiểm Bảo Việt. Tính đến ngày 18/9, doanh nghiệp ghi nhận 904 vụ với số tiền bồi thường 955 tỷ đồng.
Ngoài ra, thiệt hại của các doanh nghiệp bảo hiểm như Bảo hiểm VietinBank (VBI), Bảo hiểm Quân đội (MIC), Bảo hiểm Agribank (ABIC) hay Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cũng lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp, xác định thiệt hại và thực hiện ngay việc bồi thường
Theo thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), bão Yagi và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Tài chính, để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại, ngay sau khi bão tan, ngày 9/9, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã có công văn gửi Hiệp hội Bảo hiểm và các doanh nghiệp.
Trong công văn, Cục đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xác định thiệt hại về người và tài sản, thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật.
Đồng thời, đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện hỗ trợ nhân đạo cho những nạn nhân bị ảnh hưởng do bão.
Bên cạnh việc huy động nhân lực đến trực tiếp hiện trường xảy ra thiệt hại để giám định, tạm ứng bồi thường, bồi thường, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã bổ sung nhân lực, trực hotline để sẵn sàng hỗ trợ khách hàng 24/7, ghi nhận những thông báo thiệt hại và tư vấn khách hàng triển khai các thủ tục để được chi trả bồi thường bảo hiểm.
Cũng theo số liệu từ Thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), ước tính tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn ngành trong 9 tháng năm 2024 ước đạt 165.518 tỷ đồng, giảm 0,41% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 58.541 tỷ đồng, tăng 12,79% so với cùng kỳ năm trước; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 106.977 tỷ đồng, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Chi trả quyền lợi bảo hiểm trong 9 tháng năm 2024 ước đạt 64.070 tỷ đồng, tăng 16,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 17.621 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 46.449 tỷ đồng.