Tại Quyết định số 686 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Long An sẽ phấn đấu đến năm 2030 có 27 đô thị.
Theo phương án quy hoạch hệ thống đô thị, bao gồm xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng đô thị, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai; phát triển mạnh các đô thị tiếp giáp TP.HCM, trung tâm vùng Đồng Tháp Mười. Đồng thời, mở rộng phạm vi, ranh giới các đô thị hiện hữu chưa bảo đảm tiêu chuẩn diện tích…
Bên cạnh đó, khi có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, tỉnh Long An phấn đấu đến năm 2030 có 27 đô thị.
Đó là 1 đô thị loại I (TP.Tân An); 1 đô thị loại II (thị xã Kiến Tường); 3 đô thị loại III (Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa); 9 đô thị loại IV (các thị trấn: Cần Đước, Đông Thành, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Tân Trụ, Tầm Vu); 13 đô thị loại V (Rạch Kiến, Long Cang, Long Hựu Đông, Long Trạch, Mỹ Quý Tây, Bình Hòa Nam, Hưng Điền B, Khánh Hưng, Thái Bình Trung, Bình Phong Thạnh, Hậu Thạnh Đông, Tân Long, Lạc Tấn).
Song song đó, các đô thị trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành thì TP.Tân An đóng vai trò là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại của phía Đông Bắc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đô thị cửa ngõ giữa vùng Đông Nam bộ và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Các đô thị Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc là các đô thị vệ tinh, có vai trò giảm tải về áp lực dân số, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cho TP.HCM. Tại Bến Lức, sự xuất hiện của dự án bất động sản khu đô thị Waterpoint 355ha được xem là khu đô thị lớn nhất tại khu vực, tính đến thời điểm này.
Thị xã Kiến Tường đóng vai trò là trung tâm vùng Đồng Tháp Mười gắn với Khu kinh tế cửa khẩu Long An, có vai trò động lực, thúc đẩy hoạt động công nghiệp, logistics, chế biến nông sản, kinh tế biên mậu với Campuchia. Các đô thị còn lại đóng vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, thương mại của đơn vị hành chính cấp huyện.
Long An là khu vực đang hình thành nhiều khu đô thị quy mô lớn.
Chia sẻ trong talkshow mới đây, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang nhấn mạnh, về hướng Tây TP.HCM, không có nơi nào có vị trí tốt như Long An. Hàng loạt hạ tầng được đầu tư và các khu đô thị lớn đang hình thành tại đây tạo nên bức tranh rất khác so với trước đây.
Về hạ tầng, mới đây, Bộ giao thông vận tải (GTVT) cũng đã kiến nghị nâng cấp, mở rộng hai tuyến đường động lực trên địa bàn Long An là đường quốc lộ 50 và N1. Theo Bộ này sẽ phối hợp với UBND tỉnh Long An huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư dự án, đồng thời giao Cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên kiểm tra, thực hiện bảo trì tuyến đường để đảm bảo điều kiện đi lại, vận tải thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Thực tế, các khu đô thị tại Long An đang hình thành nhanh chóng nhờ hàng loạt công trình giao thông được đẩy mạnh tiến độ đầu tư, giúp gia tăng khả năng kết nối liên vùng và phát triển kinh tế – xã hội.
Từ nay đến năm 2025, TP.HCM và các tỉnh lân cận sẽ đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông trọng điểm, tạo ra sự kết nối liên vùng xuyên suốt để làm đòn bẩy phát triển kinh tế – xã hội, tăng tốc độ đô thị hóa. Có thể kể đến như cao tốc Bến Lức – Long Thành; metro Bến Thành – Suối Tiên; mở rộng quốc lộ 1 đoạn TPHCM – Long An, quốc lộ 50; nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, khép kín đường Vành đai 2, Vành đai 3…
Bên cạnh đó, tỉnh Long An cũng đang nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc Tân Sơn Nhất – Tân An để hợp cùng tuyến cao tốc Thủ Đức – Mộc Bài và cao tốc Bến Lức – Long Thành hình thành vành đai giao thông ôm trọn xung quanh TP.HCM.
Hệ thống giao thông sau khi hoàn thành chắc chắn sẽ kích hoạt sự ra đời của các khu đô thị vệ tinh theo Quy hoạch phát triển vùng đô thị TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.