Dự kiến vận chuyển hơn 21 triệu lượt khách hàng
Sáng nay (16/12), Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (mã HVN) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, trong năm 2022, Vietnam Airlines vận chuyển 18,24 triệu lượt khách, vượt 7,5% so với kế hoạch và bằng gần 80% so với năm 2019. Trong đó, sản lượng khách quốc tế đạt hơn 2,47 triệu khách, thấp hơn 1,4% so với kế hoạch và bằng 27,3% so với năm 2019. Sản lượng khách nội địa năm 2022 đạt 15,77 triệu khách, vượt 9% so với kế hoạch và tăng 14,2% so với năm 2019.
Theo ông Hà, nguyên nhân chính sản lượng khách quốc tế không đạt kế hoạch là do thị trường Trung Quốc mở cửa chậm hơn dự kiến còn khách nội địa vượt kế hoạch là do thị trường tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn cao điểm hè sau giai đoạn kìm nén về du lịch.
Về kế hoạch tài chính, tổng doanh thu công ty mẹ trong năm 2022 là 50.214 tỷ đồng, số lỗ trước thuế công ty mẹ và hợp nhất lần lượt là -8.841 tỷ đồng và -10.945 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu công ty mẹ và hợp nhất tại thời điểm 31/12/2022 ước tính lần lượt là -3.579 tỷ đồng và - 11.056 tỷ đồng.
Về dòng tiền, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, với tình hình thu bán dần được cải thiện trong những tháng đầu năm và giai đoạn cao điểm tết, đặc biệt là giai đoạn cao điểm hè, dòng tiền của Tổng công ty đã được cải thiện đáng kể.
“Tổng công ty đã phần nào cân đối dòng tiền để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ trả nợ quá hạn cho các đối tác theo cam kết, trả nợ các công ty thành viên, trả nợ ngân hàng và chi hoàn vé để đảm bảo uy tín với các đối với các đối tác, khách hàng, duy trì hoạt động cung ứng và sản xuất kinh doanh thông suốt”, ông Hòa cho biết.
Về kế hoạch năm 2023, Vietnam Airlines dự kiến vận chuyển 21,11 triệu lượt khách hàng, tăng 15,8% so với cùng kỳ và bằng 92,3% so với năm 2019. Trong đó, sản lượng khách quốc tế đạt 6,38 triệu khách, tăng 158,4% so với cùng kỳ và sản lượng khách nội địa đạt 14,73% triệu khách, giảm 6,6% so với cùng kỳ và tăng 6,7% so với năm 2019.
“Trong nửa đầu năm 2023, đà phục hồi thị trường vận tải hàng không diễn ra khá mạnh mẽ trong 4 tháng đầu năm, tuy nhiên, đã có xu hướng chậm lại từ quý 2. Các yếu tố đầu vào quan trọng (giá nhiên liệu, lãi suất) tuy đã bình ổn hơn nhưng vẫn ở mức cao. Trong nửa sau năm 2023 hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do kết quả cao điểm hè thấp hơn kỳ vọng, tình hình suy giảm cầm tại các thị trường trọng điểm, tình hình thị trường nội địa không khả quan, tái diễn tình trạng thừa tải và suy giảm doanh thu bình quân, các yếu tố đầu vào vẫn ở mức cao và bất lợi”, ông Hòa cho biết.
Theo đó, dự kiến cả năm 2023 công ty mẹ vẫn lỗ khoảng 4.870 tỷ đồng, kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất lỗ trước thuế 5.562 tỷ đồng.
Dòng tiền đã được cải thiện, kỳ vọng không bị hủy niêm yết
Ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính Kế toán Vietnam Airlines cho biết, việc lỗ 3 năm liên tiếp và âm vốn chủ sở hữu của Tổng công ty là một tình huống rất đặc biệt.
“Trước Covid – 19, Vietnam Airlines đứng top các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, do yếu tố ảnh hưởng khách quan là đại dịch nên không chỉ riêng Vietnam Airlines mà các hãng hàng không trên thế giới đều trong tình trạng khó khăn như vậy. Đây là một tình huống khách quan, tôi tin tưởng các cơ quan nhà nước sẽ có những đánh giá khách quan và kỳ vọng cổ phiếu HVN vẫn sẽ được tiếp tục niêm yết trên sàn chứng khoán”, ông Hiền nói.
Trưởng ban Tài chính Kế toán Vietnam Airlines cũng cho biết, Tổng công ty đang triển khai đồng bộ các đề án tái cơ cấu, trong đó, giải pháp tự thân là quan trọng nhất nhằm khắc phục các hậu quả của Covid- 19, bao gồm việc thực hiện các giải pháp tăng cường quản trị doanh thu, đàm phán giảm giá, tiết kiệm, quản trị chi phí, các giải pháp tái cơ cấu tài sản – nguồn vốn để bổ sung thu nhập, dòng tiền và nguồn vốn nhằm mục tiêu cải thiện tối đa kết quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo duy trì thanh khoản.
“Với đề án đã xây dựng, chúng tôi kỳ vọng không lâu nữa sẽ khắc phục được khó khăn, đưa tài chính Tổng công ty về trạng thái an toàn. Chúng tôi cần thời gian không dài để làm ăn có lãi, khắc phục âm vốn chủ sở hữu”, ông Hiền nói.
Theo Trưởng ban Tài chính Kế toán Vietnam Airlines, trong năm 2023, nhờ thị trường phục hồi nhanh, dòng tiền của Tổng công ty đã được cải thiện đáng kể, không những đảm bảo kinh doanh mà còn bố trí được hơn 7.000 tỷ đồng để trả các khoản nợ.
“Chúng tôi tin tưởng cùng với dòng tiền kinh doanh và đề án tái cơ cấu , chúng tôi có thể trả được các khoản nợ đã giãn hoãn, đảm bảo hoạt động liên tục và tiếp theo đó là có lãi. Nếu chỉ hoạt động kinh doanh thông thường sẽ mất rất nhiều năm , quan trọng là Vietnam Airlines phải có đề án tái cơ cấu tài sản, có nguồn vốn để có thêm thu nhập để từng bước xóa lỗ lũy kế”, ông Hiền nói.
Tổng giám đốc Vietnam Airlines, ông Trần Hồng Hà cho biết, năm 2023 đã có những bước hồi của thị trường hàng không thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Việc hãng hàng không Bamboo thu hẹp hoạt động được đánh giá là một cơ hội cho các hãng hàng không khác, trong đó có Vietnam Airlines mở rộng thị phần.
“Đánh giá nhu cầu của thị trường, trong giai đoạn vừa qua chúng tôi đã chủ động bổ sung các đường bay quốc tế và quốc nội, lấy lại phần nào thị phần. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho VNA thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao” ông Hà cho biết.
Năm 2024, thị trường hàng không thế giới được dự báo sẽ quay về xấp xỉ mức của năm 2019. Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines đánh giá, sẽ có cả cơ hội và thách thức song hành.
“Để vượt qua các thách thức, nắm bắt cơ hội phục hồi và phát triển, chúng tôi đã xây dựng các kế hoạch và giải pháp đồng bộ trên mọi lĩnh vực, trong đó, hãng đặc biệt chú trọng triển khai Đề án tái cơ cấu, với các giải pháp hướng đến mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024”, Chủ tịch Vietnam Airlines nhấn mạnh.