Hàng không Việt đang “tìm lại bầu trời”

Ngành hàng không trong nước đã có bước chuyển mạnh mẽ trong năm 2024. Những khó khăn dần qua, và kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành có nhiều tín hiệu tích cực.

Hàng không Việt đang “tìm lại bầu trời”

Cùng nhau hồi phục

Cuối tháng 11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) được chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Quốc hội cũng cho phép Công ty CP Hàng không Pacific Airlines (công ty con của Vietnam Airlines) được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuế đến hết ngày 31/12/2024. Sau thời hạn này, cơ quan thuế tính tiền chậm nộp, đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế đúng quy định với hãng bay giá rẻ này.

Đây là bước đi quan trọng giúp hãng hàng không quốc gia có thể tháo gỡ được những khó khăn phát sinh từ thời COVID-19. Tại thời điểm 30/9/2024, Vietnam Airlines vẫn đang lỗ lũy kế 35.225 tỷ đồng. Do vậy, vốn chủ sở hữu của công ty âm hơn 11.000 tỷ đồng. Tổng nợ vay tài chính ở mức hơn 22.000 tỷ đồng. Nếu tăng vốn thành công, Vietnam Airlines sẽ thoát âm vốn chủ sở hữu.

Trước đó vào cuối tháng 6/2024, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết cho phép Vietnam Airlines được gia hạn trả nợ với khoản vay tái cấp vốn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tự động gia hạn thêm 3 lần khi đến hạn trả nợ với khoản vay 4.000 tỷ đồng của Vietnam Airlines.

Lợi nhuận quý III/2024 và 9 tháng năm 2024 của một số doanh nghiệp hàng không niêm yết.

Với những giải pháp “gỡ khó” của Nhà nước, cộng thêm sự phục hồi của thị trường hàng không và chính nỗ lực tự thân trong tái cơ cấu lại tài sản, nguồn vốn, nhân lực, cắt giảm chi phí…, thì kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines đã khởi sắc hơn trong thời gian qua.

Tại hội nghị tổng kết vào giữa tháng 12/2024, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết ước tính cả năm 2024, doanh thu của hãng đạt khoảng 113.577 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt 6.264 tỷ đồng, lần lượt vượt 7% và 38,5% kế hoạch năm. Đây cũng là con số doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục của hãng hàng không này kể từ khi niêm yết. Với kết quả này, Vietnam Airlines đã chấm dứt chuỗi thua lỗ 4 năm liên tiếp.

Kết quả kinh doanh tích cực của “cánh chim đầu đàn” Vietnam Airlines phần nào đang phản ánh bức tranh phục hồi khả quan của các doanh nghiệp hàng không trong năm 2024.

Công ty CP Hàng không Vietjet (Vietjet Air, mã VJC) dù chưa công bố kết quả kinh doanh cả năm, nhưng 9 tháng đầu năm đã ghi nhận doanh thu thuần đạt 52.194 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ và vượt doanh thu cả năm 2019 (thời điểm trước dịch). Lợi nhuận sau thuế 9 tháng của công ty đã đạt hơn 1.405 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần của cả năm 2023.

Quảng cáo
Tàu bay thế hệ mới A321neo ACF của Vietjet Air - Ảnh: VJA.

Trong khi đó, Bamboo Airways - hãng nằm trong top 3 hãng hàng không nội địa lớn nhất - đang cho thấy những dấu hiệu trở lại mạnh mẽ sau khoảng thời gian tái cấu trúc, khi liên tiếp mở lại nhiều đường bay trong nước và quốc tế, đồng thời mở rộng đội bay.

Sự hồi phục của thị trường hàng không cũng là động lực giúp nhóm doanh nghiệp phụ trợ có được doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số so với cùng kỳ. Trong đó, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (mã ACV) ước tính doanh thu năm 2024 đạt 21.466 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 11.981 tỷ đồng, lần lượt vượt 6% kế hoạch doanh thu và vượt 28% chỉ tiêu lợi nhuận năm, đồng thời tăng 8% và 35% so với năm 2023.

Ngoài ra, các doanh nghiệp như Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (mã SCS), Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (mã SAS), Công ty CP Dịch vụ Hàng hoá Nội Bài (mã NCT) hay Công ty CP Dịch vụ Hàng không Taseco (mã AST),… dự kiến cũng “bội thu” năm 2024 khi lợi nhuận 9 tháng đã tăng hàng chục %.

Sẵn sàng tăng tốc

Tình hình sáng sủa hơn của doanh nghiệp ngành hàng không nằm trong bối cảnh vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường hàng không tiếp tục gia tăng, nhất là sự phục hồi của khách quốc tế - tệp khách mang lại doanh thu, lợi nhuận tốt nhất cho các hãng.

Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024 - Nguồn: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam

Theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 17,6 triệu lượt người, tăng 39,5% so với năm 2023 và bằng 97,6% năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 14,8 triệu lượt người, chiếm 84,4% lượng khách quốc tế đến và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Còn theo ước tính của ACV, năm 2024, tổng hành khách thông qua các cảng hàng không trực thuộc ACV đạt 109 triệu khách, trong đó, khách quốc tế đạt 41 triệu khách (tăng 26% so với năm 2023); tổng hàng hóa, bưu kiện thông qua các cảng đạt hơn 1,5 triệu tấn, tăng 19% so với năm 2023.

Với lượng hành khách và hàng hóa vận chuyển đã chính thức vượt mức trước đại dịch COVID-19, ACV đang đặt kỳ vọng lớn hơn vào năm 2025 với sản lượng hành khách mục tiêu là 118,9 triệu khách, tăng 7,4% so với năm 2024; trong đó khách quốc tế là 44 triệu (tăng 7,2%); khách trong nước là 72,9 triệu (tăng 7,4%).

Triển vọng tăng trưởng của ACV trong năm 2025 cũng đang mở ra kỳ vọng cho các hãng hàng không. Để không “nhỡ chuyến”, ngay từ những tháng cuối năm 2024, các doanh nghiệp hàng không - từ Vietnam Airlines, Vietjet đến Bamboo Airways - đều tích cực mở rộng đội bay để phục vụ cho cao điểm Tết Nguyên đán và năm 2025.

Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không Việt Nam đang nằm trong xu thế phục hồi chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và có thể đạt mức phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch COVID-19 vào cuối năm 2024.

Với tốc độ tăng trưởng trung bình dự báo khoảng 5-6%/năm, thị trường hàng không Việt Nam hứa hẹn sẽ đón khoảng 150 triệu khách vào năm 2035 và 200 triệu khách vào năm 2040, tăng lần lượt 1,9 lần và gần 2,5 lần so với năm 2019.

Theo Ấn phẩm Kỷ nguyên vươn mình - Mừng Xuân 2025 Sao chép

Cùng chuyên mục Doanh nghiệp

Hòa Phát cung cấp thép dự ứng lực cho dự án cao tốc hơn 14.000 tỷ đồng

Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh kết nối hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), có tổng chiều dài 121 km. Trong đó, giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 14.300 tỷ đồng.

Thừa nhận kế hoạch năm 2025 tham vọng, Chủ tịch Hòa Phát nói sẽ không điều chỉnh dù thị trường có nhiều biến động Vẫn còn nhiều dự định với "át chủ bài" thép, Hòa Phát có mở rộng mảng bất động sản và nông nghiệp?

Quý I/2025, Vingroup báo doanh thu tăng 287%, lên hơn 84.000 tỷ đồng

Tổng doanh thu thuần hợp nhất trong quý I/2025 của Vingroup đạt 84.053 tỷ đồng, tăng trưởng 287% so với cùng kỳ năm 2024 nhờ ghi nhận tăng trưởng tích cực từ các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phát triển và kinh doanh bất động sản.

Ông Phạm Nhật Vượng: “VinFast sẵn sàng cạnh tranh, giá nào chơi giá đó” Quý I, VinFast bàn giao hơn 36.000 ô tô điện trên toàn cầu, gấp gần 4 lần cùng kỳ

ĐHĐCĐ FECON: Lợi nhuận năm 2025 chủ yếu từ mảng bất động sản, tâm điểm là dự án Square City

Theo lãnh đạo FECON, trong cấu trúc lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng đặt ra cho năm 2025, dự kiến khoảng 55 tỷ đồng sẽ đến từ mảng thi công, 145 tỷ đồng từ mảng đầu tư bất động sản.

FECON bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới Coteccons, Fecon và 1 thành viên Liên danh Vietur trúng gói thầu nghìn tỷ tại “siêu dự án” cảng hàng không Long Thành

Tận hưởng “chuyến du hành xanh” mỗi ngày tại Vinhomes Wonder City

Tại đô thị của những trải nghiệm thời thượng Vinhomes Wonder City (Đan Phượng, Hà Nội), mỗi ngày của cư dân đều như một “chuyến du hành xanh” kỳ thú. Nơi đây, màu xanh hiện hữu từ vườn riêng sau nhà đến tổ hợp công viên, mặt nước rộng lớn, đi cùng các tiệ

ĐHĐCĐ Vinhomes: Kế hoạch lãi kỷ lục, Vinhomes Cần Giờ là động lực tăng trưởng doanh số trong 3 năm tới Chủ dự án Vinhomes Global Gate lãi trước thuế hơn 18.600 tỷ đồng trong quý I/2025

Imexpharm công bố kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ 2025

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, Imexpharm thông qua mục tiêu tổng doanh thu 2.981 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 493,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 18,6% và 22,1% so với năm 2024, hướng đến trở thành một công ty dược hàng đầu châu Á.

R&D chiều sâu giúp Imexpharm mở rộng chuỗi cung ứng dược toàn cầu

ĐHCĐ Nam Long: Đã có đối tác đang đàm phán một phần dự án Izumi, mục tiêu lợi nhuận năm tăng 35%

Nam Long đang sở hữu hơn 681 ha quỹ đất sạch tại các khu vực kinh tế trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Cần Thơ và một số địa phương mới. Công ty cũng khẳng định chiến lược vẫn sẽ đẩy mạnh các thương vụ M&A.

Nam Long lên kế hoạch lãi ròng năm 2025 vượt 700 tỷ đồng, tăng 35% Nam Long lãi sau thuế 110 tỷ đồng nhờ bàn giao các dự án trọng điểm