Theo số liệu mới công bố của Cục Hàng không Việt Nam, giá vé máy bay nội địa nhất là vé đến các thành phố du lịch trong nước từ ngày 1/8 đến 15/8 giảm mạnh khi các hãng hàng không Việt Nam cung ứng chỉ bằng 35% đến 65% mức tối đa.
Khảo sát ngày 31/7, vé "đường bay vàng" Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh của Vietnam Airlines có mức giá cao nhất là 2,2 triệu đồng/chiều (chưa thuế, phí), tương đương 65% mức trần 3,4 triệu đồng (giờ bay thứ sáu ngày 2/8).
Trong các ngày khác, giá vé thấp hơn khá nhiều, trong đó thấp nhất là Vietravel Airlines cung ứng loạt vé gần 750.000 đồng/chiều, tương đương 26% mức giá tối đa (các ngày từ 5/8 đến 15/8).
Trên đường bay Hà Nội - Đà Nẵng, mức giá cao nhất vào ngày 2/8 của Vietnam Airlines và Vietjet Air khoảng 1,6 triệu đồng mỗi chiều, tương đương 56% mức tối đa 2,89 triệu đồng.
Với ngày khởi hành xa, giá vé các hãng đều giảm đáng kể, có thời điểm chỉ bằng khoảng 25% mức tối đa, như Vietravel Airline có loạt vé giá chỉ từ 300.000 đồng mỗi chiều.
Trên đường bay Hà Nội - Cam Ranh (Nha Trang), giá vé cao nhất trong ngày cuối tuần 3/8 là gần 2,5 triệu đồng/chiều, khung 9h-17h (bằng 72% mức tối đa 3,4 triệu đồng). Với đường bay này, Vietjet Air bán vé bình quân thấp nhất trong nhiều ngày, chỉ từ 25% mức tối đa.
Đường bay Hà Nội - Đà Lạt, ngày 2/8, Vietnam Airline bán vé 2,9 triệu đồng cho khung giờ ban ngày, tương đương 80% mức tối đa; các ngày khác dao động 30-40% mức tối đa. Vietjet Air có giá vé từ 800.000 đến 1,1 triệu đồng, tức 24%-30%; Bamboo Airway có giá dao động 25%-50% mức tối đa.
Đường bay Hà Nội - Phú Quốc, tuyến nội địa có quãng đường dài nhất, đang áp dụng mức giá trần 4 triệu đồng cho dịch vụ vận chuyển. Tuy nhiên, Vietnam Airlines đang bán vé với giá 3,05 triệu đồng khởi hành sáng 8/8 (khoảng 76% mức trần).
Trong giai đoạn này, cả Vietnam Airlines và Vietjet đều niêm yết giá vé ở mức 30-50% so với mức trần. Khung giờ bay từ 9h-12h thường có giá vé cao hơn do nhu cầu của hành khách lựa chọn giờ bay ban ngày để thuận tiện cho việc đặt phòng và lên kế hoạch di chuyển.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh và công ty lữ hành đã có những chương trình hỗ trợ lưu trú cho hành khách khi lựa chọn bay ban đêm. Điều này giúp hành khách giảm chi phí cho cả chuyến đi và giảm áp lực về vận tải cho các hãng trong khung giờ ban ngày.
Trước đó, giai đoạn nửa đầu năm 2024, giá vé trên một số đường bay trong nước tăng cao so với cùng kỳ 2023. Khảo sát của Cục Hàng không hồi tháng 4 cho thấy chặng Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh giá vé bình quân một chiều của Vietnam Airlines là 2,64 triệu đồng (tăng 14%). Các hãng Bamboo Airways là 2 triệu (tăng 11%), Vietjet khoảng 1,74 triệu (tăng 25%) và Vietravel Airlines khoảng 1,5 triệu (tăng 15%).
Nguyên nhân lớn nhất khiến giá vé tăng mạnh là các hãng trong nước thiếu hụt tàu bay, chỉ khai thác thực tế 165-170 chiếc, giảm 40-45 chiếc so với mức bình quân năm ngoái.
Hàng không báo lãi lớn, liên tục mở thêm đường bay
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tổng lượng khách nội địa ước đạt 37 triệu lượt khách trong nửa đầu năm 2024, tăng hơn 3% so với cùng kỳ 2023 và bằng 97% so với cùng kỳ 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19). Trong đó, chiếm thị phần lớn nhất thuộc về Vietjet Air với 44%, Vietnam Airlines 42%, Bamboo Airways 7%, Vietravel Airlines 3%, Pacific Airlines và VASCO chiếm 4%.
Báo cáo tài chính quý II/2024 của Vietjet Air (mã VJC) ghi nhận doanh thu vận tải hàng không đạt 15.128 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 517 tỷ đồng, tăng lần lượt 23% và 683% so với cùng kỳ.
Lũy kế sáu tháng, doanh thu vận tải hàng không của hãng đạt 32.893 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.174 tỷ đồng, tăng 690% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh hợp nhất, Vietjet đạt 34.016 tỷ đồng doanh thu, và 1.311 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng lần lượt 15% và 433% so với cùng kỳ, vượt 21% so với kế hoạch năm.
Vietjet Air đã liên tục mở đường bay kết nối các thành phố lớn, thành phố du lịch của Việt Nam đến Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Úc... Hãng đã công bố đường bay Nha Trang - Daegu (Hàn Quốc), dự kiến khai thác từ tháng 10/2024, là hãng có nhiều đường bay nhất giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Tính đến nay, Vietjet đang khai thác hơn 149 đường bay khắp Việt Nam và quốc tế, bao gồm 38 đường bay quốc nội và 111 đường bay quốc tế. Khai thác đội tàu bay hơn 105 chiếc (bao gồm Vietjet Thái Lan) với lượng khách vận chuyển tăng trưởng liên tục hàng năm.
Mới đây, Vietjet và Airbus ký kết hợp đồng 20 tàu A330neo trị giá 7,4 tỷ USD tại Farnborough Airshow. Đây là một trong những hợp đồng lớn nhất tại Airshow năm nay.
Trong khi đó, Vietnam Airlines (mã HVN) ghi nhận doanh thu thuần đạt 24.630 tỷ đồng trong quý II/2024, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. lợi nhuận trước thuế 1.146 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức lỗ 1.272 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.035 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines đạt lợi nhuận trước thuế 5.674 tỷ đồng, là mức lợi nhuận kỷ lục kết thúc nửa đầu năm tài chính của hãng hàng không quốc gia.
Với hãng hàng không Bamboo Airways, năm 2023, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Bamboo Airways đã trở lại mức dương 237 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với con số lỗ 19.798 tỷ đồng năm 2022.
Năm 2024, Bamboo Airways dự kiến tổng doanh thu đạt 4.857 tỷ đồng và lỗ giảm về mức 1.387 tỷ đồng. Từ năm 2025 sẽ hòa vốn và tiến đến có lãi trong các năm tiếp theo. Trong vòng 3 năm đưa công ty lên giao dịch trên sàn chứng khoán.