Chỉ số VN-Index đã có thời điểm chỉ cách mốc 1.300 điểm chưa đến 3 điểm vào phiên 10/6 nhưng sau đó lại liên tục gặp phải lực cản đến từ khối ngoại khiến chỉ số lại nới rộng cách biệt ngay trong phiên ngày 10/6. Sang phiên ngày 11/6, VN-Index giảm 6 điểm, tương đương 0,49%, xuống còn 1.284 điểm.
Trong khi đó, diễn biến tại cổ phiếu FPT của Tập đoàn FPT lại hoàn toàn trái ngược, đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/6, FPT tăng 1,7% lên 146.500 đồng/cổ phiếu, cao nhất lịch sử niêm yết tính theo giá đóng cửa điều chỉnh và là lần thứ 29 kể từ đầu năm FPT vượt đỉnh.
Cổ phiếu tăng mạnh đưa vốn hoá của doanh nghiệp công nghệ lên cao kỷ lục với 186.000 tỷ đồng, tương đương 7,7 tỷ USD, tăng hơn 52% kể từ đầu năm và vượt qua nhiều doanh nghiệp như Vingroup, Vinhomes, PV GAS và các Ngân hàng Techcombank, VPBank, Vietinbank. Đến hết phiên giao dịch 11/6, vốn hoá FPT chỉ còn đứng sau Vietcombank, BIDV và nếu tăng tiếp trong một vài phiên tới có thể dễ dàng vượt HPG. Nếu tính cả UpCOM, vốn hoá FPT sẽ thua ACV và Viettel Global.
Đà tăng của FPT chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh và triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp. Cụ thể, từ năm 2018, doanh thu và lợi nhuận của FPT tăng trưởng liên tục. Năm 2024, FPT đặt ra mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, tập đoàn công nghệ này sẽ tiếp tục phá kỷ lục của năm trước.
4 tháng đầu năm 2024, FPT ước đạt 18.989 tỷ đồng doanh thu và 3.447 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 20,6% và 19,7% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.932 tỷ đồng, cũng tăng 19,7% so với cùng kỳ 2023.
Mảng Dịch vụ công nghệ thông tin thị trường nước ngoài tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng, đạt doanh thu 9.450 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 29,2%, dẫn dắt bởi sức tăng đến từ cả 4 thị trường. 4 tháng đầu năm, FPT thắng thầu 20 dự án lớn với quy mô trên 5 triệu USD/dự án. Tổng giá trị đơn hàng thắng thầu và đang trong giai đoạn xúc tiến ký kết tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ.
Các hoạt động kinh doanh của FPT cũng mang lại kỳ vọng lớn cho giới đầu tư khi mới đây FPT đã hợp tác với NVIDIA. Thị trường đang phản ứng tích cực với câu chuyện bán dẫn, đặc biệt là khi các cổ phiếu liên quan đến chip bán dẫn đã được định giá lại mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Trong ngắn hạn, một số thông tin cũng tạo hiệu ứng cho đà tăng của FPT, ngày 13/6 tới đây, FPT sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức còn lại năm 2023 với tỷ lệ 10%. Với gần 1,27 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, FPT dự chi khoảng 1.300 tỷ đồng cho đợt cổ tức này. Thời gian thanh toán dự kiến là 20/6, tức là chỉ 1 tuần sau khi lăn chốt.
Cùng ngày 13/6, FPT sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. FPT sẽ phát hành thêm 190,5 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 20:3 (cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu sẽ nhận thêm 3 cổ phiếu mới). Nguồn vốn trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 trên báo cáo tài chính kiểm toán 2023. Sau phát hành, vốn điều lệ của FPT sẽ tăng từ 12.700 tỷ đồng lên 14.605 tỷ đồng.