Sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016, giá thép thế giới bất ngờ đảo chiều tăng mạnh. Giá thép thanh tương lai vừa có phiên tăng hơn 6% qua đó leo trở lại trên mốc 3.000 CNY/tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sản lượng giảm tạm thời đã lấn át mối lo ngại ngày càng tăng về nhu cầu thấp.
Sản lượng thép thô tại Trung Quốc đã giảm 9,5% trong tháng 7 do nhu cầu giảm mạnh đã xóa sổ biên lợi nhuận của các nhà máy. Điều này hỗ trợ cho giá thép thanh tương lai, trong khi làn sóng đóng cửa lò hồ quang điện đe dọa sản lượng trong tháng 8. Dù vậy, so với thời điểm đầu năm, giá mặt hàng này đã giảm 23%.
Sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc đã khiến nhu cầu về nhà ở mới giảm mạnh trong những năm qua, được nhấn mạnh bởi mức giảm hàng năm nhanh nhất về giá nhà kể từ năm 2015 trong tháng 7. Tình trạng dư cung nhà ở trên diện rộng đã khiến chính phủ Trung Quốc phải kiềm chế hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản lớn, ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng tiêu thụ thép.
Giá thép hồi phục sẽ phần nào làm giảm bớt áp lực lên các nhà sản xuất thép trong nước khi lượng tồn kho vào cuối quý 2 còn khá lớn. Thời điểm 30/6, tổng giá trị tồn kho của ngành thép trên sàn chứng khoán ước tính vào khoảng 75.000 tỷ đồng, giảm khoảng 7.000 tỷ so với cuối quý 1 trước đó nhưng là mức cao thứ 2 trong vòng 7 quý trở lại đây.
Cổ phiếu thép trên sàn chứng khoán Việt Nam tỏ ra khá nhạy với cú bật tăng trở lại của giá thép. HPG, HSG, NKG, TVN, GDA,… đều đồng loạt tăng mạnh, thậm chí SMC còn tăng kịch trần trắng bên bán. Trước đó, nhiều cổ phiếu thép đã phát tín hiệu tạo đáy sau khi đã giảm hàng chục % từ đỉnh gần nhất. Nếu giá thép tiếp tục duy trì được xu hướng hồi phục, cổ đông ngành thép có thể kỳ vọng vào một nhịp đi lên ngắn hạn dù vẫn còn những cơn gió ngược.
Đau đầu với những cuộc điều tra chống bán phá giá
Ngày 14/8, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) khởi xướng đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép cuộn cán nóng có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam. Động thái tiến hành theo đơn kiện được đệ trình bởi hai công ty thép lớn là JSW Steel và ArcelorMittal Nippon Steel India.
Các mặt hàng trong phạm vi ảnh hưởng là thép cuộn cán nóng, hợp kim hoặc không hợp kim, không phủ, không mạ hoặc tráng, độ dày lên đến 25mm, chiều rộng tối đa 2.100 mm. Thời kỳ điều tra bán phá giá kéo dài từ 1/1/2023 đến 31/3/2024 (15 tháng), điều tra thiệt hại trong giai đoạn từ 1/4/2020 đến 31/3/2023. DGTR đề nghị các bên liên quan gửi ý kiến về phạm và mã kiểm soát sản phẩm (PCN) trong 15 ngày kể từ ngày khởi xướng.
Trước đó vào ngày 8/8, ngành thép Việt Nam đã nhận một tin không vui khi Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành Thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam, nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU).
Động thái diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp thép trong nước đang “nín thở” chờ quyết định của Bộ Công thương về việc điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ và tôn mạ kẽm nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Vietcap cho rằng khả năng áp dụng thuế CBPG đối với HRC là khá thấp do nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu HRC.
Theo Vietcap mối nguy đối với các nhà sản xuất tôn mạ là đáng kể và khả năng áp dụng thuế CBPG đối với các sản phẩm này cao hơn. Nếu tìm thấy đủ bằng chứng về việc bán phá giá, Vietcap kỳ vọng biện pháp CBPG tạm thời sẽ được áp dụng sớm nhất là vào giữa tháng 9/2024. Hòa Phát sẽ là bên hưởng lợi lớn nhất nếu thuế CBPG được áp dụng cho cả HRC và tôn mạ. Các nhà sản xuất tôn mạ, bao gồm Hoa Sen và Nam Kim, sẽ chỉ được hưởng lợi từ thuế CBPG đối với tôn mạ.