Dự luật về trần nợ “qua ải” Hạ viện Mỹ

Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật đình chỉ trần nợ 31.400 tỷ USD vào ngày 31/5, với sự ủng hộ đa số từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vượt qua phản đối của nhóm bảo thủ theo đường lối cứng rắn và giúp nước Mỹ tránh được một vụ vỡ nợ có hậu quả nghiêm trọng.
Dự luật về trần nợ “qua ải” Hạ viện Mỹ

Theo đó, dự luật đã “qua cửa” Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát với kết quả 314 phiếu thuận – 117 phiếu chống. Dự luật sau đó sẽ được trình lên Thượng viện để ban hành rồi chuyển tới Tổng thống Joe Biden để ký thành luật trước thời hạn ngày 5/6, khi chính phủ liên bang dự kiến sẽ hết ngân sách để thanh toán các khoản chi tiêu.

Tổng thống Biden hy vọng dự luật sẽ được thông qua kịp thời để tránh một vụ vỡ nợ có thể làm tê liệt nền kinh tế Mỹ, cũng như xáo trộn thị trường tài chính thế giới.

Đạo luật sẽ tạm thời loại bỏ giới hạn vay của chính phủ liên bang đến hết ngày 1/1/2025. Khoảng thời gian đó cho phép ông Biden và Quốc hội gạt những rủi ro chính trị sang một bên cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2024.

Ngoài ra, đạo luật cũng sẽ giới hạn chi tiêu ngân sách năm tài chính 2024 và 2025 của Mỹ (bắt đầy từ ngày 1/7 năm trước tới ngày 30/6 năm sau) trong khi tăng chi cho quốc phòng. Hai bên cũng nhất trí thu hồi quỹ COVID-19 chưa sử dụng, đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo.

Tại Thượng viện, các nhà lãnh đạo của cả hai bên bày tỏ hy vọng sẽ ban hành luật trước cuối tuần. Nhưng khả năng trì hoãn cuộc bỏ phiếu về các nội dung sửa đổi có thể làm phức tạp thêm vấn đề.

Đảng Cộng hòa cho biết Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer và Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Mitch McConnell nhiều khả năng cần cho phép bỏ phiếu về các sửa đổi của đảng Cộng hòa để có thể hành động nhanh chóng.

Nhưng ông Schumer dường như loại trừ việc sửa đổi vào thứ Tư khi nói với các phóng viên rằng không thể gửi dự luật trở lại Hạ viện, khẳng định nước Mỹ phải tránh được kịch bản vỡ nợ.

Cuộc tranh luận và bỏ phiếu tại Thượng viện có thể kéo dài đến cuối tuần, đặc biệt nếu bất kỳ ai trong số 100 thượng nghị sĩ cố gắng trì hoãn việc thông qua dự luật.

Bế tắc về trần nợ đã khiến các cơ quan xếp hạng tín nhiệm cảnh báo họ có thể hạ bậc tín dụng của Mỹ - một yếu tố vốn là nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu.

Cơ quan xếp hạng tín dụng DBRS Morningstar đã đưa Mỹ vào diện xem xét khả năng bị hạ bậc vào tuần trước, tương tự những cảnh báo của Fitch, Moody's và Scope Ratings.

Lần gần nhất nước Mỹ tiến gần đến tình trạng vỡ nợ như vậy là vào năm 2011, thời điểm cũng có sự bất đồng quan điểm giữa các đảng phái tương tự ở Washington với vị trí Tổng thống và đa số Thượng viện thuộc Đảng Dân chủ, còn đảng Cộng hòa chiếm đa số Hạ viện. Khi đó, S&P Global đã hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ sau những bế tắc về trần nợ tương tự năm nay.

Theo Vnanet

Đọc tiếp

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Giá bitcon năm nay tăng gần 60%, lý do được cho là bởi mua mạnh từ các quỹ ETF, trong khi vàng tăng hơn 20% do Mỹ sắp giảm lãi suất. Nhưng tại sao các nhà đầu tư vàng và bitcoin đang rất quan tâm đến nợ chính phủ của Mỹ đang tăng mạnh?

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE