Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Minh Đức, Tổng giám đốc HP Việt Nam tại sự kiện "Ngày Hội HP Việt Nam 2023" với chủ đề "Chiến lược và Danh mục sản phẩm Thích ứng Tương lai" ngày 20/4.
Nếu như nói đại dịch COVID-19 là một cú hích đối với chuyển đổi số thì cùng với giáo dục hay thương mại điện tử - mô hình làm việc kết hợp (hybrid working) chính là một trong những hoạt động thấy được rõ nhất về sự chuyển đổi này.
Sau đại dịch, mô hình làm việc kết hợp (hybrid working) đã dần phổ biến, trở thành xu hướng làm việc của tương lai. Theo khảo sát được thực hiện trong năm 2022 bởi CISCO, tại Việt Nam, hơn 70% người được khảo sát tin rằng hình thức làm việc kết hợp mang đến cơ hội cải thiện sức khỏe của nhân viên và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Giám đốc HP Việt Nam và Thị trường mới nổi Châu Á.
Tuy nhiên, theo ông Đức, thách thức lớn nhất trong việc áp dụng mô hình này là chưa xác định được phương thức và công nghệ phù hợp để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Cũng theo CEO của HP Việt Nam, sau đại dịch, ông Nguyễn Minh Đức cho rằng tất yếu các doanh nghiệp phải thay đổi. Theo đó, phải đưa ra định hướng để làm sao phù hợp với tình hình mới, đồng thời phải chuyển đổi số hoạt động của công ty nhằm tăng hiệu quả, tiết giảm chi phí.
Còn với người dùng cá nhân, cùng với xu hướng làm việc hybrid, khách hàng ngày càng có yêu cầu cao hơn trong trải nghiệm những sản phẩm được cá nhân hóa để đáp ứng công việc. Trước thực tế này, các dòng máy tính, laptop ngày nay cũng đang phải thích ứng và thay đổi.
“Khi xu hướng làm việc kết hợp lên ngôi, các sản phẩm máy tính ngày nay sẽ phải phát triển theo hướng nhấn mạnh vào khả năng hội họp thông minh cùng hiệu suất thích ứng để người dùng có thể làm việc mọi lúc mọi nơi”, ông Hoàng Tuấn Hải - Giám đốc sản phẩm máy tính doanh nghiệp của HP chia sẻ tại sự kiện.
Ra mắt loạt sản phẩm công nghệ mới, hướng tới phát triển bền vững
Theo báo cáo eConomy 2002 do Google, Bain & Company và Temasek thực hiện, 55% người dùng kỹ thuật số tại Việt Nam tuyên bố sẵn sàng trả thêm cho các sản phẩm hoặc dịch vụ bền vững. Theo các chuyên gia, xu hướng tiêu dùng này phần nào đã khiến các doanh nghiệp phải thay đổi, đưa các vật liệu tái chế nhiều hơn vào trong sản phẩm.
Với HP, tại sự kiện này hãng cũng đã công bố nhiều sản phẩm, thiết bị công nghệ mới, trong đó có một số dòng máy tính và máy in mới của hãng với định hướng "xanh" hơn, thân thiện môi trường.
Đồng thời, các lãnh đạo cấp cao của HP đã giới thiệu với truyền thông và khách hàng về chiến lược phát triển toàn cầu mới trong năm 2023 mang tên “Future Ready” (thích ứng tương lai); kỳ vọng mang lại sự thay đổi ý nghĩa, giúp cá nhân, doanh nghiệp nắm bắt cơ hội để bứt phá và thành công trong các lĩnh vực: Làm việc kết hợp, bảo mật, giải trí và phát triển bền vững.
Khẳng định điều này, ông David Tan - Giám Đốc điều hành Khu vực Đông Nam Á của HP cho biết: "Cam kết của HP đối với khách hàng và các đối tác đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết". Trong đó, phát triển bền vững là một trong những chiến lược trọng điểm khi phát triển của tập đoàn.
Ông David Tan - Giám đốc Điều hành của HP Khu vực Đông Nam Á.
Tại sự kiện, một trong những sản phẩm nổi bật được HP giới thiệu đến người dùng về sự thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu tái chế.là dòng máy tính cá nhân HP Pavilion x360 14-inch.
Đây là thiết bị được làm từ chất liệu nhựa tái chế từ rác sinh hoạt và rác thải biển. Chiếc máy tính này đạt chứng nhận Energy Star® - một tiêu chuẩn quốc tế về tiết kiệm năng lượng và đăng ký chứng nhận EPEAT Gold®, thể hiện nỗ lực của HP hướng đến bảo vệ môi trường.
"Một số sản phẩm của HP khung máy tính được làm từ ít nhất 30% nhựa sinh hoạt tái chế. Nút bàn phím được làm từ khoảng 50% nhựa sinh hoạt tái chế. Bao bì và hộp đựng hoàn toàn có nguồn gốc sợi tái chế bền vững, thân thiện với môi trường”, đại diện HP cho biết thêm.