Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đạt tăng trưởng tín dụng tới 19% trong năm 2022, theo thông tin tại hội nghị triển khai kế hoạch 2023 mới đây.
So với mức ước tăng trưởng tín dụng toàn ngành 12,87% năm qua, thực tế trên tại Vietcombank cho thấy mức độ vượt trội. Nhưng không hẳn cao nhất, về tỷ lệ.
Thông tin cơ bản cập nhật gần đây tiếp tục ghi nhận ở hai đầu tàu tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở khối ngân hàng thương mại cổ phần: Ngân hàng Quân đội (MB, mã chứng khoán MBB) và Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank, mã chứng khoán HDB).
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng năm 2022 tại MB và HDBank đều vào khoảng 26%, cao hơn khoảng gấp đôi so với mức tăng trưởng chung toàn ngành.
Như vậy bộ ba Vietcombank, MB và HDBank hình thành nhóm được tăng trưởng tín dụng cao. Nhưng vì sao Vietcombank lại có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với hai thành viên trong nhóm?
Mặc dù cũng ở mức cao, song Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hẳn đã tính toán chặt chẽ khi giao chỉ tiêu. Vietcombank đạt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều so với MB và HDBank nhưng con số tuyệt đối lại lớn hơn; 1% tăng trưởng tại “ông lớn” này tạo nguồn vốn cho vay tăng thêm lớn hơn do có mẫu số tổng dư nợ gấp nhiều lần. Nếu Vietcombank cũng tăng trưởng tín dụng tới 26% thì có thể phá vỡ mức độ chung, hoặc hút mất ô xy được tăng trưởng của những thành viên khác.
Với mức độ trên, thông tin sơ bộ bước đầu cho thấy, cả ba ngân hàng trên đều có kết quả lợi nhuận năm qua tốt nhất trong lịch sử hoạt động: Vietcombank đạt hơn 36.700 tỷ đồng, MB đạt khoảng 22.700 tỷ đồng, HDBank vượt mốc 10.000 tỷ đồng (dù là kết quả hợp nhất nhưng đóng góp của tín dụng vẫn chủ yếu).
Câu hỏi là, vì sao bộ ba trên được tăng trưởng tín dụng cao như vậy?
Năm 2022, vào “phút cuối”, NHNN nới mạnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành, từ dự kiến 14% trước đó lên khoảng 15,5-16%. Cơ quan này cũng đã điều chỉnh tăng cụ thể cho nhiều thành viên.
Cơ chế điều chỉnh đã được NHNN thông tin cụ thể về các tiêu chí. Trong đó, bên cạnh tiêu chí có các chỉ số tài chính an toàn, “thể lực” mạnh, giảm được lãi suất cho vay…, thì một tiêu chí đáng chú ý là tham gia trực tiếp vào quá trình tái cơ cấu hệ thống qua nhận ngân hàng yếu kém chuyển giao bắt buộc.
Thông tin gợi mở trong năm qua cũng đã ghép đôi Vietcombank, MB và HDBank với các ngân hàng yếu kém đang cần nguồn lực và đầu mối trực tiếp hỗ trợ tái cơ cấu. Theo đó, bộ ba này được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao, bên cạnh đáp ứng được các tiêu chỉ cơ bản nói trên.
Và nếu chiếu theo những tiêu chí đó, năm qua có thêm thành viên thứ tư của nhóm tăng trưởng tín dụng cao: Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Hiện VPBank chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2022, nhưng dự kiến có tăng trưởng tín dụng đạt mức cao.
Trong báo cáo chuyên ngành về ngân hàng vừa phát hành, Công ty Chứng khoán VNDirect cũng tập trung nhận định vào bốn thành viên trên, được xác định là bốn ứng viên tiếp tục được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cao năm 2023.
Cụ thể, VNDirect cho rằng, trước bối cảnh hiện nay, NHNN sẽ ưu tiên các ngân hàng thương mại có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt.
“Dựa trên những yếu tố này, chúng tôi đưa ra dự báo tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng như dưới đây. VPBank, MB, HDBank và Vietcombank là 4 ngân hàng tham gia vào việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém; vì vậy các ngân hàng này sẽ được nhận hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác, theo đó cải thiện thị phần tín dụng trong năm 2023”, báo cáo của VNDirect đưa ra dự báo.