Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, trong đó quy định mỗi giao dịch ngân hàng điện tử như gửi tiền, vay tiền, mua bán ngoại tệ đều phải có chữ ký điện tử và phải mất phí để duy trì chữ ký số.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp góp ý dự thảo Nghị định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức mới đây, TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA cho rằng, một số nội dung dự thảo Nghị định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy là chưa phù hợp Luật Giao dịch điện tử 2023.
Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng như làm tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch điện tử với các tổ chức tín dụng.
Tổng Thư ký VNBA đồng tình và ủng hộ với định hướng một xã hội văn minh, mỗi người dân nên có một chữ ký số, chữ ký điện tử cho các giao dịch dịch vụ công cũng như kinh doanh. Tuy nhiên ông cũng cho rằng, cần phải xem xét ứng dụng vào bối cảnh thực tiễn từ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, mức thích ứng dần của người dân, không làm xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như làm tăng chi phí đột biến cho người dân và doanh nghiệp… Mục đích cuối cùng là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Ông Nguyễn Thành Long - Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho rằng, việc áp dụng chữ ký số sẽ tác động rất lớn đến lệnh chuyển tiền của khách hàng. Nếu tất cả khách hàng dùng chữ ký số thì khi khách hàng chuyển tiền, ngân hàng sẽ phải xác nhận giao dịch, kiểm tra lại dữ liệu, chuyển dữ liệu đối chiếu xác thực với tổ chức phát hành, chứng thực các loại, chứng thư số (CA), CA phải trả lời xác thực này trong thời gian rất ngắn, chỉ tính bằng giây. Với hàng tỷ giao dịch thì khả năng đáp ứng của CA là rất khó. Chữ ký số có thể dùng trong các giao dịch ít liên quan như ký kết hợp đồng.
Trong khi đó, phía các ngân hàng thương mại cho biết, hiện các ngân hàng đều áp dụng bảo mật 2 lớp, xác thực 2 yếu tố để đảm bảo người thực hiện giao dịch đúng là chủ sở hữu tài khoản. Thêm nữa, từ ngày 1/7, các ngân hàng đồng loạt triển khai thêm bước xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345 nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho khách hàng. Nếu thực hiện thêm phần chữ ký số sẽ ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng, đến trải nghiệm của khách hàng, gia tăng chi phí cho cả khách hàng và ngân hàng.
Đại diện Vietcombank đề xuất ý kiến về việc bảo mật trên không gian mạng, nếu triển khai chữ ký số có thể đồng nhất trên một nền tảng để gia tăng trải nghiệm khách hàng. Nếu dịch vụ trải nghiệm không tốt về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới khách hàng. Mỗi TCTD cần vừa đảm bảo an toàn bảo mật cho người dân vừa phải thuận tiện sử dụng.
Đại diện Vietinbank thì cho biết, mỗi ngân hàng cần chuẩn bị các giải pháp trong thời gian tới, nếu quy định bắt buộc sử dụng chữ ký điện tử thì mỗi ngân hàng cần phải đảm bảo cho lợi ích của người dân, có thể tính đến giải pháp một đầu mối chung để giảm thiểu chi phí cũng như cần đảm bảo tính riêng tư và phạm vi sử dụng trên toàn hệ thống.
Thực tế cho thấy, trong một xã hội văn minh, mỗi người dân nên có 1 chữ ký số sử dụng cho tất cả các hoạt động, từ giao dịch ngân hàng, hoạt động công ích cũng như kinh doanh, song cần phải xem xét trong bối cảnh thực tiễn từ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, mức thích ứng dần của người dân, không làm xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như làm tăng chi phí đột biến cho người dân và doanh nghiệp… Chính vì vậy, Luật Giao dịch điện tử đã mở ra hướng tạo điều kiện cho người dân được quyền lựa chọn các hình thức, trong đó có chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn.
Do đó, các ngân hàng cho rằng, khi người dân có mức thu nhập cao hơn, nhận thức và thấy rằng cần thiết phải có 1 chữ ký số cho riêng mình thì tự họ sẽ lựa chọn và quyết định, các quy định dưới luật không nên áp đặt để tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp.