FPT Retail tăng tốc mở rộng hệ sinh thái y tế
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, chia sẻ về định hướng năm 2024, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) cho biết trong bối cảnh thị trường sản phẩm công nghệ và điện tử gia dụng (ICT&CE) đã đạt đến điểm bão hoà và sức mua đối với nhóm mặt hàng không thiết yếu sẽ cần thời gian phục hồi thì mảng dược phẩm đã và sẽ là động lực tăng trưởng chính của FPT Retail.
Theo đó, FPT Retail sẽ dồn lực phát triển hệ sinh thái y tế thông qua chiến lược "Long Châu Healthcare Platform", với "vòng đời sức khỏe", tập trung vào 6 mảng: y tế dự phòng (quy mô thị trường 1-3 tỷ USD, thông qua các trung tâm tiêm chủng), chẩn đoán (1 tỷ USD, trung tâm xét nghiệm), điều trị (10 tỷ USD), nhà thuốc (7 tỷ USD), theo dõi tại nhà và bảo hiểm.
Hiện FPT Retail vẫn để ngỏ kế hoạch tham gia hai mảng trung tâm xét nghiệm và thị trường điều trị nhưng lãnh đạo FPT Retail khẳng định trong tương lai vẫn có ý định tham gia để khép kín hệ sinh thái phục vụ sức khỏe.
Còn trong năm 2024, FPT Retail có kế hoạch tiếp tục mở rộng chuỗi Long Châu với 400 nhà thuốc mở mới, nâng tổng số cửa hàng lên khoảng 1.900 vào cuối năm 2024. Trung bình mỗi nhà thuốc có vốn đầu tư khoảng 800 triệu đồng, sau ba tháng sẽ hòa vốn. Trong năm 2023, công ty đã tăng quy mô của chuỗi nhà thuốc Long Châu lên 1.497 cửa hàng (tăng 560 cửa hàng so với năm 2022), vượt qua Pharmacity để trở thành chuỗi nhà thuốc số 1 cả nước.
Đồng thời, sau khi thành công với việc thử nghiệm mở 10 trung tâm tiêm chủng trong năm 2023, FPT Retail cũng đặt mục tiêu mở mới 100 trung tâm tiêm chủng vaccine trong năm nay. Đây là bước tiến quan trọng góp phần hình thành hệ sinh thái chăm sức khỏe của công ty trong tương lai.
Để thực hiện kế hoạch này, FPT Retail dự kiến sẽ huy động vốn thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư (tối đa 10%). Tuy nhiên, cho đến nay, công ty vẫn chưa thông báo cụ thể về quy mô số vốn sẽ huy động.
Có thể thấy, nền tảng chăm sóc sức khỏe là sân chơi sôi động hơn rất nhiều so với bán lẻ nhà thuốc, với hai đối thủ cạnh tranh chính của Long Châu là Pharmacity và An Khang. Tất nhiên, khi tham gia vào mảng này, FPT Retail cũng phải đối mặt với những tên tuổi đi trước, song ngoại trừ VNVC với hơn 160 trung tâm tiêm chủng trên cả nước, các đơn vị tiêm chủng dịch vụ khác như Nhi Đồng 315, Vinmec, Melatec… vẫn chưa có sự đầu tư mở rộng nhiều.
Theo đánh giá của Chủ tịch FPT Retail, thị trường tiêm chủng tại Việt Nam có tiềm năng lớn khi tỷ lệ bao phủ vaccine tại Việt Nam hiện chỉ mới chiếm 4-5% tỷ lệ dân số và các nhóm vaccine mới dự báo “rất hot” sẽ đáp ứng đúng nhu cầu cao của khách hàng hiện nay.
Lãnh đạo FPT Retail cũng khẳng định mảng tiêm chủng sẽ ghi nhận tăng trưởng tích cực dựa trên kinh nghiệm đúc rút từ thời gian triển khai thử nghiệm các trung tâm tiêm chủng vaccine và kinh nghiệm thị trường, vận hành đã có trong ngành chăm sóc sức khỏe thông qua chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Với lợi thế sử dụng chung mặt bằng với nhà thuốc Long Châu, khả năng mở rộng các trung tâm tiêm chủng của FPT Retail rất nhanh. Đến tháng 5/2024, số lượng trung tâm tiêm chủng của FPT Retail đã cán mốc 60 trung tâm, trong đó, các trung tâm hoạt động trên 6 tháng đã có thể đem về doanh thu thực tiêm là 1,5 tỷ đồng/trung tâm, vượt doanh thu bình quân 1,2 tỷ đồng của cửa hàng thuốc Long Châu.
Pharmacity, An Khang vẫn loay hoay tìm "công thức thành công"
Quay trở lại với chuỗi nhà thuốc Long Châu, trong quý đầu năm 2024, FPT Retail đã tiếp tục nâng số cửa hàng Long Châu lên 1.587 cửa hàng. Cùng với tăng trưởng về quy mô cửa hàng, doanh thu chuỗi Long Châu trong quý I cũng tăng 68% so với cùng kỳ, đạt 5.534 tỷ đồng, chiếm 61% tổng doanh thu của FRT.
Hiện biên lợi nhuận gộp ước tính của chuỗi Long Châu đã đạt trên 23% nhờ lợi thế về danh mục sản phẩm rộng, đặc biệt là các loại thuốc kê đơn, và lợi thế quy mô với độ phủ lớn.
Nếu so sánh về hiệu quả hoạt động, Long Châu đang vượt xa An Khang - chuỗi nhà thuốc được Thế Giới Di Động (MWG) mua lại cũng trong năm 2017 và có mô hình hoạt động có nhiều tương đồng với Long Châu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của người mua, vị trí của An Khang không "đắc địa" và giá bán cũng không cạnh tranh bằng chuỗi cửa hàng thuốc thuộc FPT Retail. Hơn thế nữa Long Châu còn có lợi thế hơn An Khang về mảng thuốc kê đơn cho các bệnh mãn tính nên An Khang sẽ khó giành được thị phần từ kênh nhà thuốc bệnh viện.
Với An Khang, MWG từng đặt kỳ vọng sẽ đạt điểm hòa vốn vào cuối năm 2023 nhưng đến quý I/2024, mảng dược phẩm của MWG vẫn chưa thể "mang tiền về cho mẹ" khi chuỗi nhà thuốc này vẫn lỗ tính thuế gần 70 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế từ năm 2016 tới hết quý I năm nay lên hơn 731 tỷ đồng.
Trong khi Long Châu vẫn đẩy mạnh chiến lược mở rộng trong năm 2024, thì An Khang lại tiếp tục chiến lược ngưng mở mới và dự kiến sẽ không mở cửa hàng mới trước khi đạt điểm hòa vốn. Đến hết quý I, số lượng cửa hàng An Khang đang dừng lại ở con số 526, giảm 1 cửa hàng so với cuối năm 2023.
Theo ban lãnh đạo MWG, An Khang vẫn chưa thể đạt điểm hòa vốn bởi tốn nhiều chi phí nâng cấp cửa hàng và thử nghiệm để tìm "công thức thành công". Để đạt điểm hòa vốn thì doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng của An Khang phải đạt 550 triệu đồng, từ mức 450 triệu đồng vào cuối năm 2023. Do đó, năm nay, An Khang sẽ tập trung cho mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của các cửa hàng, và duy trì tăng trưởng hai chữ số.
Lãnh đạo MWG cũng cho biết, năm nay, An Khang có thể bước vào giai đoạn mở rộng nếu vận hành ổn định, có hiệu quả và xây dựng được mô hình kinh doanh thành công.
Trong báo cáo hồi tháng 4, Chứng khoán SSI nhận định An Khang vẫn có cơ hội giành thị phần từ các nhà thuốc nhỏ hơn trong dài hạn nhờ yếu tố có hóa đơn điện tử, giúp bệnh nhân có thể làm đơn bồi thường từ bảo hiểm y tế tư nhân và thuốc có nguồn gốc rõ ràng là mối quan tâm hàng đầu của người bệnh.
SSI Research cho rằng trong ngắn hạn nhà thuốc An Khang cần tinh chỉnh lại danh mục sản phẩm theo hướng đa dạng hơn, công việc này sẽ mất rất nhiều thời gian do đó chuỗi nhà thuốc vẫn có thể chưa thể thoát lỗ. Chứng khoán SSI dự báo chuỗi An Khang sẽ tiếp tục lỗ lần lượt 339 tỷ đồng và 243 tỷ đồng năm 2024 - 2025.
Tương tự, một đối thủ của Long Châu và An Khang là Pharmacity cũng đang dần đuối sức trong “cuộc đua tam mã” giữa các nhà thuốc hiện đại. Sau thời gian “đốt tiền” để đạt đỉnh quy mô gần 1.100 cửa hàng vào cuối tháng 9/2022 đến cuối năm 2023, số lượng cửa hàng Pharmacity đã giảm về gần 1.000 cửa hàng. Sự thu hẹp quy mô của Pharmacity gắn liền với bối cảnh cơ cấu cổ đông lớn và nhân sự cấp cao có nhiều biến động kể từ tháng 9/2022.
Trong một chia sẻ với truyền thông hồi tháng 4, ông Deepanshu Madan - người đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Pharmacity từ tháng 11/2023 - cho biết Pharmacity đã trải qua một giai đoạn chuyển đổi chông gai trong 18 tháng qua. “Chúng tôi thừa nhận chuỗi còn nhiều thiếu sót, từ định giá bán sản phẩm chưa cạnh tranh với thị trường đến không đảm bảo được lượng hàng hóa tại nhà thuốc đủ để đáp ứng nhu cầu người dân”, ông nói.
Theo lãnh đạo Pharmacity, chuỗi này gặp khó khăn trong việc đảm bảo dự trữ được đúng và đủ số lượng thuốc ở các nhà thuốc của mình. Ngoài ra, chiến lược giá của chuỗi cũng chưa thực sự phù hợp với thị trường nên giá bán thường cao hơn so với thị trường.
Do đó, chuỗi nhà thuốc này đang nỗ lực phục vị bằng việc định hình lại hoạt động kinh doanh thông qua chiến lược cung cấp đủ thuốc, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe với mức giá cạnh tranh. Hiện, Pharmacity đã phải điều chỉnh giá bán một của hơn 1.000 mặt hàng thuốc.
Như vậy, dù có sự thụt lùi so với Long Châu trong giai đoạn vừa qua nhưng cả An Khang và Pharmacity đều đang có những kế hoạch để trở lại đường đua trong giai đoạn sắp tới.
Cuộc đua giữa các chuỗi nhà thuốc này được dự báo vẫn sẽ khốc liệt nhất là khi kênh nhà thuốc hiện đại ở Việt Nam vẫn còn dư địa để giành thị phần từ các nhà thuốc nhỏ lẻ và nhà thuốc bệnh viện - vốn vẫn chiếm khoảng 85% tổng giá trị thị trường.