Theo thống kê, đến cuối quý II/2024, có 19 doanh nghiệp phi tài chính (không bao gồm nhóm ngân hàng, tài chính, bảo hiểm) có tổng tiền mặt, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng đạt trên 10.000 tỷ đồng. Cụ thể, tổng lượng tiền của 19 doanh nghiệp phi tài chính này đạt 453.550 tỷ đồng, tương đương gần 18 tỷ USD.
Nếu so với cuối quý I/2024, số doanh nghiệp nắm giữ nhiều tiền mặt nhất sàn chứng khoán đã tăng thêm 1 doanh nghiệp và tổng lượng tiền tăng thêm gần 42.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn giảm đôi chút so với đầu năm nay, khi có tới 21 “đại gia” sở hữu tiền mặt trên 10.000 tỷ đồng với tổng lượng tiền nắm giữ hơn 458.000 tỷ đồng, tương đương 18,2 tỷ USD.
Về cơ bản, danh sách các doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền mặt lớn vẫn gồm những cái tên quen thuộc như GAS, BSR, VIC, MWG, HPG, ACV, VNM, FPT… nhưng thứ hạng đã có những thay đổi.
Trong đó, 9 doanh nghiệp nắm giữ hơn 1 tỷ USD tiền mặt và tiền gửi tại thời điểm 30/6/2024 là Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas, mã GAS), Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tập đoàn Vingroup (VIC), Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (VGI), Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát (HPG), Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, PLX), Công ty CP FPT (FPT) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV).
Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) tiếp tục là doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt cao nhất sàn chứng khoán tính tới cuối quý II/2024 với 43.919 tỷ đồng, tăng hơn 1.300 tỷ đồng so với quý I và tăng 3.165 tỷ đồng so với đầu năm 2024, qua đó thiết lập kỷ lục mới. Lượng tiền mặt của GAS hiện chiếm hơn 46% tổng tài sản của doanh nghiệp.
Một “ông lớn” ngành dầu khí khác là Lọc hoá Dầu Bình Sơn (BSR) cũng đang ôm “núi” tiền mặt lên tới 39.964 tỷ đồng. Con số này dù sụt giảm nhẹ so với cuối quý I nhưng vẫn giúp BSR giữ vững vị trí thứ 2.
Với lượng tiền mặt và tiền gửi tăng thêm gần 1.700 tỷ đồng lên 32.763 tỷ đồng, Vingroup (VIC) đã tăng một bậc lên vị trí thứ 3. Tương tự, với lượng tiền mặt cao kỷ lục, Thế Giới Di Động (MWG) và Đầu tư Quốc tế Viettel (VGI) tiếp tục vươn lên vị trí thứ 4 và 5 với tổng lượng tiền lần lượt là hơn 30.957 tỷ và 29.518 tỷ đồng.
Vinamilk (VNM) và Sabeco (SAB) cũng có lượng tiền mặt tăng thêm trên dưới 2.000 tỷ đồng so với quý đầu năm. Song đáng chú ý nhất là Vinhomes (VHM) và Masan (MSN) với thứ hạng nhảy vọt nhờ lượng tiền gửi tăng mạnh. Theo đó, lượng tiền mặt và tiền gửi của VHM đến cuối quý II đã tăng 7.700 tỷ đồng so với quý I lên 20.854 tỷ đồng, qua đó nâng thứ hạng từ 16 lên 12. Tiền mặt của MSN thậm chí còn tăng gần gấp đôi sau một quý, lên 20.467 tỷ đồng, nhảy 2 bậc lên vị trí 13.
Ngược lại, với lượng tiền mặt và tiền gửi giảm hơn 6.350 tỷ đồng sau một quý, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã rớt từ vị trí thứ 3 xuống vị trí thứ 6. Dù duy trì lượng tiền mặt và tiền gửi trên 26.000 tỷ đồng nhưng ACV tiếp tục tụt từ vị trí thứ 7 xuống thứ 9 nhường chỗ cho sự vươn lên của Petrolimex (26.767 tỷ đồng) và FPT (26.752 tỷ đồng).
Ngoài ra, Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) sau khi để lượng tiền mặt và tiền gửi lùi về mức 9.570 tỷ đồng trong quý I, đã trở lại danh sách trong quý II với tổng lượng tiền mặt 10.239 tỷ đồng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp còn lại gồm Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEA), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (OIL) và Công ty CP Viễn thông FPT (FOX) ghi nhận lượng tiền mặt và tiền gửi không có quá nhiều biến động.
Dù lượng tiền gửi lớn nhưng trong bối cảnh lãi suất nửa đầu năm 2024 duy trì ở mức thấp, lãi suất tiền gửi của các doanh nghiệp đa phần ghi nhận sự suy giảm so với cùng kỳ.
Chẳng hạn “vua tiền mặt” GAS, với lượng tiền gửi kỷ lục 43.643 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II/2024, tăng gần 2.900 tỷ đồng so với đầu năm, nhưng chỉ thu về khoảng 395 tỷ đồng tiền lãi trong quý II, giảm gần 10% so với quý đầu năm. Lũy kế 6 tháng, PV Gas "bỏ túi" gần 831 tỷ đồng lãi tiền gửi (giảm 20% so với cùng kỳ), tương ứng trung bình mỗi ngày lãi 4,5 tỷ đồng.
Tương tự, HPG, SAB, FPT… cũng ghi nhận lãi từ tiền gửi trong quý II và 6 tháng đầu năm giảm hàng chục % dù vẫn duy trì lượng tiền gửi cả chục nghìn tỷ đồng.
Chiều ngược lại, lãi suất giảm lại đồng thời kéo theo khoản chi phí đi vay của các doanh nghiệp cùng giảm xuống, giảm nhẹ áp lực chi phí tài chính cho doanh nghiệp.
Như trường hợp của HPG, trong 6 tháng đầu năm dù doanh nghiệp tăng mạnh nợ vay dài hạn thêm 9.275 tỷ đồng lên 19.675 tỷ đồng (chủ yếu đến từ việc giải ngân đầu tư cho dự án Dung Quất 2), đưa tổng nợ vay tài chính đến hết quý II/2024 lên mức 72.990 tỷ đồng, tăng 11,6% so với đầu năm nhưng lãi vay 6 tháng lại giảm hơn 45% so với cùng kỳ, xuống 564 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong bối cảnh lãi suất thấp, doanh nghiệp này cũng bắt đầu hạ bớt tiền gửi và trong quý II vừa qua, Hòa Phát đã rút gần 7.000 tỷ đồng khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (tiền gửi từ 3 tháng đến dưới 12 tháng) để phục vụ cho các kế hoạch sản xuất kinh doanh.