Việt Nam là nước đi đầu mở cửa du lịch trở lại kể từ ngày 15/3. Điều này đã từng được kỳ vọng đem lại cú hích cho ngành du lịch sau thời gian "đóng băng" do dịch COVID-19.
Tuy vậy, trong năm 2022, Việt Nam chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đón được 5 triệu lượt khách để tạo nguồn thu khoảng 4,5 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau COVID-19.
Đây là thực tế đáng buồn được nêu ra tại Hội nghị bàn tròn với chủ đề "Phục hồi kinh tế và doanh nghiệp 2022: Giải pháp tạo bứt phá từ trụ cột dịch vụ hàng không-du lịch” do Báo Nhân Dân và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) tổ chức chiều 16/12.
Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau COVID-19
Theo ông Chris Farwell, đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), năm 2022, khách du lịch nội địa đạt trên 100 triệu lượt người nhưng đóng góp vào doanh thu của du lịch nội địa không thể bù đắp được với số tiền mất đi do không có khách quốc tế trong tổng thu từ khách du lịch.
Trong khi đó, dù Việt Nam là nước đi đầu mở cửa du lịch trở lại sau đại dịch COVID-19 nhưng không tận dụng được lợi thế. Cụ thể, trong năm 2022 Việt Nam chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đón được 5 triệu lượt khách để tạo nguồn thu khoảng 4,5 tỷ USD.
“Trong khi Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu về du khách quốc tế mà họ đặt ra thì Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau COVID-19” ông Chris Farwell nêu thực tế đáng buồn.
Phân tích cụ thể, theo ông Chris Farwell, mặc dù mở cửa chậm hơn Việt Nam, trong năm 2022, Thái Lan vẫn kịp đón được hơn 10 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, mang lại tổng thu từ du khách quốc tế 14 tỷ USD.
“Hai tháng cuối năm 2022, một số thị trường chính của Thái Lan ở châu Âu đã trở lại đạt gần với mức trước Covid. Trong khi không có thị trường trọng điểm nào của Việt Nam phục hồi đạt mức 50% so với thời điểm trước Covid – 19”, ông Chris Farwell so sánh.
Việc không đạt mục tiêu thu hút khách quốc tế cũng đã làm chậm lại đáng kể đà phục hồi của các nhiều ngành lĩnh vực như dịch vụ và hàng không – những mắt xích rất quan trọng trong ngành du lịch.
Ông Đinh Việt Phương, Giám đốc điều hành Vietjet cho biết, năm 2022, thị trường nội địa của Việt Nam được Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế đánh giá là có tốc độ phục hồi nhanh nhất. Đến cuối quý 4/2022, sản lượng vận chuyển đã trở về mức trước dịch, trong đó trục TP.HCM – Hà Nội đang làm đường bay bận rộn thứ thế giới.
“Tuy nhiên, việc lượng khách quốc tế trong năm 2022 vẫn chỉ bằng 1/4 sản lượng năm 2019 với thị trường chủ lực Trung Quốc là một trong những yếu tố khiến các hãng hàng không Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi khó khăn về tài chính”, ông Phương quan ngại.
Những chính sách khiến khách du lịch quốc tế “ngại” đến Việt Nam
Chỉ ra những nguyên nhân chính dẫn đến khách quốc tế ngại mà đến Việt Nam, theo ông Chris Farwell, chính sách visa du lịch hiện đang rất cứng nhắc. Thời điểm hiện tại, Việt Nam đã mở cửa với khách quốc tế, song chỉ miễn visa cho 24 quốc gia với thời gian là 15 ngày.
Trong khi đó, Thái Lan đang miễn thị thực đối với công dân của 65 quốc gia và thời gian miễn thị thực được kéo dài từ 30 ngày đến 45 ngày và trong một số trường hợp là 90 ngày. So với Thái Lan, Việt Nam không đưa ra bất kỳ chính sách nới lỏng nào về yêu cầu đi lại dù điều kiện dịch bệnh đã rất khác biệt.
“Trên thực tế, Việt Nam còn làm cho các thủ tục khó khăn hơn và điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng khách quốc tế đến của chúng ta, mặc dù chúng ta đi trước Thái Lan trong việc mở cửa. Du khách thường phàn nàn rằng họ không thể dễ dàng xin thị thực du lịch tại các Đại sứ quán của chúng ta như trước Covid-19”, ông Chris Farwell quan ngại.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cũng cho biết thêm, nhiều khách quốc tế còn băn khoăn về việc đến Việt Nam du lịch vẫn phải mua bảo hiểm có nội dung chi trả điều trị COVID-19 trong khi ở các nước rất khó mua bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19.
“Cần sớm gỡ bỏ quy định này bởi đây là rào cản kỹ thuật và hiện nhiều nước không còn nội dung yêu cầu điều trị COVID-19 trong bảo hiểm du lịch” Ông Hoàng Nhân Chính nêu rõ.
Ngành du lịch Việt Nam cũng cần đổi mới, cải tiến trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, có những hình ảnh mới, chiến lược, cách thức mới, thậm chí thương hiệu du lịch Việt Nam cũng cần thay đổi. Vì vậy, Hội đồng Tư vấn du lịch TAB đề xuất thành lập một Tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ phục hồi với sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân.
“Tổ công tác đặc biệt này nên có những người ra quyết định thuộc tất cả các cơ quan nhà nước có liên quan và đại diện các bên liên quan chính của khu vực tư nhân, gồm Ban IV và TAB” Hoàng Nhân Chính nêu rõ.
Những nội dung kiến nghị tại sẽ được tiếp nhận và báo cáo Thủ tướng, các bộ trong Hội nghị do Thủ tướng chủ trì với các bộ ngành về thu hút khách quốc tế đến Việt Nam vào tuần tới. Trong đó, nhiều ý kiến đồng tình với việc danh sách miễn visa bằng với Thái Lan (65 nước), mở rộng số ngày miễn visa, lên 30-45 ngày hoặc nhiều hơn nữa, bỏ bảo hiểm điều trị COVID-19.