Doanh nghiệp gặp khó, cầu tín dụng thấp
Chia sẻ tại Tọa đàm Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tổ chức mới đây, ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tín dụng nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa kịp tăng trưởng khoảng 3%.
Lãnh đạo NHNN cho rằng, tăng trưởng tín dụng còn thấp so với kỳ vọng do cầu tín dụng giảm và khả năng hấp thụ vốn nền kinh tế khó khăn.
Cụ thể, trong bối cảnh doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi diễn biến khó khăn, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn của nền kinh tế thế giới. Trong nước, hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị suy giảm cả về kết quả kinh doanh cũng như hiệu quả hoạt động khiến cầu đầu tư khiến hoạt động tín dụng giảm tương ứng.
“Từ đầu năm 2023 đến nay, các bất ổn về kinh tế chính trị xã hội trên thế giới dẫn đến lạm phát các nước duy trì mức cao. Trong thời gian vừa qua, sụt giảm kinh tế gây áp lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khi thiếu đơn hàng, đặc biệt các doanh nghiệp về dệt may, da giày, công nghiệp hỗ trợ, chế biến gỗ, thực phẩm xuất khẩu… dẫn đến nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, buộc rút lui khỏi thị trường.
Các doanh nghiệp cũng phải đối mặt chi phí sản xuất tăng cao, khiến hoạt động càng thua lỗ, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phải hoãn, dừng, chuyển đổi để đối phó khó khăn trước mắt”, ông Quý cho biết.
Bên cạnh đó, một số nhóm khách hàng khi tiếp cận có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng được thủ tục vay vốn, còn nhiều vướng mắc pháp lý cũng như việc tiếp cận tín dụng doanh nghiệp tiếp tục hạn chế do đặc biệt cố hữu từ trước tới nay do quy mô nhỏ, năng lực quản trị điều hành thấp. Những điểm yếu này tiếp tục bộc phát nhiều hơn so với giai đoạn trước kia.
“Các phương án kinh doanh khả thi, khả năng chuyển đổi sản xuất kinh doanh và thích ứng biến động thị trường của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất nhiều hạn chế do vậy việc tiếp cận tín dụng khó khăn bởi ngân hàng khó đánh giá khách hàng trong khả năng trả được nợ cũng như đảm bảo sản an toàn trong việc cho vay”, ông Quý nói.
Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn khi doanh nghiệp khó chứng minh được hiệu quả kinh doanh như chi phí đầu vào, nguyên nhập liệu nhập khẩu cao còn đầu ra thì giảm. Các tổ chức tín dụng thì khó có điều kiện hạ chuẩn cho vay. Việc đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng cũng gặp hạn chế, bị gây áp lực.
Cần bộ đánh giá, xếp hạng khách hàng
Trước đề xuất cho rằng, đối với những khách hàng tốt, đủ điều kiện thì các ngân hàng có thể cho vay tín chấp, thay vì bắt buộc phải có tài sản đảm bảo, ông Ngô Bình Nguyên, Giám đốc Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho rằng, cho vay tín chấp dành cho khách hàng doanh nghiệp là một trong những xu hướng rất văn minh, đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, để cho vay tín chấp cho khách hàng không có tài sản đảm bảo thì chúng ta phải có các bộ đánh giá, xếp hạng khách hàng. Để làm được điều này thì cần phải có thông tin, có thể dựa trên chính thông tin của khách hàng giao dịch tại ngân hàng, ứng xử với ngân hàng, hoặc có thể dựa trên giao dịch dòng tiền của khách hàng ở trong tài khoản ngân hàng và giữa các tài khoản của khách hàng ở các ngân hàng khác nhau. Ngân hàng từ đó sẽ nhìn được dòng tiền thực đi vào hoạt động kinh doanh thực hay không, đối tác của họ là ai, đối tác thường xuyên… từ đó đưa ra được đánh giá mà không cần tài sản đảm bảo.
“Tuy nhiên, nền tảng về mặt dữ liệu và thông tin đó ở Việt Nam của chúng ta hiện nay vẫn rất sơ khai, chưa được đồng nhất, ngay kể cả là dữ liệu thông tin cá nhân hiện nay cũng chưa chưa có nhiều. Chính vì thế, chúng ta cần thời gian để dần dần để xây dựng các cơ chế đánh giá khác biệt ngoài tài sản đảm bảo để cho vay tín chấp nhiều hơn”, ông Nguyên nói.
Ông Nguyên thông tin thêm, thực ra các ngân hàng hiện nay cũng bắt đầu, dần dần cho vay tín chấp. Khách hàng có giao dịch lâu năm ở một tổ chức tín dụng thì ngân hàng có thể sẽ nới các điều kiện về tài sản đảm bảo với các điều kiện về mặt tín dụng, sẵn sàng nhận hàng tồn kho, sẵn sàng nhận khoản phải thu, tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo cao hơn. Dần dần có sự tin tưởng nhau và tín chấp nhiều hơn.
“Có những khách hàng giao dịch một thời gian rồi thì ngoài nhu cầu tín dụng thông thường của họ, chúng tôi sẵn sàng cho vay thêm khoảng 20% của nhu cầu thông thường mà không cần phải có tài sản đảm bảo. Đó cũng là một trong những hình thức mà ngân hàng đang dần hiện thực hóa việc tín chấp dành cho khách hàng doanh nghiệp”, ông Nguyên nói.
Ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng ban Chính sách Tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) thì cho biết, trong quá trình đầu tư vốn cho các doanh nghiệp, có rất nhiều doanh nghiệp được Agribank cho vay không có tài sản bảo đảm hoặc hoặc chỉ có một phần tài sản đảm bảo.
“Chúng tôi sẽ dựa trên xếp hạng khách hàng. Quan trọng là phải có phương án kinh doanh còn tài sản bảo đảm là những yếu tố sau cùng khi xét đến”, ông Bách nói.
Trưởng ban Chính sách Tín dụng Agribank cũng nhấn mạnh, ngân hàng vẫn phải tuân thủ việc không hạ chuẩn điều kiện cấp tín dụng và đảm bảo an toàn vốn vốn trong hoạt động kinh doanh và đảm bảo chung trong hệ thống ngân hàng.