Theo dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), giá nhà ở đã tăng trưởng bình quân 2 chữ số mỗi năm trong suốt thập kỷ qua. Đặc biệt, kể từ năm 2018 đến nay khi chính sách liên quan đến nguồn vốn cùng các quyết định của cơ quan, ban ngành trong việc kiểm soát thị trường bất động sản đã khiến nguồn cung nhà ở sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở không ngừng tăng, làm giá bất động sản, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM và các khu vực phát triển kinh tế trọng điểm tăng mạnh hơn, vượt xa tốc độ tăng trưởng thu nhập của người dân. Điều này, khiến việc sở hữu nhà ở từ nguồn cung nhà ở thương mại trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh đó, người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp chỉ có thể trông vào nhà ở xã hội. Tuy nhiên, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn theo dõi sát sao, chỉ đạo, điều hành tích cực, nhiều thành phố lớn vẫn hạn chế trong việc phát triển nhà ở xã hội do thiếu quỹ đất, vướng giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính rườm rà, khó thu hút chủ đầu tư…
Do đó, với người lao động thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân, giáo viên hoặc nhân viên văn phòng mới đi làm, việc tiết kiệm để mua một căn nhà tại khu vực đô thị đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành một mục tiêu xa vời bởi giá nhà hiện tại quá cao, ngay cả khi giảm một nửa, nhiều người thuộc nhóm thu nhập trung bình và thấp vẫn khó có khả năng mua nhà.
“Trong thực tế, giá các sản phẩm bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực tại đô thị, chỉ có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ trong một giai đoạn nhất định sau thời gian tăng trưởng nóng và chắc chắn khó giảm sâu trong bối cảnh quỹ đất hạn chế, chi phí phát triển dự án bao gồm chi phí vật liệu xây dựng, nhân công, nhất là các chi phí liên quan đến đất đai ngày càng tăng cao”, VARS nhận định.
VARS cho rằng, để giải quyết nhu cầu về nhà ở của đại đa số người dân, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng để cân bằng cán cân cung - cầu.
Theo đó, về phía cung, các giải pháp cần hướng đến việc tăng cường nguồn cung nhà ở giá rẻ, cải thiện hạ tầng vùng ven và xây dựng các chính sách tài chính hỗ trợ hiệu quả. Hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương cần tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho việc phát triển nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển các dự án nhà ở.
Về phía cầu, người dân có nhu cầu nhà ở tại các khu vực đô thị, cần có kế hoạch tài chính rõ ràng, tận dụng các chương trình hỗ trợ và sẵn sàng linh hoạt trong việc lựa chọn nơi ở. Chỉ khi đó, bài toán nhà ở mới có thể được giải quyết một cách hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả cá nhân và xã hội.
Cụ thể, bằng cách giảm tiêu chuẩn không cần thiết, mở rộng khu vực tìm kiếm và ưu tiên giải pháp phù hợp với thu nhập hiện tại, người dân có thể tiến gần hơn đến mục tiêu sở hữu ngôi nhà. Trong bối cảnh giá bất động sản tăng nhanh, việc điều chỉnh giảm kỳ vọng là bước quan trọng để hiện thực hóa ước mơ an cư.
Theo VARS, thay vì cố gắng mua một căn nhà có diện tích lớn, chất lượng cao với các tiện ích dịch vụ đa dạng, cao cấp, người dân có thể cân đối để lựa chọn những sản phẩm với tiêu chuẩn phù hơp để hài hòa giữa khả năng và mong muốn. Có như vậy, mục tiêu sở hữu nhà ở mới có thể trở thành hiện thực.
Ngoài ra, người dân cần sẵn sàng mở rộng nhu cầu ra vùng ven nơi có giá bất động sản thấp hơn. Với xu hướng mở rộng đô thị ra vùng ven, thời gian tới sẽ có nhiều hơn các dự án nhà ở thương mại quy mô lớn, nhà ở xã hội được phát triển với mức giá bán thấp hơn nhưng vẫn đảm bảo kết nối tốt với trung tâm nhờ các dự án hạ tầng giao thông như đường cao tốc và metro dự kiến được đầu tư, hoàn thiện.
“Tin rằng sự đồng lòng và phối hợp chặt chẽ, hài hòa của cả 3 phía Nhà nước - doanh nghiệp và người dân sẽ tạo ra vòng tròn phát triển khép kín, giải quyết bài toán về nhu cầu nhà ở của người dân một cách hiệu quả và bền vững”, VARS nhận định.