Từng khẳng định "sớm muộn cũng phải đa ngành", vì sao Hòa Phát lại cắt bớt đầu tư bất động sản?

Ông Trần Đình Long khẳng định Hòa Phát vẫn kiên định chiến lược kinh doanh đa ngành, nhưng hiện tại ưu tiên tập trung cho mảng thép và dự án Dung Quất 2, nên có thể tạm gác lại tham vọng vào lĩnh vực bất động sản và một số mảng lĩnh vực khác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát

Tham vọng lớn với mảng bất động sản và container

Cách đây hai năm, tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG) từng nói với các cổ đông rằng: “Không ai có thể làm thép mãi được. Hòa Phát cũng như mọi tập đoàn khác sớm muộn phải đa ngành và bất động sản sẽ là một trong các mũi nhọn”.

Đến ĐHĐCĐ thường niên 2022, ông Long một lần nữa nhắc lại mục tiêu của Hòa Phát là lọt top 3 công ty đứng đầu lĩnh vực bất động sản trong nước. Để làm được điều này chiến lược của Hòa Phát là tích cực đi các địa phương xin tham gia đấu thầu các chương trình phát triển đô thị, sau đó phát triển dự án. “Hòa Phát làm từ gốc, không phải bỏ tiền mua dự án, không bị áp lực giá vốn", ông Long khẳng định.

Trong báo cáo thường niên 2022 công bố gần đây, Hòa Phát cho biết đang nỗ lực tìm kiếm các dự án tiềm năng trên cả nước. Năm 2022, các công ty thành viên của Hòa Phát đã tham gia đấu thầu xây dựng nhà ở tại Hưng Yên, Phú Thọ, Bắc Giang.

Hòa Phát cũng tiết lộ mục tiêu trong 10 năm tới sẽ tập trung phát triển các đại đô thị có diện tích 300-500 ha tại các địa phương. Các dự án này đang được nghiên cứu và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện.

Một thập kỷ tới, Hòa Phát còn có kế hoạch sẽ phát triển 10 khu công nghiệp bao gồm cả các khu công nghiệp hiện có (Phố Nối A, Hòa Mạc, Yên Mỹ II và dự án khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng sẽ đầu tư trong năm 2023 này).

Đóng góp của mảng bất động sản vào doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát năm 2022 - Nguồn: Báo cáo thường niên 2022 Hòa Phát
Đóng góp của mảng bất động sản vào doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát năm 2022 - Nguồn: Báo cáo thường niên 2022 Hòa Phát

Bên cạnh bất động sản, để mở rộng chiến lược kinh doanh đa ngành, tháng 2/2021 Hòa Phát đã công bố sẽ sản xuất container giữa lúc thế giới chứng kiến tình trạng thiếu container trầm trọng do COVID, khiến ngành logistics đối mặt với việc khan hiếm container xuất khẩu và giá thuê container liên tục tăng từ 2 đến 10 lần.

Theo đó, đến tháng 11/2021, Hòa Phát đã khởi công dự án nhà máy vỏ container tại khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng, Bà Rịa - Vũng Tàu với quy mô công suất 500.000 TEU/năm, tập trung các sản phẩm container phổ biến, có chiều dài 20-40feet. Modul giai đoạn 1 có công suất 200.000 TEU/năm. Hòa Phát đã ký kết hợp đồng máy móc thiết bị với các nhà cung cấp hàng đầu trên thế giới.

Trong báo cáo thường niên năm 2022, Hòa Phát cho biết sau hơn một năm xây dựng, giai đoạn 1 cơ bản đã thành hình, hiện CTCP Sản xuất container Hòa Phát đang hiệu chỉnh và chạy thử thiết bị, dây chuyền công nghệ. Dự kiến, nhà máy sẽ cho ra sản phẩm chính thức từ đầu quý 2/2023.

Tuy nhiên, trong lúc dự án nhà máy container đã cơ bản thành hình và mảng bất động sản cũng đã có chiến lược khá rõ ràng, thì tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 vừa diễn ra, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát lại cho biết sẽ ngừng mở rộng đầu tư, thậm chí giảm bớt vốn đầu tư vào bất động sản và một số lĩnh vực khác để tập trung vốn cho dự án khu liên hợp gang thép Dung Quất 2.

Thép vẫn là ưu tiên dù có chiếm tới hơn 95% doanh thu

Dễ thấy theo lời ông Long việc không quá vội vàng với dự án container là có cơ sở khi “hiện tại ngành tàu biển đã quay về mức giá trước COVID nên mảng container gặp khó khăn, nhưng may là Hòa Phát không đi vay nên cứ bình tĩnh. Có thể giờ không tốt nhưng lâu dài sẽ tốt”.

Trong khi đó, quyết định “tạm gác” đầu tư thêm vào bất động sản lại có phần gây bất ngờ khi mảng bất động sản đang có kết quả kinh doanh khá tốt. Thực tế, trong 10 năm trở lại đây, mỗi năm bất động sản đều mang về cho Hòa Phát tối thiểu 200 tỷ lợi nhuận sau thuế. Riêng năm 2022, mảng bất động sản đem về cho Hòa Phát 299 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đóng góp 3% vào tổng lợi nhuận sau thuế của tập đoàn.

Dù mức lợi nhuận này giảm 41% so với năm 2021 nhưng theo đánh giá của Hòa Phát lĩnh vực bất động sản đã đạt mục tiêu đề ra và là một trong hai điểm sáng của năm 2022 (cùng với nhóm ngành điện lạnh đạt 200% kế hoạch) trong khi đó, mảng kinh doanh cốt lõi là thép (chiếm 95% doanh thu và lợi nhuận) giảm 76% lợi nhuận và mảng nông nghiệp cũng giảm 92% lợi nhuận so với cùng kỳ.

Bản thân ông Trần Đình Long cũng khẳng định lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, dù không đem lại quá nhiều tiền nhưng ổn định cùng tỷ suất lợi nhuận không tồi. Thêm vào đó, Hòa Phát đã có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nên sẽ vừa khai thác 4 dự án khu công nghiệp đang có, vừa mua lại hoặc xin cấp mới thêm 4 - 6 khu công nghiệp nữa để đến năm 2030 sẽ có 10 khu công nghiệp.

Còn với bất động sản khu đô thị, ông Long cho biết hiện nay các khu đô thị của Hòa Phát đang tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhưng thời gian để hoàn thiện các thủ tục đầu tư thường rất lâu và Hòa Phát hầu như không bỏ tiền để mua lại dự án.

Ông Long một lần nữa khẳng định Hòa Phát bước chân vào lĩnh vực bất động sản không phải theo phong trào, không phải vào bằng được hay ra bằng được. “Chiến lược đầu tư vào lĩnh vực bất động sản không có gì thay đổi nhưng hiện tại tập đoàn sẽ bước đi thận trọng, từ từ. Thậm chí để tập trung cao độ cho Dung Quất 2 thì có thể phải cắt bớt đầu tư vào bất động sản”, ông nói.

Theo Chủ tịch Hòa Phát, đến thời điểm hiện tại tổng giá trị đầu tư cho dự án Dung Quất 2 tính riêng về tài sản cố định đã lên đến 75 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 3 tỷ USD.

“Đây chỉ là tài sản cố định, khi dự án đi vào hoạt động thì cần 25-30 nghìn tỷ đồng vốn lưu động nữa. Như vậy tổng quy mô đầu tư cho dự án này vào khoảng trên 100 nghìn tỷ đồng”, ông Long thông tin.

Ông Long cho biết quy mô dự án như vậy là rất lớn, đến nay trên lãnh thổ Việt Nam chưa có nhiều dự án quy mô lớn như vậy. Hơn thế nữa, vốn thực hiện dự án Dung Quất 2 chủ yếu là vốn tự có của doanh nghiệp và vốn hỗ trợ từ các ngân hàng, chứ không có phần vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.

Do đó, để tập trung toàn lực cho dự án này ngoài việc không chia cổ tức năm 2022, Hòa Phát sẽ tạm dừng tất cả các hoạt động đầu tư, không riêng gì dự án ở Úc.

Với tiến độ triển khai như hiện tại, dự kiến đến quý 1/2025 nhà máy Dung Quất 2 sẽ có thể đi vào hoạt động và cần khoảng hai năm để đạt tối đa công suất. Khi đó doanh thu của tập đoàn sẽ tăng thêm 80 đến 100 nghìn tỷ đồng nữa (từ mức quy mô doanh thu doanh thu hiện tại khoảng 150.000 tỷ đồng), và tỷ trọng doanh thu từ thép trong tổng doanh thu của Hòa Phát còn có thể lớn hơn 95%.

Dù hoạt động kinh doanh có thể phụ thuộc nhiều hơn vào các sản phẩm thép trong khi ngành thép vẫn đang đối mặt nhiều thách thức, song, ông Long nhận định ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, nội lực của HPG nói riêng và ngành thép nói chung vẫn tốt chỉ có điều là nhu cầu thị trường đang thấp quá. Ông Long kỳ vọng khi đầu tư công sẽ được đẩy mạnh và những khó khăn của ngành bất động sản được tháo gỡ thì ngành thép sẽ sớm phục hồi.

Theo ông Long trong giai đoạn khó khăn nhất Hòa Phát đã phải đóng cửa 4 lò cao vào quý 4/2022, nhưng đầu năm nay doanh nghiệp đã mở lại 1 lò cao, đầu tháng 4 sẽ mở lại lò thứ 2 và 2 lò còn lại sẽ khởi động lại trong quý 2/2023.

Còn về vấn đề áp lực cạnh tranh với thép Trung Quốc khi nước này mở cửa trở lại, ông Long cho rằng, đã kinh doanh thì phải chấp nhận cạnh tranh, ngành thép cũng không ngoại lệ. Hòa Phát sẵn sàng và chấp nhận cạnh tranh với thép Trung Quốc, thép các nước khác và cả các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, về chiến lược xuất khẩu, từ nay trở đi Hòa Phát sẽ chuyển rất mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, tăng cường đầu tư xuất khẩu mặt hàng này.

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Giá vé máy bay đã tăng bao nhiêu trong 4 tháng đầu năm 2024?

Theo Cục Hàng không, từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay của các hãng hàng không đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, nhưng vẫn bảo đảm nằm trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định.

Chuyến tàu LNG thứ 3 sẽ cung cấp khí cho EVN và EVNGENCO3 trong mùa khô 2024

Chuyến tàu LNG thứ 3 sẽ cung cấp khí cho EVN và EVNGENCO3 trong mùa khô 2024

Chuyến tàu LNG thứ 3 đã an toàn cập bến cảng PV GAS Vũng Tàu, bắt đầu chuyển giao nguồn nhiên liệu phục vụ sản xuất điện trong giai đoạn cao điểm vào mùa khô cho các nhà nhà máy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty phát điện 3 (EVNGENCO3), khách hàng công nghiệp khu vực Đông Nam Bộ.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Sơn La công bố loạt dự án đủ điều kiện huy động vốn

Sơn La công bố loạt dự án đủ điều kiện huy động vốn

Ông Đào Mạnh Chiến, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Sơn La ngày 3/5 đã ký văn bản gửi các đơn vị liên quan thông báo thông tin về các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu dân cư, khu đô thị đang triển khai đã có chủ đầu tư trên địa bàn.

Chat với BizLIVE