Trước “giờ G” Apple Store mở cửa tại Việt Nam, Chủ tịch MWG nói gì về khả năng cạnh tranh?

“Tôi không tin một vài cửa hàng Apple có thể thay thế hơn 3.000 cửa hàng của Thế Giới Di Động cộng với chuỗi cửa hàng của các đối thủ cạnh tranh. Không thể nào chỉ một vài cửa hàng mà có thể phục vụ 90 triệu dân”, Chủ tịch Thế Giới Di Động nói.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo thông báo từ Apple, từ ngày 18/5/2023 hãng sẽ ra mắt cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam. Apple Store trực tuyến tại Việt Nam sẽ cung cấp cho khách hàng dịch vụ vượt trội và hỗ trợ cá nhân hóa tương tự như các địa điểm Apple Store trên toàn thế giới. Theo đó, cửa hàng trực tuyến sẽ có một đội ngũ chuyên gia luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức chuyên môn bằng tiếng Việt hỗ trợ khách hàng khi cần thiết.

Sự “gia nhập” của Apple Store trực tuyến được cho là sẽ có tác động đến thị phần của các nhà bán lẻ trong nước, nhất là khi trên thị trường đang diễn ra “cuộc chiến” về giá bán iPhone, khiến giá iPhone tại Việt Nam đang ở mức thấp nhất thế giới.

Apple xuất hiện ở Việt Nam là điều tốt cho thị trường nhưng…

Lo ngại về việc Apple mở cửa hàng trực tuyến sẽ đẩy cuộc chiến cạnh tranh trên thị trường gay gắt hơn cũng đã được cổ đông của Thế Giới Di Động (mã MWG) đề cập với ban lãnh đạo công ty tại cuộc họp nhà đầu tư diễn ra gần đây.

Phản hồi về thông tin này, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động (mã MWG) cho rằng, đây là bước đi của Apple khi tập trung vào thị trường mới, và khi tập trung vào thị trường nào mới thì Apple sẽ phải xây dựng thương hiệu.

“Bao nhiêu năm qua Apple không hề có khái niệm quảng cáo trên tivi, trên Youtube. Giờ các bạn thấy rồi, đó là dấu hiệu cho thấy họ quan tâm đến thị trường này và tập trung cho thị trường này. Đó là dấu hiệu tốt. Khi Apple tập trung vào thị trường nào thì thị trường đó sẽ phát triển và điều đó sẽ tốt cho người tiêu dùng”, ông Tài đánh giá.

Thông báo về việc mở Apple Store trực tuyến tại thị trường Việt Nam trên trang chủ Apple (Ảnh chụp màn hình)

Thông báo về việc mở Apple Store trực tuyến tại thị trường Việt Nam trên trang chủ Apple (Ảnh chụp màn hình)

Theo Chủ tịch Thế Giới Di Động, khi tập trung vào thị trường mới, bước đầu tiên là Apple phải có website chính thức, có cách để tiếp cận khách hàng. Nhìn chung, cũng như mọi hãng, đường đi luôn là mở những cửa hàng brand shop để xây dựng thương hiệu. Các thương hiệu khác trước đây, như Nokia, luôn có những cửa hàng riêng để làm thương hiệu.

“Tôi không tin một vài cửa hàng Apple có thể thay thế hơn 3.000 cửa hàng của Thế Giới Di Động cộng với các cửa hàng của các đối thủ cạnh tranh. Không thể nào chỉ một vài cửa hàng mà có thể phục vụ 90 triệu dân. Họ cần một chuỗi rất lớn”, ông Tài nêu quan điểm.

Chủ tịch Thế Giới Di Động cho rằng Apple sẽ không bước chân vào việc vận hành chuỗi như cách Thế Giới Di Động đang làm, bởi đó là việc không đơn giản.

“Người làm ra sản phẩm khác hẳn với người phục vụ khách hàng. Người làm ra sản phẩm có know-how (sự hiểu biết – PV) về sản phẩm, biết làm sao để làm ra một sản phẩm tươm tất. Người phục vụ khách hàng không có know-how đó nhưng lại biết rất rõ khách hàng cần gì, mình cần phục vụ như thế nào, mình cần mở cửa hàng ở đâu… Hai cái know-how này không có điểm gì chung cả”, ông Tài phân tích.

Ông Tài cho biết thêm, trong thực tế, những nhà sản xuất nào nếu mở một hai cửa hàng để làm thương hiệu thì không bàn nhưng nếu mở nhiều brand shop thì cuối cùng cũng sẽ phải dọn đi vì không thể hiệu quả và không đem lại nhiều giá trị ngoài việc xây dựng thương hiệu.

Dù vậy, Chủ tịch Thế Giới Di Động nhìn nhận việc Apple mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam là điều tốt cho thị trường. Thế Giới Di Động sẽ nỗ lực cộng tác với Apple, có thể là hỗ trợ mở các cửa hàng, hoặc phối hợp với hãng để cung cấp sản phẩm, dịch vụ.

“Cuộc chiến” về giá sẽ phải có điểm dừng

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Apple mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam sẽ giúp đưa ra một khung giá chuẩn từ hãng để làm cơ sở tham chiếu cho giá bán các sản phẩm Apple tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh “cuộc chiến” giảm giá giữa các đại lý đang diễn ra khá gay gắt.

Động thái này của Apple cũng giúp các nhà bán lẻ trong nước tự nhìn nhận lại hệ thống của mình, từ đó có những điều chỉnh trong cách vận hành, hoạt động để có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng và giữ chân khách hàng.

Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 diễn ra cuối tháng 4, nhìn nhận về "cuộc chiến" giá cả, nhất là "cuộc chiến" về giá iPhone trên thị trường, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT CTCP Thế giới số (Digiworld - một trong những nhà phân phối lớn nhất của Apple) cho rằng, dài nhất là đến tháng 9/2023 "cuộc chiến" này sẽ kết thúc, khi Apple ra iPhone mới thì sẽ không còn cuộc chiến giá cả nữa.

Theo vị lãnh đạo này sự cạnh tranh về giá từ các đơn vị bán lẻ không phải tín hiệu tích cực trong ngành.

"Có thể nói cạnh tranh về giá là một cuộc chiến mà không ai có lợi cả, kể cả Digiworld. Và mỗi một nhà bán lẻ sẽ có mục tiêu về giá khác nhau nhưng tôi tin chắc cuộc cạnh tranh về giá sẽ không phải là mãi mãi, sẽ phải có điểm dừng", ông Việt trả lời câu hỏi của cổ đông về chính sách giảm giá mà một số đối tác như FPT Retail (FRT) và Thế Giới Di Động đang áp dụng.

Tuy theo lãnh đạo Digiworld cạnh tranh về giá là cuộc chiến không có lợi cho ai nhưng thực tế kết quả kinh doanh của Thế Giới Di Động lại cho thấy, trong tháng 4, nhờ chiến lược giá bán thấp, hai mảng hàng điện tử (ICT) và điện máy (CE) của “ông lớn” bán lẻ này đã tăng 30% so với tháng 3 trước đó.

Lãnh đạo Thế Giới Di Động dự đoán tháng 5, doanh thu của hai chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh sẽ tăng ít nhất 20% so với tháng 4, trong bối cảnh "thị trường chung không tăng, thậm chí lùng bùng". Những con số tăng trưởng này cho thấy Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đang giành được thị phần từ chiến lược giá bán thấp.

Tuy nhiên nhìn chung, lãnh đạo Thế Giới Di Động đánh giá thị trường điện máy, điện thoại hiện tại không mấy khả quan, thậm chí tình hình cả năm 2023 không mấy sáng sủa do ở thời điểm hiện tại đây được coi là hàng xa xỉ. Sức cầu cho các mặt hàng này hiện tại cũng đang khá chậm chạp và phải mất vài năm nữa mới hồi phục hoàn toàn.

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Đất phân lô lại "nóng"

Đất phân lô lại "nóng"

Nhiều khu đất phân lô bán nền có giao dịch đột biến trong 3 tháng đầu năm 2024, tuy vậy diễn biến giao dịch giữa các khu vực không đồng đều.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Giá bitcon năm nay tăng gần 60%, lý do được cho là bởi mua mạnh từ các quỹ ETF, trong khi vàng tăng hơn 20% do Mỹ sắp giảm lãi suất. Nhưng tại sao các nhà đầu tư vàng và bitcoin đang rất quan tâm đến nợ chính phủ của Mỹ đang tăng mạnh?

Chat với BizLIVE