
Ngân hàng TMCP Tiên Phong – TPBank (mã TPB) vừa cập nhật nhanh kết quả kinh doanh trong hai tháng đầu năm 2025 với lợi nhuận trước thuế đã đạt gần 1.430 tỷ đồng. Theo dự báo, TPBank sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ với lợi nhuận dự kiến đạt 2.100 tỷ đồng vào cuối quý I/2025, tương đương mức tăng trưởng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng này đến từ sự mở rộng hoạt động kinh doanh, tối ưu hóa hiệu quả tài chính và kiểm soát chi phí hiệu quả.
Tổng thu nhập hoạt động của TPBank tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 2.800 tỷ đồng trong hai tháng đầu năm và dự kiến chạm mốc 4.300 tỷ đồng vào cuối quý I. Điều này phản ánh không chỉ sự mở rộng quy mô mà còn là năng lực tối ưu hóa nguồn thu vượt trội của TPBank.
Dư nợ cho vay khách hàng cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, đạt 263.920 tỷ đồng và dự báo sẽ lên khoảng 269.000 tỷ đồng vào cuối quý I. Sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tín dụng, kết hợp với chiến lược tập trung vào các ngành trọng yếu, giúp TPBank củng cố vị thế trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ.
Với tỷ lệ CASA duy trì trên 20%, TPBank tiếp tục đảm bảo nguồn vốn huy động với chi phí thấp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời ổn định. Đồng thời, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) duy trì trên 13%, khẳng định sự ổn định tài chính và khả năng kiểm soát rủi ro chặt chẽ.
Triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025
Trong một báo cáo mới công bố, các chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán MBS đánh giá, TPBank đang sở hữu lợi thế lớn nhờ vị thế dẫn đầu trong mảng ngân hàng số, giúp mở rộng tiếp cận khách hàng trẻ và tăng trưởng tín dụng.
Trong năm 2025, tăng trưởng tín dụng của TPBank được dự báo đạt 16% nhờ vào việc tập trung vào phân khúc khách hàng thu nhập khá, thế hệ millennials và các hộ kinh doanh với hai sản phẩm chủ chốt là cho vay mua ô tô và vay thế chấp nhà.
Đồng thời, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng có thể duy trì ở mức 17% trong năm 2026, trong khi TPB sẽ thúc đẩy mảng cho vay bán lẻ nhờ nhu cầu tiêu dùng gia tăng và thu nhập cá nhân phục hồi.
NIM của ngân hàng được kỳ vọng cải thiện 3 điểm cơ bản trong năm nay đạt 3,54%, nhờ vào biên lãi ròng cao hơn do khả năng chuyển chi phí lãi vay sang khách hàng trong bối cảnh nhu cầu tín dụng bán lẻ phục hồi mạnh mẽ.
Về chất lượng tài sản, tính đến cuối quý IV/2024, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của TPBank cải thiện 80 điểm cơ bản theo quý và 53 điểm cơ bản so với cùng kỳ, đạt 1,52%. Đây là mức thấp nhất kể từ quý I/2023 và thấp hơn mức trung bình của ngành (1,91%). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của TPBank cũng tăng lên 81% cho thấy chính sách trích lập dự phòng thận trọng của ngân hàng.
Các chuyên gia kỳ vọng chất lượng tài sản sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2025 nhờ vào nền kinh tế ấm lên và sự phục hồi trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, tỷ lệ nợ nhóm 2/tổng dư nợ đã giảm liên tục trong 6 quý (-26 điểm cơ bản so với quý trước) giúp giảm áp lực gia tăng nợ xấu trong năm 2025, đồng thời, TPBank sẽ tiếp tục củng cố bảng cân đối kế toán thông qua xóa nợ và trích lập dự phòng trong năm 2025.
Với tất cả các động lực trên, chuyên gia MBS dự báo, TPBank có thể đạt lợi nhuận trước thuế 9.116 tỷ đồng cho cả năm 2025, tăng trưởng 20% so với kết quả đạt được trong năm 2024.
Vào ngày 24/4 tới đây, TPBank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 tại Hà Nội. Cuộc họp sẽ tập trung thảo luận về kết quả kinh doanh năm 2024, kế hoạch tăng trưởng năm 2025, cùng các vấn đề chiến lược quan trọng nhằm duy trì đà phát triển mạnh mẽ của ngân hàng.
Với những thành tựu đã đạt được và triển vọng tăng trưởng tích cực, TPBank đang khẳng định vị thế vững chắc trong ngành Ngân hàng, sẵn sàng bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.