‏ Tỉnh duy nhất có 2 sân bay và thành phố đảo

‏Kiên Giang có diện tích tự nhiên gần 6.300 km2, lớn nhất Tây Nam Bộ. Đây cũng là tỉnh duy nhất có hai sân bay và một thành phố đảo.‏
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
‏ Tỉnh duy nhất có 2 sân bay và thành phố đảo

Kiên Giang nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), diện tích hơn 6.300 km2, dân số hơn 1,7 triệu người (2019). Phần lớn diện tích Kiên Giang ngày nay bao gồm thành phần Rạch Giá và toàn bộ tỉnh Hà Tiên cũ. Đây là tỉnh có diện tích lớn nhất vùng Tây Nam Bộ và lớn thứ hai ở Nam Bộ (sau tỉnh Bình Phước). Tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng khi nằm trong vịnh Thái Lan, gần với các nước Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Malaysia. Vì vậy Kiên Giang có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực, đồng thời đóng vai trò cầu nối các tỉnh miền Tây. Trong ảnh là TP Rạch Giá, trung tâm hành chính của tỉnh Kiên Giang.

Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh đạt 68.436 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 66,2 triệu đồng. Tăng trưởng kinh tế của Kiên Giang đạt 7,7%, nằm trong top 30 tỉnh, thành có tốc độ phát triển kinh tế cao của cả nước. Riêng ngành du lịch đóng góp hơn 13% GRDP của tỉnh. Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, lượt khách du lịch đến tỉnh năm 2022 đạt gần 7,6 triệu người. Tổng thu từ du lịch ước đạt 10.585 tỷ đồng, tăng 230,9% so với cùng kỳ. Trong đó Phú Quốc đón hơn 4,7 triệu lượt khách, doanh thu đạt 7.294 tỷ đồng. Đầu năm 2021, Phú Quốc cũng trở thành thành phố đảo đầu tiên của cả nước. Nơi đây được thành lập dựa trên cơ sở giữ nguyên trạng 573 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người.

Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc đi vào hoạt động vào năm 2012 đã giúp “Đảo ngọc” tiếp cận thị trường khách du lịch quốc tế và Kiên Giang trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước sở hữu 2 sân bay. Trong ảnh là thị trấn Dương Đông, nơi đặt sân bay Phú Quốc. Công trình có diện tích khoảng 9 km2 và tổng vốn đầu tư 16.200 tỷ đồng. Đây là dự án sân bay quốc tế đầu tiên được triển khai tại Việt Nam theo hình thức 100% vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Sân bay Phú Quốc đón hơn 5,5 triệu lượt khách với khoảng 90 - 100 chuyến bay/ngày (2022), tăng hơn 1,5 triệu so với công suất được quy hoạch năm 2018. Vì vậy, nơi đây dự kiến sẽ được đầu tư nâng cấp nhà ga hành khách T2 công suất 6 triệu khách/năm, nâng tổng công suất khai thác của sân bay lên 10 triệu khách/năm. Đồng thời đầu tư nâng cấp sân đỗ máy bay để đảm bảo khai thác đồng bộ. Ngoài ra, Cảng hàng không Rạch Giá (nằm ven biển phía Tây Nam tỉnh Kiên Giang) hình thành từ những năm 50 của thế kỷ trước. Năm 2006, nơi đây được quy hoạch với chức năng cảng hàng không nội địa, tổng vốn đầu tư hơn 551 tỷ đồng.

Bên cạnh đường hàng không, hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh Kiên Giang đang được chú trọng đầu tư. Trong ảnh là tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51 km, giúp rút ngắn thời gian đi từ Cần Thơ đến Kiên Giang từ 90 phút xuống còn 50 phút. Tuyến đường có điểm đầu là khu vực cầu Vàm Cống (Cần Thơ) và điểm cuối là thành phố Rạch Giá (Kiên Giang). Tổng mức đầu tư dự án là 6.355 tỷ đồng. Dự kiến, đây sẽ là đoạn đầu tiên thuộc đường Hồ Chí Minh khu vực phía nam nâng cấp thành cao tốc. Mặt khác, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đề xuất đầu tư cao tốc Rạch Giá - Hà Tiên thay thế quốc lộ 80. Cao tốc sẽ dài hơn 86 km, kinh phí 25.600 tỷ đồng, kết nối hai tuyến cao tốc trục dọc phía Đông và phía Tây của ĐBSCL.

Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang đang tiến hành xây dựng đường ven biển dài 230 km từ huyện An Minh (giáp Cà Mau) đến Hà Tiên. Đây là trục giao thông huyết mạch nhằm kết nối giao thông hành lang ven biển, hình thành không gian phát triển mới. Ngoài ra, tuyến đường hành lang ven biển còn tạo thuận lợi trong xử lý các tình huống cứu hộ, biến đổi khí hậu, củng cố quốc phòng, an ninh. Đến nay, UBND tỉnh Kiên Giang đã hoàn thành đoạn từ cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đến Khu du lịch Hòn Trẹm (Kiên Lương); đang triển khai đồng thời 3 dự án: Châu Thành - Rạch Giá, Rạch Giá - Hòn Đất và Hòn Đất - Kiên Lương.

Để kiểm soát nguồn nước phục vụ hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân, công trình cống thuỷ lợi lớn nhất Việt Nam là Cái Lớn - Cái Bé (huyện Châu Thành) được đưa vào vận hành. “Siêu cống” có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 3.309 tỷ đồng, vùng chịu tác động rộng tới 3.841 km2, trong đó có tới 3.462 km2 đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản của người dân thuộc 5 tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng. Công trình sẽ kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm phòng, chống thiên tai, nước biển dâng do bão, giảm ngập lụt, úng do lún, sụt đất; giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng.

Lợi thế về hạ tầng - giao thông cùng với đường bờ biển dài 200 km giúp Kiên Giang phát huy hiệu quả thế mạnh kinh tế biển. Giá trị tăng trưởng kinh tế biển chiếm 79,76% tổng giá trị GRDP của tỉnh. Trong ảnh là cảng An Thới (TP Phú Quốc), nơi được xem là cảng biển tổng hợp lớn nhất tại thành phố đảo do Nhà nước đầu tư và hoàn thành năm 2012. Công suất thiết kế cảng là 280.000 tấn hàng hóa/năm, 440.000 hành khách/năm. Đây là cảng đầu mối và là cảng duy nhất tại Phú Quốc có thể tiếp nhận tàu biển có tải trọng đến 3.000 DWT (năng lực vận tải an toàn của tàu tính bằng tấn) và khu bến chuyển tải (bến phao) cho tàu 30.000 DWT.

Kiên Giang nằm trong ngư trường Cà Mau - Kiên Giang, một trong 4 ngư trường lớn nhất cả nước. Đến đầu năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 9.800 tàu khai thác thủy sản, chiếm hơn 10% cả nước. Sản lượng khai thác trung bình hằng năm đạt 585.00 tấn, chiếm khoảng 16% tổng sản lượng khai thác của cả nước và trên 40% sản lượng khai thác của vùng. Toàn tỉnh hiện có 88 cơ sở, nhà máy chế biến thủy sản, tổng công suất khoảng 250.000 tấn/năm; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 700 triệu USD. Ngoài ra, “Đảo ngọc” còn phát triển nghề nuôi và chế tác ngọc trai mang lại giá trị kinh tế cao.

Cơ cấu kinh tế nghiêng về du lịch đòi hỏi tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển bền vững, ưu tiên bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học rừng, biển. Tỉnh hiện đang có 2 rừng quốc gia là Phú Quốc và U Minh Thượng. Diện tích rừng chiếm một nửa diện tích “Đảo ngọc” (300 km2), là mái nhà chung của gần 1.400 loài thực vật và 500 loài động vật, trong đó có gần 200 loài quý hiếm. Còn với rừng U Minh Thượng, đây không chỉ là khu dự trữ sinh quyển thứ 5 ở Việt Nam được UNESCO công nhận cho đến hiện tại mà còn là khu dự trữ lớn thứ 2 trong tổng số 8 Khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam.

Tính đến năm 2022, Kiên Giang thu hút 778 dự án trên các lĩnh vực ngành nghề, với quy mô 317,6 km2, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 578.590 tỷ đồng, trong đó, có 356 dự án đi vào hoạt động, với quy mô khoảng 146 km2, tổng vốn đầu tư hơn 109.214 tỷ đồng. Riêng Phú Quốc đã thu hút được 338 dự án với 16,7 tỷ USD. Kiên Giang cũng là tỉnh đứng thứ 3 khu vực ĐBSCL (sau tỉnh Long An và TP Cần Thơ) trong việc thu hút đầu tư từ các tập đoàn kinh tế như Vingroup, Sungroup, Phú Cường group… Trong ảnh là một góc khu vui chơi, giải trí Grand World Phú Quốc do Vingroup xây dựng.

Tương lai, Kiên Giang xác định mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng Tây Nam bộ; hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội và môi trường để thu hút nhà đầu tư; trở thành trung tâm kinh tế biển của Việt Nam. Trong đó, Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển tầm quốc tế; Rạch Giá là thành phố thương mại, dịch vụ xanh; Hà Tiên là đô thị di sản. Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc sẽ hình thành tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại dịch vụ biển. Trong ảnh là khu đô thị lấn biển Rạch Giá hướng ra vịnh Thái Lan, chạy dọc 7 km đường bờ biển. Đây là khu đô thị lấn biển đầu tiên ở Việt Nam, góp phần thay đổi diện mạo TP Rạch Giá từ đô thị loại III lên loại II.

Bản đồ tỉnh Kiên Giang.

Theo Nhịp sống thị trường

Đọc tiếp

Hà Nội giảm 61 xã, phường sau sắp xếp lại

Hà Nội giảm 61 xã, phường sau sắp xếp lại

Sáng 25/4, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì phiên họp trực tuyến UBND Thành phố tháng 4/2024 để xem xét một số nội dung theo chương trình công tác năm 2024 và chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Giá chung cư ở Hà Nội tăng liên tục do đâu?

Giá chung cư ở Hà Nội tăng liên tục do đâu?

Khi so sánh giữa các dòng sản phẩm, người mua có nhu cầu ở thực có thể nhận thấy giá căn hộ vẫn ở mức hợp lý hơn so với những sản phẩm liền thổ trong dự án như biệt thự và nhà liền kề. Từ đó, dẫn đến câu chuyện ghi nhận mức tăng về nhu cầu và giá sơ cấp của phân khúc căn hộ trong quý I/2024.

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Theo kế hoạch đấu giá năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) dự định đấu giá 4 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 3.790 căn hộ chung cư trước đây được xây dựng tái định cư. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã và đang hoàn thiện các khâu trong quy trình đấu giá như: phương án đấu giá, việc tổ chức lại việc bán đấu giá, xác định giá khởi điểm.

Chat với BizLIVE