Thương hiệu Việt được Shark Phú hứa “bơm tiền không giới hạn” đang kinh doanh ra sao?

CEO Velasboost Lê Hải Vũ hướng đến hệ sinh thái sản phẩm công nghệ có nhiều giá trị Việt.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tăng trưởng ngược dòng

Cách đây gần 1 năm, Velasboost được Shark Phú hứa đầu tư tiền không giới hạn để phát triển kinh doanh. Tuy vậy, sau khi kèo được chốt ở chương trình, việc hợp tác vẫn chưa tiến triển.

Theo chia sẻ của Lê Hải Vũ - CEO Velasboots, hiện hai bên vẫn đang dừng lại ở quá trình đàm phán, bởi hai doanh nghiệp có định hướng về đường đi khác nhau, chưa thể có được phương án chung.

"Chúng tôi muốn tập trung đa dạng hoá sản phẩm để bán lẻ online. Trong khi Sunhouse của Shark Phú vẫn muốn phân phối và sản xuất tập trung với sản lượng lớn”, Lê Hải Vũ cho biết.

Ở Shark Tank, Velasboost chấp nhận khoản đầu tư 6 tỷ đồng cho 35% cổ phần. Shark Phú cho biết, ông đang có một nhà máy SMT, đầu tư khoảng 150 tỷ với toàn bộ hệ sinh thái ép nhựa, có khoảng 100 máy ép nhựa. Cái ông đang muốn là một đội ngũ R&D tìm kiếm các nguồn linh kiện và bán được vào các chuỗi điện máy.

Mặc dù việc hợp tác với Shark Phú chưa diễn ra, tuy nhiên, bất chấp tình hình kinh tế chung khó khăn từ cuối năm 2022 nhưng không vì thế Velasboost tụt dốc, trái lại, statup này đang "ăn lên làm ra".

Chia sẻ với chúng tôi, Lê Hải Vũ cho biết, công ty đang tăng trưởng ngược dòng. “Kinh tế đi xuống, doanh thu của nhiều doanh nghiệp giảm sút. Khách hàng cũng chuyển dịch sang nền tảng online. Khi đó, mô hình kinh doanh truyền thống khó khăn hơn gấp đôi.

Trong khi đó, chúng tôi lại là công ty ít ỏi trong nền tảng mới, hứng trọn phần khách hàng chuyển dịch này. Thị trường chung đi xuống nhưng Velasboost đang lội ngược dòng”, Hải Vũ thừa nhận công ty gặp may mắn.

Velasboost đang phân phối sản phẩm phụ kiện công nghệ thương hiệu Việt qua kênh bán hàng trực tuyến, trong đó các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, TikTok Shop… đem về tỷ lệ doanh thu lớn cho công ty.

Đối với công ty quy mô còn nhỏ như Velasboost, thuận lợi này mang tới đà tăng trưởng mạnh. Doanh thu của mảng thương mại điện tử dự kiến đạt 100 tỷ đồng trong năm nay, trong đó doanh thu của riêng sản phẩm Velasboost tăng gấp gần 4 lần năm ngoái lên mức khoảng 25 tỷ đồng, số lượng sản phẩm bán ra khoảng 100.000.

So với thời điểm xuất hiện trên chương trình Shark Tank gọi vốn, Velasboost lớn mạnh hơn với văn phòng mới rộng rãi, khang trang hơn. Nhân sự tăng 5 lần từ 10 người lên gần 50 người.

CEO Velasboost Lê Hải Vũ

CEO Velasboost Lê Hải Vũ

Về mặt sản phẩm, Velasboost cũng có sự thay đổi về chiến lược để thích ứng với tình hình mới. Theo đó, xu hướng khách hàng chi dùng sản phẩm giá trị cao cấp giảm khá sâu, chuyển dịch sang các sản phẩm có mức giá tầm trung.

“Chúng tôi bán tốt vì sản phẩm chỉ nằm quanh 300.000 đồng cho một đơn hàng. Như vậy, việc chi tiêu này không ảnh hưởng đến kinh tế của khách hàng. Nhưng với sản phẩm tiền triệu, khách hàng sẽ cắt giảm”, Hải Vũ cho biết.

Ban đầu khi mới thành lập, Velasboost tập trung vào phân khúc cao cấp. Nhưng sau thời gian hiểu về khách hàng, công ty phát hiện mình không có nhiều lợi thế ở đây và định hướng xuống phân khúc tầm trung.

Các thương hiệu cao cấp có nguồn lực lớn, kinh doanh lâu năm, nắm trong tay công nghệ và bán toàn thế giới. Khi mua sản phẩm cao cấp, khách hàng chắc chắn chọn các thương hiệu này. Tuy vậy, hiện tại, sức thu hút của phân khúc này không cao. Khách hàng chỉ bỏ ra số tiền thấp hơn khi nhận thấy chất lượng không có sự khác biệt quá nhiều.

Giấc mơ về sản phẩm thay đổi thế giới

Xây dựng thương hiệu phụ kiện công nghệ Việt, các sản phẩm của Velasboost phần lớn được gia công tại Trung Quốc. Lê Hải Vũ khẳng định điều này rất bình thường, bởi đây cũng là mô hình của các tập đoàn lớn trên thế giới, tối ưu sản phẩm của mình sau đó thuê nhà máy chuyên nghiệp gia công.

Hiện tại, đa số sản phẩm của Velasboost đều trải qua công đoạn cấu hình, thiết kế sản phẩm, bao bì đóng gói được làm Việt Nam, còn sản xuất ở Trung Quốc. Thương hiệu Việt này cũng bước đầu thực hiện sự chuyển dịch khi lựa chọn một số sản phẩm có doanh số lớn, có tính cạnh tranh cao và chi phí sản xuất không cao hơn nhiều so với ở Trung Quốc để đưa về hoàn thiện tại Việt Nam.

“Với các sản phẩm mới ra mắt, chúng tôi chấp nhận làm ở Trung Quốc, trong khi với sản phẩm đã thành hình, có doanh số lớn, công ty bắt đầu chuyển dịch dần sang Việt Nam”, Hải Vũ chia sẻ. Anh cũng cho biết, hiện tại Velasboost hoàn thiện một sản phẩm ở Việt Nam, 100% “made in Vietnam” dự kiến ra mắt trong tháng 7-8.

Lê Hải Vũ và cộng sự

Lê Hải Vũ và cộng sự

Để công ty phát triển bền vững, Velasboost đầu tư mạnh tay cho khâu R&D. Nhà sáng lập thương hiệu này chia sẻ khoảng 50% lợi nhuận ròng được tái đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Với phụ kiện công nghệ, R&D tốn kém nhất ở khuôn mẫu sản phẩm thử nghiệm, những sản phẩm chi tiết càng nhiều càng tốn kém. Ví dụ một ổ cắm điện thông minh có chi phí khuôn mẫu khoảng một tỷ đồng.

“Chúng tôi chưa đủ trình độ để tạo ra sản phẩm thay đổi thế giới ở thời điểm hiện tại. Tuy vậy, biết đâu 10 năm nữa khi đủ kinh nghiệm, đủ tài chính chúng tôi có thể làm được”, CEO Velasboost mơ mộng.

Theo Lao động & Công đoàn

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE