Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm 113.175 tài khoản trong tháng 2/2024, thấp hơn đôi chút so với tháng đầu năm. Một phần nguyên nhân đến từ số ngày làm việc trong tháng 2 bị rút ngắn do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.
Xét về cơ cấu, số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm trong tháng đầu năm 2024 chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân với 113.097 tài khoản. Trong khi đó, tài khoản của nhà đầu tư tổ chức chỉ tăng thêm 78 tài khoản.
Như vậy, sau giai đoạn sụt giảm do hoạt động rà soát và thanh lọc của các cơ quan chức năng về dữ liệu người tham gia chứng khoán, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng trở lại trong 3 tháng liên tiếp vừa qua.
Tính đến cuối tháng 2/2024, Việt Nam có gần 7,5 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, tương đương khoảng 7,5% dân số.
Tuy nhiên, con số này chưa thực sự phản ánh chính xác tỷ lệ người dân tham gia vào chứng khoán bởi một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán.
Số lượng tài khoản chứng khoán tăng trở lại trong bối cảnh thị trường diễn biến khá tích cực thời gian gần đây. Riêng tháng 2, VN-Index đã tăng 7,59% lên vùng đỉnh 17 tháng qua đó ghi nhận tháng thứ 4 liên tiếp tăng điểm. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong một tháng chỉ số này đạt được kể từ tháng 7/2023.
Thị trường đi lên bất chấp áp lực bán ròng của khối ngoại vẫn tiếp diễn. Sau tháng đầu năm "tạm nghỉ", nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp tục bán ròng hơn 2.300 tỷ đồng trên HoSE trong tháng 2 vừa qua.
Khối ngoại bán ròng nhưng số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng qua từng tháng. Thời điểm cuối tháng 2/2024, nhà đầu tư ngoại có tổng cộng 45.677 tài khoản chứng khoán, tăng 106 tài khoản so với thời điểm cuối năm ngoái. Về cơ cấu, tài khoản của nhà đầu tư cá nhân tăng thêm 117 tài khoản, trong khi đó số lượng tài khoản của tổ chức giảm 11 tài khoản.
Nhận định về thị trường chứng khoán thời gian tới, Công ty chứng khoán KBSV cho biết, mức P/E hiện tại của VN-Index khoảng 16.2x lần (theo số liệu từ Bloomberg – mức P/E này đã loại bỏ các lợi nhuận bất thường của doanh nghiệp nên có sự khác biệt so với tính toán của các tổ chức khác). Mức định giá này hiện đang tiến đến vùng cao trong trung bình 2 năm nhưng nhỉnh hơn không quá nhiều so với mức trung bình 10 năm của VN-Index.
Trên cơ sở kỳ vọng nền kinh tế phục hồi trong cả năm 2024 và mặt bằng lãi suất thấp được duy trì, KBSV cho rằng định giá thị trường vẫn phù hợp để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu cho mục tiêu trung dài hạn nhưng cơ hội với mức lợi nhuận hấp dẫn sẽ ít dần khi nhiều cổ phiếu dần tiếp cận các vùng định giá cao.
Về biến động của thị trường chứng khoán trong tháng 3, đội ngũ phân tích cho rằng VN-Index sẽ vận động trên vùng cao với xu hướng phục hồi được duy trì nhưng không kỳ vọng thị trường sẽ bứt phá mạnh mẽ như trong 2 tháng đầu năm cùng rủi ro điều chỉnh ngắn hạn đang gia tăng.
KBSV cho biết, nhiều khả năng VN-Index sẽ đối mặt với áp lực rung lắc đáng kể tại vùng kháng cự 1.300-1.350, và đây cũng là vùng cản đáng lưu ý để xác nhận liệu thị trường đã quay lại xu hướng tăng điểm trong trung hạn hay chưa. Khối lượng giao dịch sẽ là yếu tố cần theo dõi sát trong các nhịp vượt đỉnh sau khi chỉ số đã tiến lên vùng cản.