Mới đây nhất, ngân hàng Agribank phát đi thông báo cho biết, sẽ giảm tiếp 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng đồng Việt Nam tại thời điểm 30/11/2022.
Đối với dư nợ phát sinh từ 1/12/2022 đến 31/12/2022, Agribank cũng giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực.
Ngoài ra, khách hàng doanh nghiệp, cá nhân có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, hoặc có mục đích vay vốn kinh doanh xăng dầu,… cũng được áp dụng chính sách giảm lãi suất này.
Agribank cho biết, ước tính trong năm 2022, ngân hàng đã tiết giảm khoảng 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho 2,2 triệu khách hàng.
Trước đó, một ngân hàng lớn khác là Vietcombank cũng đã quyết định giảm lãi suất tới 1 điểm %/năm đối với các khoản vay bằng VND cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu. Thời gian triển khai từ 1/11 đến hết 31/12.
Chính sách giảm lãi suất này không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá...
"Rất nhiều đối tượng khách hàng được giảm trong đợt này, trong đó là nhóm sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, hoạt động nông nghiệp, môi trường... Quy mô dư nợ khoảng 500.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% danh mục tín dụng của chúng tôi", ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank, cho biết.
Không chỉ các ngân hàng có vốn nhà nước, mà cả khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng có đại diện “đi ngược” thị trường. Ngân hàng HDBank mới đây đã quyết định giảm lãi suất tới 3,5 điểm%/năm đối với 43.000 khách hàng ở một số lĩnh vực kinh doanh.
Cụ thể, đối với khách hàng cá nhân, ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho khách hàng vay sản xuất kinh doanh và nông nghiệp nông thôn với mức lãi suất giảm 0,5 - 3,5 điểm %/năm. Theo ước tính, sẽ có 38.000 khách hàng cá nhân trên cả nước với 45.000 khoản vay được giảm lãi suất.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, mức giảm lãi suất từ 0,5-2,5 điểm %/năm với các lĩnh vực: xuất nhập khẩu; các khu chế xuất, khu công nghiệp; nông nghiệp; giao thông vận tải; khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ; siêu nhỏ; công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, giáo dục đào tạo; dịch vụ thông tin; lưu trú ăn uống. HDBank cho biết, có khoảng 5.000 khách hàng doanh nghiệp trên cả nước với gần 10.000 khoản vay sẽ được giảm lãi suất.
Như vậy, theo ước tính, sẽ có khoảng hơn 43.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trên cả nước với 55.000 khoản vay sẽ được giảm lãi suất với số tiền lên tới 120 tỷ đồng. Để hỗ trợ thêm, ngân hàng cũng cam kết miễn, giảm các loại phí kèm theo như phí cam kết rút vốn, phí trả nợ trước hạn cho khách hàng.
Trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục tăng cao, việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay là điều không dễ. Tuy nhiên, với việc một số thành viên lớn đi tiên phong như trên có thể phần nào giúp điều hướng thị trường cũng như “hạ nhiệt” mặt bằng lãi suất chung.
Công ty Chứng khoán Maybank trong một báo cáo mới công bố cho biết, 9 tháng đầu năm, NIM lợi nhuận của các ngân hàng khoảng 4,4%. So với giai đoạn 5 năm trước, khi lãi suất điều hành khá tương đồng, NIM bình quân khoảng 3,7 - 4%. Do đó các ngân hàng có thể chấp nhận được mức tăng lãi suất đầu vào và còn dư địa để giảm hoặc giữ lãi suất cho vay.
Thực tế cũng cho thấy, đà tăng của lãi suất cho vay phần nào chậm hơn đà tăng của lãi suất huy động, khi các ngân hàng đang cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay nhằm thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của NHNN về triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Theo khảo sát, mặt bằng lãi suất huy động trên 6 tháng đã tăng khoảng 3,5 – 4 điểm %/năm so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, lãi suất cho vay mới tăng thêm từ 1 – 3 điểm %/năm tùy khoản vay và tùy từng kỳ hạn.