Theo số liệu mới công bố từ Tổng Cục Thống kê (GSO), tính đến thời điểm 20/6/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,53% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm trước tăng 3,30%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,26% (cùng kỳ năm trước tăng 3,97%).
Tăng trưởng tín dụng tính đến 20/6 mới chỉ đạt 3,13%, tương đương mức chỉ bằng 37% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng trưởng tín dụng đạt 8,51%).
Trước đó, tại buổi họp báo thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm tổ chức ngày 21/6, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến 15/6 đạt 3,36% so với cuối năm trước.
Lý giải nguyên nhân tín dụng tăng trưởng thấp, Phó thống đốc cho biết, do cầu tín dụng giảm mạnh, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế gặp khó khăn (cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, dẫn tới tín dụng cho sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng; cầu tiêu dùng giảm); một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/ hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Bên cạnh đó, sau một thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu ở mức cao, trong khi thị trường đầu ra khó khăn, đơn hàng, doanh thu giảm,…); một số khách hàng chưa kịp thời hồi phục sau giai đoạn dịch COVID-19 đã phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn, nên các tổ chức tín dụng phải thận trọng trong quyết định cho vay do không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.
“Với mức tăng trưởng tín dụng trên thì đúng là khá khiêm tốn so với cùng kỳ các năm trước. Ở góc độ ngân hàng, chúng tôi cũng rất muốn đẩy tín dụng nhưng tăng tín dụng thì vẫn phải đảm bảo chất lượng tài sản. Việc tăng trưởng tín dụng một cách lành mạnh đã, đang và sẽ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong thời gian tới”, ông Tú nói.
Với mục tiêu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, từ tháng 3 tới nay, Nhà điều hành đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm.
Cụ thể, giảm 1,5%/năm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu, giảm 2%/năm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Giảm 0,5-1,25%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng; Giảm 1,5%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Đồng thời, NHNN tiếp tục khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các NHTM hiện ở mức khoảng 5,8%/năm, giảm 0,7 điểm % so với cuối năm 2022; lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm, giảm 1 điểm %/năm so với cuối năm 2022.