Sóng BCTC quý 3 có thể không xuất hiện trên TTCK nhưng đã nhìn thấy nhiều cơ hội
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, CTCP Chứng khoán VPS
Trong một số giai đoạn, tâm lý nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi không chỉ những yếu tố ngoại cảnh, thông tin tiêu cực và chưa kể trạng thái danh mục cầm nhiều cổ phiếu mà các cổ phiếu này đang giảm mạnh cũng gây tâm lý lo sợ.
2 yếu tố chi phối biến động tăng giảm của thị trường chứng khoán (TTCK) đó là nhận thức và tâm lý nhà đầu tư. Nếu chính sách tiền tệ của các NHTW lớn như FED, ECB hay tăng lãi suất của Ngân hàng nhà nước (NHNN) phần nào phản ánh bởi dòng tiền tham gia vào thị trường yếu và hơn nữa tâm lý lo sợ về việc có thể điều chỉnh đã khiến nhà đầu tư phản ứng “thái quá” và bán cổ phiếu ra. "Sóng BCTC quý 3” có lẽ sẽ không xuất hiện khi thị trường đang bị ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực, thông tin có khả năng ảnh hưởng đến thị trường Bất động sản, nhóm cổ phiếu ngân hàng là những cổ phiếu lớn có thể ảnh hưởng đến chỉ số.
Thị trường đang trong pha điều chỉnh tồi tệ với nhiều người sẽ bị lo lắng nhưng với một số người đang chưa giải ngân hoặc có ít cổ phiếu thì đó lại là cơ hội. Có thể sẽ điều chỉnh thêm nhưng chiến lược đầu tư tích sản hoặc mua gom cổ phiếu chất lượng cao giá rẻ sẽ có thể bắt đầu từ tuần này. Tôi tin vào giá trị cổ phiếu khi thị trường phản ứng thái quá hơn là dự báo xem chỉ số đã tạo đáy hay chưa.
Do đó, tôi vẫn luôn ủng hộ trường phái tích sản cổ phiếu và chiến lược mua gom với tỷ trọng nhỏ hợp lý với các cổ phiếu chất lượng cao, cổ phiếu đầu ngành khi giá cổ phiếu giảm sâu. Tâm lý tiếp cận thị trường lúc này là rất quan trọng, kiểm soát tốt tâm lý đầu tư, quản lý danh mục an toàn sẽ giúp nhà đầu tư vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tôi đã nhìn thấy nhiều cơ hội để có thể đưa ra việc phân bổ dần danh mục tất nhiên là với tầm nhìn cho đến nửa đầu năm 2023. Sự kiên nhẫn luôn có thừa với những cổ phiếu được chọn lọc kỹ, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Những gập ghềnh của chứng khoán có thể chưa kết thúc nhưng không bi quan
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM, Công ty chứng khoán DSC
Tôi không chắc thông tin về Vạn Thịnh Phát đã phản ánh vào giá hay chưa, nhưng cá nhân tôi thì không bất ngờ với thông tin về xử lý sai phạm Vạn Thịnh Phát. Với quan điểm là nhà đầu tư rất bình thường, nhưng cũng có thể ít nhiều hình dung về bối cảnh hiện tại, thì tôi nghĩ một bộ phận không nhỏ trên thị trường cũng có sự chuẩn bị cho sự kiện Vạn Thịnh Phát hoặc các sự kiện tương tự trong tương lai.
Đây đương nhiên là một thông tin rất tiêu cực và liên quan đến nhiều bên, trong đó lo lắng nhất là quyền lợi của người gửi tiền SCB và trái chủ sở hữu trái phiếu. Về vấn đề các trái phiếu của Vạn Thịnh Phát, cá nhân tôi đánh giá Vạn Thịnh Phát có nhiều dự án, khối tài sản giá trị, đắc địa mà ai cũng biết. Do đó nếu Vạn Thịnh Phát quyết tâm khắc phục hậu quả, các trái phiếu của Vạn Thịnh Phát sẽ không bị tình trạng mất thanh khoản. Với các khối tài sản hấp dẫn như vậy, theo quan sát của tôi, nhiều bên cũng sẽ sẵn sàng lên kế hoạch quan tâm đến các tài sản này nếu Vạn Thịnh Phát có ý muốn bán tài sản để đảm bảo thanh khoản.
Về ngân hàng SCB, cá nhân tôi cho rằng không liên quan nhiều đến sự việc đang được các cơ quan điều tra. Ngân hàng nhà nước và truyền thông cũng đã có nhiều kinh nghiệm xử lý các sự kiện tương tự trước đây như ACB, BIDV, OceanBank,… do đó khả năng đảm bảo thanh khoản hệ thống luôn được giữ vững. Truyền thông cũng rất kịp thời cập nhật, đưa các thông tin chính xác đến thị trường, những người gửi tiền, nhà đầu tư trái phiếu… để tránh tâm lý hoang mang. Do đó, vấn đề của SCB tôi kỳ vọng sẽ ổn thỏa và chỉ dừng lại ở SCB, không ảnh hưởng quá lâu đến tâm lý nhà đầu tư với các ngân hàng khác đang niêm yết.
Với quan điểm luôn thận trọng từ đầu năm, nhưng hiện tại tôi không bi quan, vì thị trường đã bi quan cực độ và giảm nhiều quá rồi. Tất nhiên thị trường chứng khoán có thể tiếp tục rơi, nhưng tôi không quá bi quan về nền kinh tế. Thị trường hiện tại hoảng loạn bởi yếu tố tâm lý, sự thiếu thốn dòng tiền và sự dịch chuyển của các dòng tiền lớn, còn vĩ mô Việt Nam, dù chịu nhiều áp lực và có xấu đi, vẫn ổn định và được xem là điểm sáng trong khu vực. Chúng ta cũng thấy diễn biến các thị trường Đông Nam Á ra sao trong thời gian gần đây và nếu giải quyết được sự hẫng hụt dòng tiền, thị trường Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng diễn biến tương tự.
Đối với thị trường chứng khoán, đây cũng chỉ là một kênh đầu tư. Những gập ghềnh trong chu kỳ này có thể chưa kết thúc và có thể kéo dài sang năm sau, do đó tỷ trọng phân bổ của kênh chứng khoán chỉ nên ở một mức độ vừa phải. Còn hành động cụ thể, tùy thuộc vào vị thế của từng nhà đầu tư.
Nhịp hồi phục kỹ thuật có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán KIS Việt Nam
Thông tin tiêu cực liên quan đến Vạn Thịnh Phát được công bố vào ngày thứ 7 vừa qua nên có thể chỉ mới phản ánh một phần vào thị trường. Dự kiến trong tuần tới thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh để phản ánh thêm. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần nhìn nhận nhịp điều chỉnh hiện tại đã đưa thị trường chứng khoán về mức định giá khá hấp dẫn khi P/E cho năm tới ở mức 10 lần, gần với vùng đáy tháng 04/2020 khi dịch COVID-19 bùng phát. Vì thế nếu nhìn nhận theo hướng tích cực thì đây có thể là một cơ hội cho nhóm nhà đầu tư dài hạn.
Hiện xu hướng điều chỉnh trong trung hạn đã được xác nhận khi chỉ số liên tục hình thành đáy mới thấp hơn đáy tháng 07/2022. Áp lực bán cũng đang mạnh dần lên, đặc biệt trong phiên giao dịch cuối tuần trước khi chỉ số giảm mạnh khối lượng lại gia tăng. Điều này hàm ý về một tín hiệu xác nhận xu hướng điều chỉnh khác. Vì thế, trong ngắn và trung hạn thị trường vẫn sẽ tiếp tục suy yếu. Tuy nhiên, do thị trường đã giảm mạnh gần 20% từ đáy tháng 09/2022 mà chưa có bất kỳ một đợt phục hồi nào. Nên, trong thời gian tới chỉ số có thể hình thành một nhịp phục hồi kỹ thuật bất kỳ lúc nào. Nhà đầu tư cần lưu ý, đây là nhịp hồi phục trong ngắn hạn chứ không phải là tín hiệu cho thấy sự điều chỉnh sẽ chấm dứt.
Có nhiều tiêu chí có thể được sử dụng để xác định thời điểm đảo chiều trong xu hướng của thị trường gồm các tín hiệu từ phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản.
Với nhóm phân tích kỹ thuật thì tiêu chí sẽ dựa chủ yếu vào mẫu hình giá/mẫu hình nến và thanh khoản. Đầu tiên, chỉ số cần hình thành các mẫu hình nến đảo chiều như: bullish engulfing, hammer... đây là những tín hiệu ban đầu cho thấy thị trường đang bước vào giai đoạn cân bằng và có thể đảo chiều. Kế đến tín hiệu này cần được xác nhận bằng thanh khoản, cụ thể là thanh khoản phải gia tăng mạnh với hàm ý những “tay chơi lớn” đã quay lại thị trường.
Thứ hai là các tiêu chí liên quan đến cơ bản. Những tiêu chí này sẽ đa dạng hơn rất nhiều và nằm ở việc vĩ mô thế giới và trong nước phải ổn định trở lại. Ví dụ như FED phải dừng hoặc giảm tốc độ nâng lãi suất, lạm phát ở Mỹ giảm, khối ngoại mua ròng trở lại trên thị trường Việt Nam...