Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) vừa công bố chính sách “mua trả chậm” để thay thế cho hình thức "mua trả góp". Chính sách này không chỉ giúp người dùng dễ dàng sở hữu sản phẩm công nghệ mà không lo chi phí lãi suất, mà còn giúp họ quản lý tài chính linh hoạt hơn trong thời kỳ giá cả leo thang.
Theo chính sách mới, khách hàng sẽ không phải chịu lãi suất hay các chi phí ẩn như phí bảo hiểm và hồ sơ. Như vậy, khi mua một sản phẩm, khách hàng chỉ đơn giản là chia giá trị của mặt hàng ra làm nhiều đợt thanh toán mà không phải lo lắng các loại lãi phát sinh.
Ngay cả đối với các sản phẩm có giá trị cao hàng chục triệu đồng, khách hàng vẫn có thể trả trước 0 đồng hoặc không quá 30% giá trị sản phẩm, 0% lãi suất kỳ hạn lên đến 12 tháng qua các công ty tài chính. Cụ thể, khách hàng đã có thể mua trả chậm iPhone 11 chỉ từ 25.000 đồng/ngày, AirPods 4 mới ra mắt cũng chỉ từ 20.000 đồng/ngày.
Bên cạnh mức trả trước linh hoạt, Thế Giới Di Động còn đưa ra thời hạn thanh toán từ 6 đến 12 tháng, giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn phương án phù hợp nhất với tài chính cá nhân. Thay vì dồn toàn bộ tiền vào một lần mua sắm, khách hàng có thể chia nhỏ khoản thanh toán, tiết kiệm ngân sách cho những nhu cầu khác.
Theo đại diện công ty, đây là giải pháp mua sắm giúp người dùng sở hữu sản phẩm ngay mà vẫn nhẹ gánh chi phí, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
“Hơn cả trả góp, chúng tôi tạo ra những giá trị thiết thực để khách hàng mua trả chậm. Hơn cả bán hàng, chúng tôi cung cấp giải pháp tối ưu để khách hàng mua sắm dễ dàng, lấy xài liền, tiền trả sau”, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế Giới Di Động cho biết.
Đây không phải lần đầu tiên Thế Giới Di Động tiên phong trong việc đưa ra giải pháp tài chính để kích cầu mua sắm. Nhiều năm trước, khi người dân còn quen với hình thức thanh toán một lần, chuỗi bán lẻ này đã tiên phong trong việc áp dụng hình thức trả góp, cho phép khách hàng nhận sản phẩm ngay và thanh toán theo từng phần. Chính sách này đã từng bước thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, góp phần phổ biến điện thoại thông minh và nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ đời sống đến cộng đồng.
Gần đây, trong giai đoạn mà cầu mua sắm sụt giảm, Thế Giới Di Động cũng liên tục đưa ra nhiều chính sách bán hàng để kích cầu, chẳng hạn như “giá rẻ quá”, “giá bao chấp - hoàn tiền nếu có chênh lệch” và giờ đây là “mua trả chậm”.
Chính sách mới này được đưa ra trong bối cảnh thị trường bán lẻ được dự báo tiếp tục phục hồi và tình hình kinh doanh của Thế Giới Di Động có những tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 của Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu thuần đạt 34.147 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.068 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 806 tỷ đồng, cao gấp 21 lần so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của tập đoàn này đạt 99.767 tỷ đồng, tăng 15%, và lợi nhuận sau thuế đạt 2.881 tỷ đồng, tăng gấp 37 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, sau 9 tháng, Thế Giới Di Động đã thực hiện được gần 80% kế hoạch doanh thu và vượt 20% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Sự tăng trưởng lợi nhuận của Thế Giới Di Động chủ yếu đến từ việc tăng doanh thu và cải thiện biên lợi nhuận gộp. Trong 9 tháng đầu năm 2024, mặc dù tập đoàn này đã đóng 55 cửa hàng Thế Giới Di Động, 160 cửa hàng Điện máy Xanh nhưng doanh thu của 2 chuỗi này vẫn tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 66.700 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chuỗi Bách Hóa Xanh tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực với doanh thu 9 tháng đạt 30.300 tỷ đồng, tăng gần 36% so với cùng kỳ. Doanh thu bình quân tiếp tục duy trì ở mức 2,1 tỷ đồng/cửa hàng. Đáng chú ý sau khi lần đầu có lãi vào quý II/2024, Bách Hóa Xanh tiếp tục báo lãi gần 90 tỷ đồng trong quý III.
Trong bối cảnh nhu cầu mua sắm đang phục hồi, chính sách "mua trả chậm" được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy doanh thu của Thế Giới Di Động, đặc biệt khi người tiêu dùng đẩy mạnh chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm.