Theo chương trình hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương sẽ trình bày Báo cáo "Chứng khoán Việt Nam – nỗ lực kiên trì vì sự phát triển bền vững". Các đại biểu tham dự Hội nghị bao gồm Khối bộ, ngành (Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cơ quan ngoại giao/ tổ chức quốc tế (Đại sứ quán Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới WB); doanh nghiệp niêm yết (Ngân hàng MB, Ngân hàng BIDV, FPT, Cơ điện lạnh, Bất động sản Phát Đạt, Nông nghiệp BAF Việt Nam); Công ty quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam; Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) sẽ trình bày các tham luận.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có phát biểu chỉ đạo triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024.
Trong lễ đánh cồng khai trương giao dịch đầu xuân mới diễn ra vào ngày mùng 10 Tết Giáp Thìn (ngày 19/2), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi từng đề cập một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong 2024 cũng như thời gian tới.
Thứ nhất, chúng ta phải tiếp tục rà soát các quy định khuôn khổ pháp lý liên quan trực tiếp tới thị trường chứng khoán, đó là Luật Chứng khoán, các Nghị định 155, Nghị định 156, các văn bản dưới Luật Chứng khoán. Bên cạnh đó, chủ động rà soát quy định một số luật khác có liên quan tới thị trường như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, các quy định có tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới thị trường. Nếu có những quy định cần thiết bổ sung thì kiến nghị sửa đổi, tạo ra khuôn khổ pháp lý phù hợp, hiệu quả.
Thứ hai, chúng ta phải tiếp tục duy trì hệ thống giao dịch thị trường, hệ thống thanh toán vận hành ổn định, an toàn, là điểm tựa thị trường. Các sở, công ty lưu ký chứng khoán tiếp tục triển khai mọi giải pháp để duy trì hệ thống vận hành ổn định, an toàn.
Thứ ba, nhiệm vụ đảm bảo giám sát, kiểm tra hoạt động hiệu quả thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Như các cơ quan thanh tra giám sát đề cập là không có vùng cấm. Tất cả các trường hợp vi phạm cố gắng phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, tăng tính răn đe để đảm bảo tất cả quyền, lợi ích hợp pháp, không để chủ thể nào trục lợi.
Thứ tư, mục tiêu đưa thị trường chứng khoán Việt Nam có bước phát triển mới về chất, nâng hạng trong thời gian sớm nhất. Chúng ta phải chủ động thực hiện các giải pháp để TTCK bước lên hạng mới. Đòi hỏi nỗ lực từ cơ quan quản lý nhà nước, sở GDCK, công ty lưu ký, các cơ quan liên quan, doanh nghiệp niêm yết… để có một thị trường ở thang bậc mới trong xếp hạng. Năm 2024 này chúng ta cụ thể hóa và tiến nhiều nhất có thể.
Cuối cùng là việc thông tin truyền thông tới công chúng đầu tư, tới tất cả người quan tâm tới TTCK một cách tốt nhất, minh bạch, nhanh nhất, để mọi người hiểu TTCK nhiều hơn, sâu sắc hơn, để khi tham gia thị trường tự giác chấp hành quy định pháp luật.
Trước đó, cuối năm 2023, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, mục tiêu tổng quát là phát triển thị trường chứng khoán ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập; nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế; duy trì tăng trưởng về quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng; phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam so với TTCK các nước phát triển.
Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP vào năm 2030; TTCK phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.
Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.
Nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á; áp dụng thông lệ tốt về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty (tiêu chuẩn ESG) tại các Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hướng tới yếu tố phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế.
Hoàn thành việc phân bảng cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán trong năm 2025. Phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế. Tích cực hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới, đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, quản trị rủi ro, đưa vào áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.