Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, mã POW) vừa công bố tình hình kinh doanh sơ bộ trong tháng 8 và luỹ kế 8 tháng đầu năm 2024.
PV Power cho biết, tháng 8 là thời điểm mùa mưa tại vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Bộ. Bên cạnh đó, nắng nóng vẫn tiếp diễn khiến nhiệt độ trung bình trên cả nước cao hơn từ 0,5 -1 độ C so với trung bình nhiều năm, tuy nhiên cường độ không quá gay gắt.
Theo PV Power, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng và Qc các nhà máy nhiệt điện giao thấp nên giá thị trường tăng dần, đặc biệt các ngày cuối tháng thường xuyên đạt mức trần. Giá thị trường toàn phần (FMP) bình quân tháng 8 đạt khoảng 1.495 đồng/kWh.
Tính chung trong tháng 8/2024, các nhà máy điện của PV Power đã sản xuất ra tổng 966,3 triệu kWh, tăng 57,9% so với cùng kỳ và tổng doanh thu ước tính đạt 1.796,2 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ (cùng kỳ ghi nhận doanh thu 1.796 tỷ đồng).
Lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng sản lượng điện của các nhà máy điện của PV Power khoảng 10,38 tỷ kWh. Doanh thu ước đạt 19.954 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,2% so với con số 19.920 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Trong cơ cấu doanh thu 8 tháng đầu năm 2024, doanh thu của nhóm nhà máy điện Cà Mau 1&2 đạt 7.705 tỷ đồng, chiếm 38,61% tổng doanh thu; doanh thu nhà máy điện Vũng Áng 1 đạt 7.561 tỷ đồng, chiếm 37,89% tổng doanh thu; doanh thu nhà máy điện Nhơn Trạch 2 đạt 3.620 tỷ đồng, chiếm 18,14 % tổng doanh thu; các nhà máy còn lại đóng góp 5,35% tổng doanh thu.
Về chi tiết các nhà máy điện, PV Power cho biết, nhà máy Cà Mau 1&2 đã được cung cấp khí đáp ứng yêu cầu vận hành. Trong đó, từ ngày 15/8 nhà máy không được cấp khí do dừng bảo dưỡng sửa chữa giàn khoan hàng năm, trong thời gian từ 1- 15/8 nhà máy có đủ khi để vận hành. Nhà máy điện Cà Mau 1&2 chào giá vận hành đáp ứng Qc và tăng tối đa sản lượng và hiệu quả vào các thời điểm giá thị trường cao.
Với nhà máy điện Vũng Áng 1, từ ngày 15/8 -19/10, nhà máy sẽ thực hiện trung tu tổ máy 2. Do giá thị trường toàn phần bình quân cao hơn so với chi phí biến đổi nhiên liệu than, nhà máy điện Vũng Áng 1 chào giá vận hành tối đa sản lượng để tối ưu hiệu quả.
Còn đối với Nhà máy điện Nhơn Trạch 1, tại một số thời điểm Nhơn Trạch 1 được Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) huy động vận hành với sản lượng rất thấp.
Trong khi đó, Nhơn Trạch 2 được giao Qc 326,8 triệu kWh (kế hoạch đầu năm giao chỉ 40,7 triệu kWh). Với Qc được giao khá cao, Nhà máy Nhơn Trạch 2 chào giá vận hành đáp ứng Qc và tăng tối đa sản lượng và hiệu quả.
Với nhóm thuỷ điện, tháng 8 là thời điểm đầu mùa mưa, mực nước hồ chứa thủy điện Hủa Na cuối tháng 7 là +224,2 m/MNC +215,0m. Vì thế, nhà máy chào giá vận hành tối đa sản lượng có thể phát để tận dụng lượng nước về trước, đầu mùa lũ.
Nhà máy điện Đakđrinh thực hiện tiểu tu tổ máy 2 từ ngày 28/7 đến 12/8. Với giá thị trường cao, mực nước hồ chứa nhà máy điện đang đáp ứng nhu cầu vận hành, Đakđrinh chào giá để vận hành tối đa sản lượng để đưa hồ chứa về mực nước chết, tận dụng tối đa hiệu quả hồ chứa cuối mùa khô.
Về tình hình dự án Đầu tư nhà máy điện Nhơn Trạch 3 & Nhơn Trạch 4, PV Power cho biết đã ký hợp đồng thuê đất với Tổng Công ty Tín Nghĩa ngày 27/5 đối với phần diện tích 30,8 ha và đã được Sở Tài nguyên - Môi trường cấp sổ đỏ ngày 29/5.
Đối với phần diện tích khoảng 6,4 ha, ngày 20/8 Ban Quản lý dự án điện đã gửi hợp đồng thuê đất cho Tổng Công ty Tín Nghĩa.
Tính đến cuối tháng 8, tiến độ tổng thể của gói thầu EPC hoàn thành ước đạt 87%, so với kế hoạch dự kiến đạt 92%. Ngoài ra, PV Power đang tiếp tục thực hiện công tác thu xếp vốn, đàm phán hợp đồng mua bán khí và hợp đồng mua bán điện cho dự án theo đúng tiến độ.
Về kế hoạch trong tháng 9, công ty đặt mục tiêu sản lượng cho các nhà máy là 1,16 tỷ kWh, doanh thu tương ứng là 2.193 tỷ đồng.
Trong một diễn biến khác, mới đây, PV Power công bố đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác với đối tác Hàn Quốc để nghiên cứu và phát triển hệ thống trạm sạc tại Việt Nam.
Trong năm nay, công ty sẽ thí điểm đặt trạm sạc đầu tiên tại số 6 phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Diện tích đặt trạm khoảng 30 - 35 m2. Trạm sạc gồm 2 cây sạc dạng tủ đứng, có trang bị 2 cổng sạc với công suất 50 - 60 kW/cổng sạc, tổng chi phí đầu tư của dự án khoảng hơn 1,8 tỷ đồng, tổng công suất sử dụng 100 -120 kW. Dự kiến trạm sạc này sẽ đi vào hoạt động từ tháng 9/2024.
Sau khi trạm sạc số 6 Huỳnh Thúc Kháng đi vào hoạt động, PV Power tiếp tục triển khai thí điểm thêm 2 trạm sạc nữa tại 222 đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội (Big C Thăng Long).
Theo kế hoạch của PV Power, sau 2 năm thí điểm, PV Power sẽ đánh giá lại hiệu quả của dự án, sau đó sẽ phát triển đồng bộ trên toàn quốc, dự kiến đến năm 2035 sẽ phát triển thêm 1.000 trạm sạc.