Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2024 với doanh thu thuần đạt 26.866 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.281 tỷ đồng, lần lượt tăng 27,2% và 2,8% so với cùng kỳ.
So với kế hoạch năm 2024 đặt ra là đạt doanh thu thuần 37.148 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.089 tỷ đồng, sau 8 tháng PNJ đã hoàn thành 72,3% kế hoạch doanh thu thuần và 61,3% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm.
Tính riêng tháng 8, doanh thu của PNJ ước đạt 2.245 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,5% so với cùng kỳ và lãi sau thuế khoảng 63 tỷ đồng, giảm 17%.
Xét về cơ cấu doanh thu, hoạt động kinh doanh của PNJ tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng ở hầu hết các kênh.
Trong đó, doanh thu trang sức bán lẻ trong 8 tháng năm 2024 đạt gần 14.240 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ, đóng góp 53% vào cơ cấu doanh thu. Mức tăng trưởng này chủ yếu nhờ công ty mở rộng mạng lưới phân phối tiếp cận gần hơn với khách hàng, đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng; tung ra nhiều bộ sưu tập trang sức mới cập nhật xu hướng đáp ứng thị hiếu của khách hàng; đồng thời, triển khai nhiều chiến dịch marketing và chương trình bán hàng hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ giúp thu hút nhiều khách hàng mới và tăng cường tỷ lệ khách hàng cũ quay lại.
Doanh thu trang sức bán sỉ trong 8 tháng năm 2024 cũng ghi nhận tăng 28,2% lên mức 2.472 tỷ đồng, đóng góp 9,2% trong cơ cấu doanh thu.
Doanh thu vàng 24K trong 8 tháng đạt 9.914 tỷ đồng, chiếm 36,9% trong doanh thu và tăng 52,8% so với cùng kỳ. Như vậy, trong tháng 8 doanh thu vàng 24K của PNJ chỉ khoảng gần 312 tỷ đồng, tiếp tục giảm so với tháng trước đó. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của vàng 24K đến hết tháng 8 cho thấy tiếp tục có sự “hạ nhiệt” (5 tháng đầu năm tăng 90,9% so với cùng kỳ, và sau 8 tháng chỉ còn tăng 52,8% so với cùng kỳ).
Việc mảng vàng 24K với biên lợi nhuận không cao nhưng đóng góp tỷ trọng lên tới 36,9% doanh thu, cao so với mức 30,6% cùng kỳ năm trước là một trong những nguyên nhân chính khiến biên lợi nhuận gộp trung bình trong 8 tháng năm 2024 của PNJ chỉ đạt 16,6%, giảm so với mức 18,6% cùng kỳ năm 2023.
Dù vậy, PNJ cho biết, trong bối cảnh “gió ngược” của thị trường, biên lợi nhuận gộp trung bình được duy trì ở mức khá nhờ vào mức biên lợi nhuận ổn định của kênh lẻ và sỉ; cũng như triển khai hiệu quả các biện pháp tối ưu nguồn lực và nâng cao năng lực vận hành trong sản xuất, bù trừ cho sự giảm lợi nhuận gộp do tăng tỷ trọng từ vàng 24K trong cơ cấu doanh thu.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng PNJ với những lợi thế cạnh tranh bền vững sẽ tiếp tục gia tăng thị phần trong thị trường bán lẻ trang sức, từ 21% năm 2023 lên 27% năm 2028.
VDSC cũng dự báo mảng bán lẻ trang sức của PNJ tiếp tục tăng trưởng 10,5%/năm trong giai đoạn 2024 - 2028, dựa trên giả định trọng yếu rằng PNJ vẫn có thể đảm bảo nguồn cung nguyên liệu vàng đầu vào cho mảng này.
Tuy nhiên, với mảng vàng miếng, việc kinh doanh có thể sẽ thu hẹp đáng kể từ nửa cuối năm 2024 do chính sách quản lý chặt chẽ ở thị trường này. Do đó, mảng kinh doanh này dự kiến không còn đóng góp đáng kể doanh thu do thiếu hụt nguồn cung và từ năm 2025 trở đi, PNJ có thể hụt thu từ mảng vàng miếng.
Theo VDSC, thực tế, mảng kinh doanh vàng miếng chỉ là mảng phụ mà PNJ giữ lại để tiếp cận và thu hút khách hàng cho mảng cốt lõi là bán lẻ trang sức, do đó PNJ sẽ ưu tiên nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang thay vì tập trung vào kinh doanh vàng miếng.
Trong trường hợp cơ quan quản lý siết chặt hơn nữa và lâu dài hoạt động kinh doanh vàng và nữ trang, PNJ có thể sẽ thiếu hụt nguồn cung không chỉ mảng vàng miếng mà cả mảng nữ trang. Doanh thu và lợi nhuận của PNJ nói riêng, và các nhà sản xuất - kinh doanh nữ trang có thương hiệu và tiềm lực tài chính nói chung, sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn.
Về dài hạn, nhóm phân tích cho rằng tuy vẫn gặp khó khăn về nguồn cung vàng nguyên liệu, PNJ sẽ có thời gian để thay đổi thiết kế sản phẩm theo hướng đẩy mạnh hơn các thiết kế cho biên lợi nhuận cao hơn để bù vào phần tăng chi phí nguyên vật liệu. Ngoài thay đổi về biên lợi nhuận gộp của mảng bán lẻ, thay đổi trong cơ cấu doanh thu theo hướng tăng đóng góp của mảng bán lẻ (mảng vàng miếng không có doanh thu) cũng góp phần làm tăng đáng kể biên lợi nhuận gộp của toàn công ty thêm 9,8% lên 28,1% trong 5 năm tới.
Để tăng cường lợi thế cạnh tranh trong mảng bán lẻ trang sức, dễ nhận thấy trong hơn 2 tháng trở lại đây PNJ đã bắt đầu tăng tốc mở thêm các cửa hàng trong bối cảnh một số “ông lớn” bán lẻ khác cũng đang đẩy mạnh việc mở thêm các cửa hàng.
Tính đến cuối tháng 8, tổng số cửa hàng của PNJ đạt 414 cửa hàng, tăng 5 cửa hàng so với tháng 7. Hệ thống cửa hàng của PNJ đã có mặt tại 57/63 tỉnh thành, bao gồm 405 cửa hàng PNJ, 5 cửa hàng Style by PNJ, 3 cửa hàng CAO Fine Jewellery và 1 trung tâm kinh doanh sỉ. Trong 8 tháng đầu năm, công ty đã mở mới 24 cửa hàng và đóng 10 cửa hàng.