Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2024 với doanh thu thuần đạt 24.621 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.218 tỷ đồng, lần lượt tăng 30,8% và 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
So với kế hoạch năm 2024 đặt ra là đạt doanh thu thuần 37.148 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.089 tỷ đồng, sau 7 tháng PNJ đã hoàn thành 66,3% kế hoạch doanh thu thuần và 58,3% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm.
Riêng trong tháng 7/2024, ước tính doanh thu của PNJ đạt 2.508 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ và lãi sau thuế 51 tỷ đồng, bằng 58% cùng kỳ.
Xét về cơ cấu doanh thu, hoạt động kinh doanh của PNJ ghi nhận có sự tăng trưởng ở tất cả các kênh.
Trong đó, doanh thu trang sức bán lẻ trong 7 tháng năm 2024 đạt 12.680 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ, đóng góp 51,5% cơ cấu doanh thu. Mức tăng trưởng này chủ yếu nhờ công ty tung ra nhiều bộ sưu tập mới phù hợp thị hiếu khách hàng; đồng thời, triển khai nhiều chiến dịch marketing và chương trình bán hàng hiệu quả, giúp thu hút nhiều khách hàng mới và tăng cường tỉ lệ khách hàng cũ quay lại.
Doanh thu trang sức bán sỉ trong 7 tháng năm 2024 cũng ghi nhận tăng 24,7% lên mức 2.142 tỷ đồng, đóng góp 8,7% trong cơ cấu doanh thu.
Doanh thu vàng 24K trong 7 tháng đạt 9.602 tỷ đồng, chiếm 39% trong doanh thu và tăng 66,8% so với cùng kỳ. Như vậy, trong tháng 7 doanh thu vàng 24K của PNJ chỉ khoảng hơn 400 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của vàng 24K đến hết tháng 7 cho thấy tiếp tục có sự “hạ nhiệt” so với các tháng trước (5 tháng đầu năm tăng 90,9% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 80,8% và 7 tháng chỉ còn tăng 66,8% so với cùng kỳ).
Biên lợi nhuận gộp trung bình trong 7 tháng đầu năm 2024 của công ty giảm nhẹ xuống còn 16,4% (giảm so với mức 18,7% cùng kỳ năm 2023) do sự thay đổi cơ cấu doanh thu của từng mảng kinh doanh. Mảng vàng 24K với biên lợi nhuận không cao đóng góp tỷ trọng lên tới 39% doanh thu, cao so với mức 30,4% cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, với biên lợi nhuận ổn định của kênh sỉ và lẻ, PNJ đã thực hiện các biện pháp tối ưu nguồn lực, nâng cao năng lực vận hành nhằm duy trì biên lợi nhuận gộp trung bình ở mức tích cực.
Tính đến cuối tháng 7, tổng số cửa hàng của PNJ đạt 409 cửa hàng, tăng 4 cửa hàng so với tháng 6. Hệ thống cửa hàng của PNJ đã có mặt tại 57/63 tỉnh thành, bao gồm 400 cửa hàng PNJ, 5 cửa hàng Style by PNJ, 3 cửa hàng CAO Fine Jewellery và 1 trung tâm kinh doanh sỉ. Trong 6 tháng đầu năm, công ty đã mở mới 17 cửa hàng PNJ và đóng 8 cửa hàng.
Có thể thấy, sau tháng 5 và tháng 6 giữ số cửa hàng ổn định ở mức 405 cửa hàng, sang tháng 7 PNJ đã bắt đầu tăng tốc mở thêm các cửa hàng trong bối cảnh một số “ông lớn” bán lẻ khác cũng đang đẩy mạnh việc mở thêm các cửa hàng để đón đầu xu hướng phục hồi mua sắm nửa cuối năm.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán VNDIRECT nhận định, PNJ vẫn có tiềm năng tăng trưởng dài hạn trong bối cảnh thị trường trang sức mở rộng. Theo đó, sự phát triển của tầng lớp trung - thượng lưu cùng với thị trường trang sức Việt Nam dự kiến tăng trưởng kép 4,6% trong giai đoạn 2024-2032 sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu cho hàng xa xỉ.
Chuyên gia của VNDIRECT cho rằng, PNJ có lợi thế tốt để đón đầu xu hướng này nhờ công ty tiếp tục mở thêm 35/30 cửa hàng mới trong năm 2024-2025, đồng thời, đang tiếp tục tăng cường độ nhận diện thương hiệu, cũng như có năng lực vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành về thiết kế, sản xuất và triển khai hoạt động marketing.
Do đó, doanh thu bán lẻ của PNJ được kỳ vọng tăng lần lượt 13,1% và 10,7% so với cùng kỳ trong năm 2024-2025 nhờ số lượng cửa hàng mở mới tăng lần lượt 8,7% và 6,9% so với cùng kỳ, doanh thu trên mỗi cửa hàng tăng 4% mỗi năm.
Dù biên lợi nhuận gộp của công ty giảm trong 6 tháng đầu năm do đóng góp cao hơn từ doanh thu vàng 24K nhưng VNDIRECT dự phóng biên lợi nhuận gộp của PNJ sẽ tăng 1% trong nửa cuối năm so với nửa đầu năm nhờ tỷ trọng doanh thu vàng 24K trên tổng doanh thu giảm do giá vàng nội địa dự kiến duy trì ở mức ổn định dẫn đến nhu cầu giao dịch vàng hạ nhiệt. Thêm vào đó, chi phí nguyên vật liệu trong mảng bán lẻ nửa cuối năm cũng dự kiến sẽ giảm.
Ngoài ra, số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy, dù doanh thu của công ty tăng trưởng mạnh và nhiều hoạt động marketing được triển khai nhưng tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu vẫn giảm 0,7 % so với cùng kỳ, điều này cho thấy doanh nghiệp vẫn đang kiểm soát tốt chi phí hoạt động. VNDIRECT kì vọng PNJ sẽ tiếp tục tối ưu hoá chi phí từ đó hỗ trợ lợi nhuận ròng tăng trưởng ổn định 12,2% và 13,6% trong 2 năm 2024 và 2025.
Với triển vọng tăng trưởng dài hạn, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PNJ vẫn tiếp tục hút dòng tiền và đang giao dịch quanh vùng đỉnh lịch sử. Chốt phiên ngày 23/8, thị giá mã này dừng ở 108.900 đồng/cổ phiếu, tăng gần 12,4% trong vòng 1 tuần qua và tăng 27,4% kể từ đầu năm, đưa vốn hóa của công ty hơn 36.433 tỷ đồng, chỉ kém đôi chút so với mức kỷ lục 36.567 tỷ đồng ghi nhận ở phiên liền trước.