Nhóm cổ phiếu trụ không có ý định đỡ thị trường nên trong phiên chiều các cổ phiếu như GAS (-2,6%), VIC (-2,4%), VHM (-2,2%), VCB (-2%), VRE (-4,7%) đều gặp thêm lực bán bổ sung. Còn chiều ngược lại, vẫn chỉ là GVR (+7%), POW (+2%) tăng giá nhưng gần như bất lực do tỷ trọng vốn hóa không lớn.
Kể cả nhóm Midcap cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ khiến đà tăng chỉ của VNMID chỉ còn 0,16%. Dù vẫn còn DIG, NLG, TCH, HSG, CII… tăng trần nhưng số khác như DCM (-2,86%), FRT (-3,83%), DPM (-2,7%), EIB (-6,96%), DGC (-6,92%) lại triệt tiêu gần hết thành quả chung.
Trạng thái phân hóa gần như là vẫn không khác nhiều so với thời điểm cuối phiên sáng. Lượng tiền tham gia yếu là nguyên nhân hàng đầu. Khối ngoại hôm nay chỉ mua ròng chưa đến 40 tỷ đồng trong khi nhà đầu tư nội cũng không thể kéo giá trị giao dịch của HOSE lên gần mức của phiên thứ Sáu tuần trước. Tổng giá trị giao dịch tới cuối phiên chỉ là hơn 8.700 tỷ đồng.
VN-Index qua đó đã có phiên điều chỉnh đầu tiên sau 3 phiên tăng điểm liên tiếp. Chỉ số giảm 8,68 điểm xuống 960,65 điểm (-0,9%).
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cùng nhau tránh được việc điều chỉnh, lần lượt tăng 0,8% và 0,73%. Giá trị giao dịch của 2 sàn đạt hơn 1.200 tỷ đồng.
****
Nhóm Midcap và Penny vẫn là nhóm khả quan nhất thị trường nhưng biên độ cuối phiên sáng đã có chiều hướng thu hẹp lại. VNMID tăng 0,72% và VNSML tăng 0,84%.
Sự thận trọng này đến từ việc các cổ phiếu VN30 đang phải nhận thêm lực bán ra. Rổ đang chứng kiến số mã giảm nới lên 21 mã so với 7 mã tăng và 2 mã đứng giá tham chiếu. Các mã tăng tốt nhất rổ lúc này đều không phải các trụ cột, đó là GVR (+6,2%), POW (+2,5%).
Độ rộng của cả sàn vì thế cũng đang ghi nhận sự mở rộng hơn của các mã giảm. Phần lớn không giảm sâu nhưng cũng có trường hợp như DGC (-5,83%), KHG (-5,5%), DGW (-3,02%) gặp phải lực bán ra mạnh hơn trong đó DGC còn đang là cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn thứ 3 tại sàn, đạt 195 tỷ đồng.
VN-Index hiện đang bị kéo giảm 4,77 điểm xuống 964,56 điểm (-0,49%). Mức giảm này đang được xem là tương đồng với nhiều chỉ số chứng khoán châu Á: IDX (-0,34%), KLCI (-0,56%), SHCMP (-0,81%).
Thanh khoản hiện đang không đủ lớn để giúp thị trường tiến thêm, chỉ đạt 4.568 tỷ đồng cuối phiên sáng.
Trong khi đó, HNX-Index vẫn duy trì sắc xanh. Tuy nhiên tương tự như VNMID và VNSML, chỉ số này cũng bị thu hẹp biên độ xuống 0,86%, tạm dừng phiên sáng tại 192,51 điểm. Giá trị giao dịch của HNX đang đạt 450 tỷ đồng.
****
Các cổ phiếu VN30 đã hỗ trợ cho thị trường tăng điểm trong tuần đáo hạn phái sinh cũng như vượt qua được áp lực T+ của nguồn cung cổ phiếu bắt đáy. Đây là thời điểm rổ này có thể được chậm lại để đánh giá hiệu quả của tới toàn thị trường chung.
Đầu phiên sáng, VN30 chỉ chủ yếu giằng co ngay dưới mốc tham chiếu và đang có chiều hướng nhường lại sự chú ý cho các cổ phiếu Midcap và Penny. Sắc đỏ tại rổ đang có phần nhỉnh hơn với một số trụ như GAS (-1,3%), VHM (-1,8%), VIC (-0,9%), MSN (-0,6%) đều xuất hiện trong nhóm này. Cặp đôi cổ phiếu NVL, PDR hiện vẫn đang bị chất sàn hàng chục triệu cổ phiếu và theo thống kê sẽ cần khoảng hơn 3.500 tỷ đồng để phe mua có thể triệt tiêu được trạng thái sáng nay.
Nhóm cổ phiếu Midcap và Penny không tỏ ra hoảng loạn với sự chậm lại của VN30 mà thay vào đó là cố gắng tận dụng thời để hồi phục. Các cổ phiếu Bất động sản và Khu công nghiệp đang xuất hiện nhiều trường hợp tăng trần như DIG, NLG, DPG, SZC, HQC với DIG đang là cổ phiếu hút được nhiều tiền nhất thị trường chung.
Nhóm Nông nghiệp, Dệt may, Cảng biển cũng đang có HAG, GIL, HAH tăng trần, PAN tăng trên 5%. Độ rộng đang chứng kiến sắc xanh phủ gần 55% số mã trên sàn. VNMID và VNSML đại diện cho các cổ phiếu Midcap và Penny đều đang tăng trên 1% dù VN-Index chịu tác động của Bluechips.
Tính đến 10h30, VN-Index đang giao dịch tại 970 điểm. Giá trị giao dịch của sàn đang đạt trên 2.700 tỷ đồng nhỉnh hơn so với cùng thời điểm phiên cuối tuần trước khoảng 200 tỷ đồng.
HNX-Index với sự hiện diện của nhiều cổ phiếu Midcap và Penny thậm chí còn không hề bị ảnh hưởng gì, đang tăng lên 193 điểm với biên độ trên 1%.