Định vị thị trường
Chứng khoán châu Á có sự phân hóa nhẹ với một số chỉ số chứng khoán như Nhật Bản, Trung Quốc giảm trong phiên ngày thứ Tư. NIKKEI 225 đang bị chốt lời khá mạnh trong hơn 1 tuần trở lại đây khiến chỉ số đánh mất xu hướng tăng ngắn hạn.
Tuy nhiên, vận động của chứng khoán Nhật Bản không đáng lo ngại khi chỉ số này hiện vẫn tăng 22,42%. Tại các thị trường như Đài Loan và Hàn Quốc, việc bị chốt lời thậm chí còn diễn ra sớm hơn nhưng các phiên gần đây đã có ngay những nỗ lực hồi phục tích cực.
Các chuyển động trên vẫn chỉ mang tính chất tham khảo với thị trường Việt Nam khi đà tăng vẫn chưa bị chặn đứng. Trong 4 phiên liên tiếp, chỉ số vẫn tăng điểm và liên tục phá đỉnh của năm 2023.
Chất xúc tác
Nỗi lo về tỷ giá hiện đã lắng lại với liên tiếp các diễn biến hạ nhiệt. Sáng nay (ngày 12/7), tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.772 VND/USD, tiếp tục giảm mạnh 15 đồng so với phiên liền trước và là phiên giảm mạnh thứ 3 liên tiếp. Cùng với đó, thanh khoản của hệ thống vẫn đang được đảm bảo thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng qua đêm được ghi nhận ở mức 0,24%. Nhờ vậy, tạm thời có thể khá an tâm về câu chuyện dòng tiền nội "bơm" vào nền kinh tế.
Với tiền ngoại, phiên hôm nay là phiên bán ròng thứ 5 liên tiếp với quy mô tương đối lớn. HOSE đã bị rút ròng 440 tỷ đồng còn HNX và UPCoM lần lượt là 12,14 tỷ đồng và 7,57 tỷ đồng. Theo ghi nhận, 3 cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất là STB (-163,25 tỷ đồng), DGC (-94,22 tỷ đồng), VRE (-70 tỷ đồng).
Vận động nhóm ngành
Tiền nội đã đỡ giá khá tốt với 3 cổ phiếu bị khối ngoại rút tiền kể trên. STB (-0,67%) chỉ giảm không đáng kể trong khi DGC tăng 1,65% còn VRE tăng 1,65%.
Xét về đóng góp, VRE còn là 1 trong 5 mã "kiến tạo" nhiều điểm số nhất cho thị trường chung. Các mã còn lại là VHM (+2,23%), VCB (+0,97%), PGV (+6,81%) trong đó PGV bất ngờ tăng trần mạnh mẽ bứt phá khỏi nền giá 25.000 đồng/cổ phiếu để đóng cửa tại 27.450 đồng/cổ phiếu.
Được biết, trong quý 2/2023, giai đoạn nắng nóng gay gắt, các nhà máy nhiệt điện khí và nhiệt than của PGV đã được huy động liên tục với công suất cao.
Nhờ những cổ phiếu lớn kể trên, VN-Index đóng cửa tăng 2,43 điểm lên 1.154,2 điểm. Tổng giá trị giao dịch sàn đạt 16.668 tỷ đồng, tương đương 788 tỷ đồng.
Độ rộng của thị trường phân hóa mạnh hơn với sắc đỏ tỏ ra nhỉnh hơn, đạt 47% toàn sàn. Đây là vẫn là những phản ứng cho thấy nhà đầu tư có quan điểm khác với diễn biến của nhóm Bluechips. Các mã Ngân hàng cũng xuất hiện trong số này với các trường hợp như LPB (-3,09%), CTG (-0,33%), TCB (-0,94%), VPB (-1,26%), MBB (-0,94%), TPB (-0,82%), ACB (-0,68%).
Nhóm Chứng khoán, Cảng biển, Bán lẻ, Nông nghiệp cũng đều có những cổ phiếu điều chỉnh nhẹ như SSI (-0,36%), VND (-1,68%), VIX (-1,3%), HAH (-0,83%), BAF (-1,19%)…
Trên HNX, APS, API, IDJ đã xuất hiện phiên tăng trần tuy nhiên vận động của các cổ phiếu này vẫn chỉ mang tính chất đầu cơ sau giai đoạn liên tục giảm. Những cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất của HNX phần lớn không ghi nhận sắc xanh như CEO (-4,61%), IDC (-1,35%), MBS (-0,49%). Chỉ số HNX-Index chốt phiên giảm 0,15% xuống 228,88 điểm, giao dịch 1.687 tỷ đồng.
Trái lại, UPCoM lại được hỗ trợ từ BSR (+1,1%), QNS (+3%), VTP (+1%), SBS (+6,4%) giúp chỉ số sánh bước cùng VN-Index. UPCoM-Index tăng 0,1% lên 85,91 điểm, giao dịch 914 tỷ đồng.