Định vị thị trường
Hầu hết các chỉ số chứng khoán thế giới đều tăng điểm. Đêm qua, Dow Jones (+0,62%), NASDAQ (+0,18%), S&P 500 (+0,24%) tăng điểm nhẹ. Nỗi lo của nhà đầu tư tại nền kinh tế lớn nhất thế giới về tăng lãi suất nhiều khả năng được phản ánh hết vào các diễn biến điều chỉnh nhẹ gần đây. Lúc này, quan điểm trong dài hạn vẫn đang nghiêng về việc FED không còn dư địa để có thể tiếp tục tăng lãi suất khi số liệu về thị trường lao động đang suy yếu.
Thay vào đó, kỳ vọng Trung Quốc có thể có những biện pháp kích thích kinh tế đang xuất hiện. Điều này đã giúp hàng loạt các chỉ số chứng khoán châu Á bao gồm cả Việt Nam tăng điểm. Xét trên tương quan, biên độ của VN-Index hẹp hơn so với các thị trường Đài Loan và Hàn Quốc nhưng mấu chốt là kết phiên, chỉ số vẫn liên tục phá đỉnh 10 tháng.
Chất xúc tác
Thông tin về Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 giao toàn hệ thống khoảng 14% đã được nhà đầu tư truyền tay nhau từ chiều qua. Hiệu ứng tâm lý đủ tích cực để cho HOSE tiếp tục có phiên thanh khoản cao, vượt trên bình quân 20 phiên. Như vậy, 3/4 phiên giao dịch gần nhất, HOSE đều đã vượt mức bình quân 20 phiên.
Trong bối cảnh nhà đầu tư ngoại hiện đã chuyển hẳn sang bán ròng từ đầu năm với giá trị ròng là -405 triệu đồng thì vai trò của tiền nội sẽ càng quan trọng. Theo thống kê, HOSE phiên hôm nay bị rút 126,83 tỷ đồng còn HNX nhận được 59,3 tỷ đồng.
Vận động nhóm ngành
Với thông tin hậu thuẫn tích cực, nhóm Ngân hàng hầu như đều cùng nhìn về một hướng. MBB (+2,2%), MSB (+2%), CTG (+2%), HDB (+1,4%) là những mã tăng giá tích cực trong đó lãnh đạo của HDB gần đây cho biết Ngân hàng vẫn đang bám sát các chỉ tiêu kế hoạch được đề ra.
Một số cổ phiếu Ngân hàng khác như BID (-0,9%), VPB (-0,7%), LPB (-0,6%) dù giảm giá nhưng thực tế biên độ lại khá hẹp. BID đã đóng góp mạnh cho thị trường ngày hôm qua nên những phản ứng của phiên hôm nay cũng mang tính chất cân bằng lại chuỗi vận động.
Tại rổ VN30, ngoài Ngân hàng, các mã MWG (+2,2%), SSI (+2%), MSN (+1,7%), VRE (+1,3%), GVR (+1,2%), VNM (+1%) đều có sự chia sẻ trách nhiệm giúp thị trường có lực đẩy đi tiếp. Sắc xanh tại VN30 chiếm 16/30 mã.
Còn với cả thị trường độ rộng là 49% mã tăng giá. Tâm lý trở nên phân hóa hơn khi xuất hiện khá nhiều mã giảm giá 1-2% như VCG (-1,13%), DXG (-1,32%), HAH (-1,53%), LCG (-1,08%), KSB (-1,12%), DGC (-1,77%), DIG (-1,4%), GEX (-1,3%)…
Chỉ có một số cổ phiếu như HAG (+6,83%), DBC (+5,76%) có diễn biến tăng mạnh hơn mặt bằng chung. Điều này cho thấy, khi thị trường càng tiến lên cao, tâm lý cũng đang trở nên thận trọng hơn.
Dù vậy, với một trạng thái thanh khoản cao hơn 19.000 tỷ đồng, thị trường rõ ràng vẫn đang có sự dồi dào về dòng tiền. VN-Index chốt phiên tăng 2,75 điểm lên 1.151 điểm với tổng giá trị giao dịch đạt 19.137 tỷ đồng.
HNX-Index và UPCoM-Index chốt phiên tăng lần lượt 0,37% và 0,69%. Tổng giá trị giao dịch của 2 sàn đạt hơn 5.900 tỷ đồng trong đó PGB có thỏa thuận hơn 2.000 tỷ đồng trên UPCoM. Chốt phiên, PGB cũng tăng gần kịch biên độ 15% trên UPCoM.