PC1, cổ phiếu luôn thận trọng trước xu hướng tăng dài hạn
Tuần vừa qua, PC1 gần như đi ngang cùng thị trường khi giảm 0,89%. Trong khi đó chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,75%.
Xét trên khung thời gian trên, PC1 không quá nổi bật tuy nhiên nhà đầu tư đã nắm giữ PC1 từ đầu năm đến nay có lẽ sẽ không mấy bận tâm tới diễn biến trong ngắn hạn.
Thực tế, PC1 tính đến trước phiên 20/3 đã tăng gần 35%, vượt xa mức tăng của chỉ số VN-Index, chỉ tăng 1,6%. Nếu như VN-Index vẫn đang chật vật đi tìm xu hướng thì PC1 có trạng thái tích cực cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.
Kể từ giữa tháng 2/2023 cho đến nay, cổ phiếu đã vượt lên trên đường MA20 lẫn MA200 và cho đến nay vẫn đang duy trì trạng thái này.
Vận động tích lũy của PC1 có thể sẽ vẫn duy trì bởi trong quá khứ cổ phiếu thường khá "cẩn thận" với khu vực đường MA200 như giai đoạn nửa đầu năm 2019, giữa năm 2020 hay giai đoạn trước cú rơi của thị trường chung vào quý 3/2022.
Nhà đầu tư hoàn toàn có thể đặt PC1 vào tầm ngắm trong giai đoạn tới khi cổ phiếu vẫn giữ được nền giá. Sự kiên nhẫn sẽ là tố chất quan trọng nhất trong việc kiếm lợi nhuận với PC1. Một cú hích về dòng tiền thể hiện qua thanh khoản tăng đột biến trong một vài phiên sẽ là tín hiệu của đợt tăng mới.
Lợi nhuận có thể tăng hơn 90% trong năm 2023
PC1 duy trì vị thế hàng đầu trong lĩnh vực xây lắp điện tại Việt Nam, top 5 khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực tổng thầu EPC dự án xây dựng lưới điện và dự án đầu tư năng lượng tái tạo (NLTT). Công ty hiện có 26 công ty con và 2 công ty liên kết giúp PC1 có năng lực triển khai nhiều dự án cùng lúc.
Quý 4/2022, doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt đạt 2.338 tỷ đồng và 187 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 8,2% và 29%. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 19% lên 21,7% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp mảng xây lắp và thiết bị điện tăng 5%.
Trong khi đó, doanh thu hoạt động xây lắp và thiết bị điện đạt 1.454 tỷ đồng, tăng 35% còn doanh thu bán điện đạt 551 tỷ đồng, tăng 29%. Cùng với đó, doanh thu tài chính tăng 156%, do lợi nhuận từ tiền gửi ngân hàng tăng 137%.
Theo cơ chế mới của Quyết định 21/QĐ-BCT về khung giá điện cho điện mặt trời và điện gió chuyển tiếp, ghi nhận mức giảm 16-28% so với giá FIT ưu đãi trước đây. PC1 đã vận hành 3 dự án điện gió Liên Lập, Phong Huy, Phong Nguyên với tổng công suất 144 MW đúng hạn hưởng giá FIT ưu đãi ở mức 8,5 cents/kWh cao hơn 17,7% so với khung giá mới. Theo đánh giá của CTCK Mirae Asset (MAS), đây là nguyên nhân giúp doanh nghiệp sẽ có hiệu quả đầu tư tốt hơn.
Ngoài ra, theo dự thảo quy hoạch điện VIII, điện gió là nguồn ưu tiên phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng hàng năm ước đạt 29,1%/năm trong giai đoạn 2020 - 2035 và 7,5%/năm trong giai đoạn 2035 - 2050 là động lực tăng trưởng cho ngành NLTT.
Mục tiêu phát triển khoảng 16.121 MW điện gió trên bờ và gần bờ, khoảng 7.000MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Tỷ trọng điện gió chiếm khoảng 15,8% tổng công suất hệ thống, trong đó điện gió ngoài khơi là 4,8%.
PC1 đã đặt mục tiêu đến năm 2025, vận hành hiệu quả 350 MW NLTT, lũy kế điện thương phẩm đạt 7 tỷ kWh.
Đồng hành với mảng năng lượng, dự án khai thác, chế biến khoáng sản Niken - Đồng của PC1 với quy mô công suất 600.000 tấn/năm cũng đang có triển vọng khả quan. Dự báo, dự án sẽ vận hành thương mại và đóng góp doanh thu từ quý 1/2023, hưởng lợi khi giá Niken vẫn đang neo ở mức cao (30.740 USD/ tấn vào tháng 1/2023).
Về mảng bất động sản, MAS cho rằng các dự án chậm tiến độ kế hoạch 2022 (PC1 Gia Lâm, PC1 Định Công) có thể bắt đầu đóng góp doanh thu vào năm 2023, với quy mô doanh thu dự kiến trên 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án khu công nghiệp Yên Phong 2A với tổng diện tích quy hoạch là 155 ha, có thể cho thuê trong năm 2023, với mức giá thuê trung bình đạt 130 USD/m2/chu kỳ thuê.
Năm 2023, MAS dự phóng doanh thu và lãi ròng đạt 11.179 và 864 tỷ đồng, tăng 34% và 92% so với cùng kỳ. EPS dự phóng cho năm 2023 ước đạt 3.185 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E ở mức 8,6 lần.