Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến ngày công bố thông tin 30/8, có 43 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 37.995 tỷ đồng và 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11.000 tỷ đồng trong tháng 8/2024.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, có 227 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 215.583 tỷ đồng và 13 đợt phát hành ra công chúng trị giá 22.773 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu do nhóm ngân hàng phát hành chiếm hơn 72%, tiếp đến là bất động sản với gần 19%.
Cũng trong tháng 8, các doanh nghiệp đã mua lại 11.023 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo ước tính của VBMA, trong những tháng còn lại của năm nay sẽ có khoảng 105.945 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 43.352 tỷ đồng, tương đương 40,9%.
Về tình hình công bố thông tin bất thường, có 10 mã trái phiếu chậm trả lãi tổng giá trị 197,5 tỷ đồng và 1 mã trái phiếu chậm trả gốc 998 tỷ đồng.
Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 8 đạt 72.740 tỷ đồng, bình quân đạt 3.294 tỷ đồng/phiên, giảm 10,3% so với bình quân tháng 7.
Về kế hoạch phát hành sắp tới, HĐQT Tổng CTCP Phát triển Đô Thị Kinh Bắc (mã KBC) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý III với tổng giá trị tối đa 1.000 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn 2 năm với lãi suất cố định 10,5%/năm.
Bên cạnh đó, HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (mã ACB) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ được chia làm 15 đợt trong năm 2024. Đây là lại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không sài sản đảm bảo với giá trị tối đa 15.000 tỷ đồng. Mệnh giá 100 triệu đồng/ trái phiếu, kỳ hạn tối đa 5 năm.
Trong báo cáo gần đây, MBS Research dự báo hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi động hơn trong quý IV/2024, khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp phục hồi, thị trường bất động sản bắt đầu ấm dần, nhu cầu mở rộng sản xuất - kinh doanh đang tích cực theo đà phục hồi của nền kinh tế. Đồng thời, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh phát hành vốn cấp 2 nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay được dự báo dần tăng trưởng.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 16/8 tăng 6,25% so với cuối năm 2023. Trong khi đó, đến hết tháng 7/2024, tổng dư nợ toàn nền kinh tế tăng 5,66%, thấp hơn con số ghi nhận vào cuối tháng 6 là 6,1%. Tín dụng dự báo tăng tốc trong những tháng cuối năm 2024. Vì thế, các nhà băng tăng cường phát hành trái phiếu với lãi suất cao để thu hút nguồn vốn.
FiinRatings cũng dự báo, khối ngân hàng tiếp tục tăng phát hành trái phiếu trong thời gian còn lại của năm, nhằm có thêm vốn trung, dài hạn khi tăng trưởng tín dụng dần khởi sắc.
Theo cập nhật của công ty xếp hạng tín nhiệm này, nhiều ngân hàng đã thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu như Agribank đã thông qua kế hoạch phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu vào đầu tháng 10/2024; BVBank thông qua phát hành 3 mã trái phiếu gồm 1.500 tỷ đồng vào ngày 10/9/2024, 700 tỷ đồng vào ngày 31/10/2024 và 400 tỷ đồng vào 31/1/2025.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng dự kiến phát hành trong các tháng còn lại của năm 2024 như: LPBank (6.000 tỷ đồng), ACB (15.000 tỷ đồng), SHB (5.000 tỷ đồng), BIDV (4.000 tỷ đồng)…