Chủ tịch HĐQT NAPAS cho biết, trong năm qua, công ty đã phối hợp với các tổ chức thành viên và đối tác thúc đẩy phát triển hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, cung cấp các dịch vụ chuyển mạch tài chính trong nước và quốc tế thông qua thẻ, tài khoản, mã QR, ví điện tử, mobile money; mở rộng thành viên kết nối hệ thống chuyển mạch bù trừ, kết nối thanh toán xuyên biên giới...
Theo đó, tổng số lượng giao dịch của hệ thống NAPAS tăng hơn 52% và tổng giá trị giao dịch tăng hơn 12% so với năm 2022. Riêng giao dịch trên ATM tiếp tục giảm 16,9% về số lượng giao dịch và 19,5% về giá trị giao dịch, đến nay tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 3,6% tổng giao dịch qua hệ thống NAPAS.
Con số trên phản ánh rõ nét nhu cầu rút tiền mặt của người dân ngày càng giảm và được thay thế bởi các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn như chuyển tiền nhanh NAPAS 247, thanh toán quét mã QR.
Lãnh đạo NAPAS cho biết, trong các dịp cao điểm như cuối năm, cận Tết Nguyên đán, NAPAS luôn chuẩn bị kế hoạch về hệ thống và nguồn lực; xây dựng phương án, kịch bản ứng cứu sự cố và dự phòng cho các hệ thống thông tin quan trọng; tăng cường nhân sự liên tục trực 24/7 để sẵn sàng hỗ trợ các ngân hàng, trung gian thanh toán và doanh nghiệp.
“Trong năm 2023, chúng tôi đã tích hợp, triển khai mở rộng thanh toán dịch vụ công với 71 Bộ ngành/địa phương và 44 tổ chức phát hành là các ngân hàng, công ty tài chính. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chính thức triển khai dịch vụ thanh toán quét mã QR liên thông giữa Việt Nam – Campuchia, qua đó tiếp tục mở rộng phạm vi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán của Việt Nam ra nước ngoài”, lãnh đạo NAPAS thông tin.
Theo đại diện của NAPAS, đơn vị này đang tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, đặc biệt là tập trung vào các giao dịch thanh toán nhỏ lẻ (dưới 1 triệu đồng), thanh toán dịch vụ công. Tổng phí đã giảm trong năm 2023 ước đạt 757 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ giao dịch miễn phí qua hệ thống chuyển mạch chiếm gần 65% tổng giao dịch xử lý của hệ thống NAPAS.