Mới đây, BVBank thông báo chào bán trái phiếu ra công chúng (đợt một) đến 12h ngày 10/9 bằng phương thức phát hành trực tiếp, lãi suất 7,9%/năm. Tổng số lượng trái phiếu chào bán là 56 triệu, được chia thành 6 đợt. Trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng; số lượng đăng ký mua tối thiểu 100 trái phiếu đối với nhà đầu tư cá nhân và 1.000 với nhà đầu tư tổ chức.
Tương tự, HDBank phát hành lô trái phiếu ra công chúng có kỳ hạn 7 năm, lãi suất được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm biên độ 2,8%/năm, tổng khoảng 7,5%/năm.
Trước đó, ACB cũng công bố thông tin kết quả phát hành trái phiếu đợt 1 lần 2 năm 2024. Theo đó, ACB đã phát hành ra thị trường mã trái phiếu ACBL2426008 có tổng giá trị 1.500 tỷ đồng.
Mã trái phiếu trên được phát hành ngày 22/8/2024, kỳ hạn 2 năm, dự kiến đáo hạn ngày 22/8/2026. Lãi suất phát hành 5,5%/năm.
Trong ngày 23/8, Ngân hàng LPBank cũng đã phát hành ra thị trường lô trái phiếu LPBL2431001 có tổng mệnh giá 400 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm, dự kiến đáo hạn năm 2031. Lãi suất phát hành 7,58%/năm.
Ngân hàng TPBank cũng huy động 2 lô trái phiếu TPBL2434009 và TPBL2427010 với giá trị lần lượt là 384 tỷ đồng và 2.000 tỷ đồng. Mã trái phiếu TPBL2434009 phát hành ngày 23/8, kỳ hạn 10 năm, dự kiến tới năm 2034 mới đáo hạn. Lãi suất phát hành 6,68%/năm.
Lô TPBL2427010 phát hành ngày 26/8, kỳ hạn 3 năm, dự kiến đáo hạn năm 2027. Lãi suất phát hành 5,1%/năm.
Ngoài ra, VIB cũng thông báo phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu VIBL2427003 vào ngày 28/8. Lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, dự kiến đáo hạn năm 2027. Lãi suất phát hành 5,2%/năm.
Cùng ngày, Ngân hàng OCB thông báo phát hành 600 tỷ đồng mã trái phiếu OCBL2427012, kỳ hạn 3 năm, dự kiến đáo hạn năm 2027. Lãi suất phát hành 5,5%/năm.
OCB là một trong những ngân hàng tích cực huy động vốn từ kênh trái phiếu nhất trong năm 2024 tính đến thời điểm hiện tại.
Trong vòng từ tháng 6 đến tháng 8/2024, ngân hàng này đã phát hành ra thị trường tổng cộng 13 lô trái phiếu với tổng giá trị 13.400 tỷ đồng. Chỉ trong vòng tháng 8/2024, OCB đã huy động thành công 6 lô trái phiếu với tổng giá trị 6.600 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng quốc doanh cũng tăng cường phát hành trái phiếu. Đầu tháng 8/2024, BIDV phát hành thành công hai lô trái phiếu 6 năm và 8 năm, tổng giá trị 2.500 tỷ đồng, đều là trái phiếu không có tài sản đảm bảo và lãi suất cho kỳ đầu tiên lần lượt là 5,58%/năm và 5,88%/năm. Agribank chào bán 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2024 với lãi suất tham chiếu cộng 2%/năm, tổng là gần 7%/năm.
Thống kê của MBS Research cho thấy, lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 220.800 tỷ đồng, tăng 50,4% so cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân trong 8 tháng đầu năm ước khoảng 7%, thấp hơn so với mức trung bình 8,3% của năm 2023. Ngân hàng vẫn là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 159.200 tỷ đồng, tăng 163% so với cùng kỳ, chiếm 72% tổng giá trị trái phiếu phát hành, lãi suất bình quân 5,5%/năm, kỳ hạn bình quân 4,3 năm.
Theo dự báo của MBS Research, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi động hơn trong quý IV/2024, khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp phục hồi, thị trường bất động sản bắt đầu ấm dần, nhu cầu mở rộng sản xuất - kinh doanh đang tích cực theo đà phục hồi của nền kinh tế. Đồng thời, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh phát hành vốn cấp 2 nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay được dự báo dần tăng trưởng.
NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 16/8 tăng 6,25% so với cuối năm 2023. Trong khi đó, đến hết tháng 7/2024, tổng dư nợ toàn nền kinh tế tăng 5,66%, thấp hơn con số ghi nhận vào cuối tháng 6 là 6,1%. Tín dụng dự báo tăng tốc trong những tháng cuối năm 2024. Vì thế, các nhà băng tăng cường phát hành trái phiếu với lãi suất cao để thu hút nguồn vốn.
Theo Công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Rating, các ngân hàng thương mại phát hành trái phiếu tăng trở lại để bổ sung vốn cấp 2 (vốn bổ sung), đáp ứng các quy định về an toàn vốn của NHNN.
Từ cuối năm ngoái, các nhà băng phải giảm tỷ lệ tối đa dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn về 30%, cho vay trên tổng vốn huy động dưới 85%... Trong khi đó, huy động tiền gửi chậm lại do mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp. Vì thế, nhiều ngân hàng phải xoay qua kênh trái phiếu để bổ sung cơ cấu vốn trung, dài hạn và dùng nguồn lực này tài trợ các dự án.
FiinRatings cũng dự báo, khối ngân hàng tiếp tục tăng phát hành trái phiếu trong thời gian còn lại của năm, nhằm có thêm vốn trung, dài hạn khi tăng trưởng tín dụng dần khởi sắc. Theo cập nhật của công ty xếp hạng tín nhiệm này, nhiều nhà băng đã đăng ký hoặc dự kiến phát hành trái phiếu từ nay tới cuối năm, như LPBank khoảng 6.000 tỷ đồng, ACB 15.000 tỷ đồng, SHB 5.000 tỷ đồng và BIDV là 4.000 tỷ đồng.