Định vị thị trường
VN-Index có phiên hồi phục thứ 2 liên tiếp nhưng lại không đồng điệu với trạng thái của các thị trường châu Á. NIKKEI 225 (-1,21%), CSI 300 (-0,73%), KOSPI (-0,79%), TWSE (-1,2%) đều giảm trong phiên đầu tuần.
Với trạng thái của phiên hôm nay, khoảng cách giữa thị trường Việt Nam và Nhật Bản không còn đáng kể. Hiện NIKKEI 225 đã tăng 22,94% từ đầu năm trong khi VN-Index là 22,81%.
Chất xúc tác
Hoạt động liên ngân hàng vẫn chưa có bất kỳ sự xáo trộn nào khi lãi suất qua đêm và giá trị giao dịch qua đêm đều không ghi nhận biến động mạnh. Giá trị giao dịch liên ngân hàng bình quân qua đêm trong tuần qua còn giảm 14% xuống 187.961 tỷ đồng trong khi đó lãi suất liên ngân hàng qua đêm bình quân giữ ở mức 0,21%.
Dù vậy, vẫn cần phải chú ý tới những vận động của tỷ giá. Trong sáng nay (14/8), tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.848 VND/USD, tăng 11 đồng so với phiên liền trước.
Bên cạnh quan điểm khá thận trọng về tỷ giá của một số công ty chứng khoán đại diện cho bên bán (Sell Side) thì cũng đã xuất hiện những quan điểm đáng lưu ý từ phía bên mua (Buy Side). Cụ thể, quỹ The Ballad Fund gần đây cho biết, tỷ giá đang âm thầm nhích tăng, tiến về mốc 24.000 đồng/USD. Tỷ giá nếu tăng mạnh sẽ gây áp lực lên thị trường chứng khoán khi Ngân hàng Nhà nước sẽ cần cân đối lãi suất ngắn hạn để tạo sự hấp dẫn của VND. Thị trường chứng khoán khi ở nền định giá không rẻ sẽ dễ phản ứng không tích cực với những thông tin bất lợi/đảo chiều của lãi suất.
Vận động nhóm ngành
Thị trường sau 2 tuần dựa vào lực đẩy của VIC sẽ càng phải thể hiện được bản lĩnh khi cổ phiếu này có thể sẽ bước vào giai đoạn chững lại.
Cú nhúng ngay đầu phiên sáng nay của chỉ số VN-Index có nguyên nhân lớn từ việc VIC cũng phải chịu rung lắc. Tuy nhiên, sau đó, sắc xanh đã được khôi phục trở lại khi VIC được kéo lên. Mức giá cao nhất của VIC ghi nhận là 75.400 đồng/cổ phiếu, được thiết lập vào cuối phiên sáng nay. Sang tới phiên chiều, lực mua lại có phần suy yếu khiến VIC đóng cửa tại 73.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 1%.
Một số cổ phiếu lớn như SSI (+3,6%), GVR (+2,1%), BID (+1,9%), MWG (+1,7%), HPG (+1,6%) cũng phải tham gia hỗ trợ thị trường để giữ cho VIC không bị "quá tải". Nhờ đó, VN30 (+0,21%) đã đóng cửa tăng 0,21%.
Hiệu ứng tâm lý từ việc có những cổ phiếu lớn chia sẻ trọng trách với VIC cũng tốt hơn. Độ rộng của HOSE đã đạt 59% mã tăng giá.
Tại nhóm Chứng khoán, VND (+6,7%) đã có nỗ lực bứt phá khỏi nền giá, kéo theo hàng loạt mã như HCM (+3,9%), VCI (+3,8%), AGR (+3,1%), VIX (+4,9%), CTS (+2,5%). Ngoài câu chuyện về kỳ vọng đợt tăng vốn cuối năm của VND, thanh khoản của HOSE hồi phục phiên thứ 2 liên tiếp cũng là nguyên nhân quan trọng. Tổng giá trị giao dịch của sàn đạt 23.544 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ đơn vị.
Các cổ phiếu ngành Bất động sản cũng chưa phải đối diện với kịch bản điều chỉnh khi vẫn có hàng loạt mã tăng tốt ngay đầu tuần như TCH (+6,69%), HHS (+6,94%), LGL (+7%), CII (+6,95%), NBB (+6,4%), LIG (+4,9%), LDG (+4,4%), DIG (+3,8%), VPH (+3,5%)…
Tại nhóm Thép, NKG (+4,1%), HSG (+1,3%), POM (+1,2%) cũng duy trì được sắc xanh. Chỉ số VN-Index chốt phiên với mức tăng 0,38% lên 1.236,84 điểm.
Trên HNX, L14 (+9,9%), CEO (+9,8%), HUT (+7,5%), SHS (+5%), MBS (+4,4%), BVS (+3,5%) có những nỗ lực bứt phá đáng chú ý. HNX-Index tỏ ra vượt trội so với 2 chỉ số còn lại khi tăng 2,12% lên 250,44 điểm. Tổng giá trị giao dịch sàn đạt 2.412 tỷ đồng.
Mức tăng của chỉ số UPCoM-Index khiêm tốn nhất khi chỉ đạt 0,19%. Giá trị giao dịch của sàn đạt 1.175 tỷ đồng.