Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam năm 2022 đạt hơn 20 tỷ USD, chiếm 6% GDP, dự báo tăng đến 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD năm 2030. Với mức tăng trưởng nhanh trong sản xuất dược phẩm nội địa, Việt Nam cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất khẩu dược phẩm và trở thành trung tâm dược phẩm, y tế của khu vực.
Trong đó, riêng về thị trường dược phẩm, Việt Nam đang trên đà tăng trưởng với tổng giá trị từ 3,4 tỷ USD năm 2015 lên đến gần 7 tỷ USD năm 2022. Dự báo đến năm 2030, tổng giá trị thị trường thuốc của Việt Nam sẽ lên đến trên 13 tỷ USD, tiền thuốc bình quân đầu người năm 2022 đạt khoảng 75 USD.
Với tiềm năng và đà tăng trưởng như vậy, kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp nhóm ngành dược phẩm đều ghi nhận mức tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây, nhất là sau đại dịch COVID-19.
Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định lợi nhuận ròng quý II/2023 toàn thị trường sẽ giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngành công nghệ thông tin và dược phẩm sẽ là điểm sáng trong quý II/2023 với mức tăng trưởng dự báo bền bỉ từ 20%-25% so với quý II/2022, dẫn dắt bởi FPT, DHG, DBD, IMP.
Thực tế, kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp ngành dược đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023 cũng cho thấy một bức tranh khá sáng màu về lợi nhuận của nhóm ngành này.
Trong số các doanh nghiệp dược phẩm có lợi nhuận quý II/2023 tăng trưởng ấn tượng, Dược Hậu Giang (mã DHG) tiếp tục dẫn đầu với doanh thu 1.153 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt hơn 263 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ nhưng sụt giảm hơn 27% so với mức lợi nhuận cao kỷ lục của doanh nghiệp này đạt được trong quý I/2023.
Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân lợi nhuận tăng trưởng là do trong quý II, công ty tiếp tục tập trung kinh doanh các sản phẩm chiến lược, chủ lực; hệ thống phân phối ngày càng được tổ chức chặt chẽ và kết nối với khách hàng.
Lũy kế 6 tháng, Dược Hậu Giang thu về 2.381 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 680 tỷ và 624 tỷ, tương ứng tăng 24% và 27% so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty hoàn thành 47,6% kế hoạch doanh thu và 60% kế hoạch lợi nhuận trước thuế đề ra cho năm 2023.
Cũng là một trong những doanh nghiệp dược ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý II, Dược phẩm Imexpharm (mã IMP) cho biết, trong kỳ nhờ tiếp tục mở rộng thị trường nên doanh thu thuần của công ty tăng 24% so với cùng kỳ, lên 440 tỷ đồng. Công ty cũng cơ cấu lại danh mục sản phẩm bán ra, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có giá trị và lợi nhuận biên cao nên lợi nhuận gộp tăng 37% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 39,8% lên 43,9%.
Kết quả công ty báo lãi sau thuế quý II/2023 đạt 79,7 tỷ đồng, tăng 71% so với quý II/2022. Đây cũng là mức lợi nhuận ròng theo quý cao kỷ lục của công ty.
Sau 6 tháng đầu năm, Imexpharm đạt 925 tỷ đồng doanh thu, tăng 37,6% so với cùng kỳ, 199 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 158 tỷ đồng LNST, tăng lần lượt và 58,8% so với cùng kỳ năm 2022. So với kế hoạch cả năm, công ty đã thực hiện được 57% chỉ tiêu doanh thu và 65% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.
Tương tự, trong quý II, nhờ doanh thu thuần tăng 35,5% so với cùng kỳ, lên 547 tỷ đồng, trong khi giá vốn tăng chậm hơn, biên lợi nhuận gộp của Dược phẩm Hà Tây (mã DHT) cải thiện nhẹ từ mức 9,7% lên 10,2%. Dù các chi phí đều tăng đáng kể so với cùng kỳ nhưng công ty vẫn có lãi sau thuế 26 tỷ đồng, tăng gần 32% so với quý II năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu của Dược phẩm Hà Tây đạt 1.046 tỷ đồng và LNST đạt 53 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và 35,5% so với cùng kỳ.
Quý vừa qua cũng là quý khởi sắc với Dược phẩm Trung ương CPC1 (mã DP1) với doanh thu đạt 500 tỷ đồng, giảm 7,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm nên công ty vẫn ghi nhận lãi gộp 81 tỷ đồng, tăng 14% so với quý II năm ngoái. Dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng nhưng chi phí tài chính lại giảm nên kết quả, công ty vẫn báo lãi sau thuế tăng 66% so với cùng kỳ, đạt 17,9 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, DP1 ghi nhận doanh thu 994 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ và lãi sau thuế hơn 50 tỷ đồng, gấp gần 2,3 lần cùng kỳ.
Một doanh nghiệp nữa có mức tăng trưởng lợi nhuận khá trong quý II/2023 là Dược phẩm Trung ương 3 (DP3) với LNST đạt 31,6 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Trong kỳ, dù doanh thu giảm 19,3% so với cùng kỳ nhưng nhờ doanh thu tài chính tăng gấp đôi và chi phí bán hàng, chi phí quản lý giảm mạnh, trong khi chi phí tài chính không đáng kể nên LNST của công ty vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu của công ty sụt giảm hơn 12% so với cùng kỳ, xuống 226 tỷ đồng, trong khi LNST tăng 7,7%, đạt gần 56 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, có một số doanh nghiệp ngành dược ghi nhận lợi nhuận quý II "thụt lùi" so với cùng kỳ nhưng mức giảm không đáng kể. Trong đó, Xuất nhập khẩu y tế Domesco (mã DMC) báo lãi sau thuế quý II đạt 47,7 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,9% so với cùng kỳ. Dược phẩm Agimexpharm (AGP) báo lãi sau thuế quý II đạt 10 tỷ đồng, giảm 5%.
Đến hiện tại, Hóa - Dược phẩm Mekophar (mã MKP) là doanh nghiệp duy nhất trong ngành dược báo lợi nhuận quý II tăng trưởng âm với mức lỗ sau thuế 104 triệu đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi dù mức lãi chỉ 763 triệu đồng. Quý đầu năm, hoạt động kinh doanh của Mekophar cũng khá ảm đạm với LNST vỏn vẹn 4,5 tỷ đồng. Kết quả, 6 tháng đầu năm lãi sau thuế của công ty đạt 4,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 23,2 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.