Hoạt động ngân hàng Việt Nam năm 20223 trải qua nhiều sóng gió hơn là thuận lợi, với nhiều biến động lớn từ bên ngoài và trên một số thị trường trong nước.
Trong bối cảnh đó, bức tranh ngành ngân hàng Việt Nam cũng đã dần định hình qua những con số lần lượt được công bố và cập nhật gần nhất.
13,71% là tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến hết tháng 12/2023, với tổng dư nợ nền kinh tế đạt khoảng hơn 13,6 triệu tỷ đồng.
13,5 triệu tỷ đồng là lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế tính đến cuối năm 2023. Đây là là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.
3,56% là tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống cập nhật đến cuối tháng 7/2023, tương đương với con số tuyệt đối hơn 440 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên đã bao gồm cả 5 nhà băng đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt là SCB, Dong A Bank, CBBank, OceanBank và GPBank.
Nếu loại trừ 5 ngân hàng này ra, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các nhà băng ở mức 1,92%.
Còn nếu tính nợ xấu nội bảng cộng thêm các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng (gồm các khoản được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...), tỷ lệ này theo Ngân hàng Nhà nước, chiếm 6,16% (tương đương 768.000 tỷ đồng) so với tổng dư nợ tín dụng.
2,9% là mức tăng của tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng vào cuối năm 2023 so với cùng kỳ 2022. Đây là mức tương đối ổn định trong bối cảnh hàng loạt đồng tiền trên thế giới biến động rất mạnh năm qua. Tỷ giá USD/VND cao điểm trong năm có lúc tăng trên 4%.
4 là số lần giảm các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm nay, với mức giảm từ 50 đến 200 điểm cơ bản.
Động thái trên của Nhà điều hành diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất và neo ở mức cao nhằm kiềm chế lạm phát. NHNN cũng là một trong những NHTW đầu tiên trên thế giới điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.
Đến nay, lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay của các giao dịch phát sinh mới của NHTM giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022.
873 tỷ đồng là số tiền hỗ trợ lãi suất nằm trong gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ mà các ngân hàng thương mại đã thực hiện được tính đến cuối tháng 10/2023. Đây là con số rất khiêm tốn khi mới chỉ thực hiện được khoảng 2% trong kế hoạch hỗ trợ 40 nghìn tỷ đồng mà Chính phủ đã đề ra.
428 tỷ đồng là tổng số tiền các NHTM đã giải ngân cho 6 dự án thuộc chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư. Ngoài ra, các NHTM đã cam kết cấp tín dụng cho 12 dự án với số tiền cam kết là khoảng 5.000 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân giải ngân gói 120 nghìn tỷ đồng còn chậm, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng do nguồn cung nhà thuộc đối tượng hạn chế. NHNN đã kiến nghị UBND các tỉnh sớm công bố các dự án thuộc chương trình để các ngân hàng triển khai và phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh thực hiện.
Bên cạnh đó, điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội còn bất cập, như quy định về thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân, chưa có nhà ở... Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, gói vay này thực hiện 10 năm, trong khi cho vay bất động sản thường kéo dài và giải ngân theo thời gian, nên đạt thấp.
171.083 tỷ đồng là tổng giá trị nợ gốc và lãi được TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ sau gần 8 tháng triển khai Thông tư 02 (từ ngày 24/4/2023 đến 30/11/2023), với 175.581 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
3,26% là mức tăng của tổng tài sản của các tổ chức tín dụng tính đến 31/10/2022 so với cuối năm 2022, tổng quy mô theo đó đã đạt gần 18,9 triệu tỷ đồng.
Trong đó, tổng tài sản có của khối NHTM nhà nước (gồm AgriBank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, Ngân hàng Xây dựng, Dầu khí Toàn cầu, ngân hàng Đại Dương) tăng 1,67% so với cuối năm trước, lên 7,8 triệu tỷ đồng, chiếm 41,4% tổng tài sản của toàn hệ thống.
Trong khi đó, tổng tài sản của khối ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) tăng 4,34% trong 10 tháng, đạt 8,34 triệu tỷ đồng, chiếm 44,2% tổng tài sản toàn hệ thống.
11,82% là tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của nhóm ngân hàng áp dụng Thông tư 41 tính đến 31/10/2023, trong đó, CAR của nhóm NHTMNN là 9,56% và của NHTMCP là 12,13%.
28,17% là tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống tính đến cuối tháng 10/2023. Con số này còn cách khá xa so với mức “kịch khung” 30% khi chiếu theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN, trong đó, quy định từ ngày 1/10/2023, các ngân hàng sẽ phải giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 30% thay vì 34% như trước đó.
Tuy nhiên, tỷ lệ trên ở mức thấp do tính bình quân với tham số kéo xuống bởi nhóm ngân hàng nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài do nhóm này không dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Trong khi đó, tỷ lệ này tại các ngân hàng thương mại nhà nước là 25,14% và ngân hàng thương mại cổ phần là 37,82%; tại các công ty tài chính, cho thuê tài chính là 44,22%.