Phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tích cực rà soát tình hình tài chính và chuẩn bị sẵn sàng tài liệu để tổ chức lễ chuyển giao hai ngân hàng 0 đồng.
Hai ngân hàng còn lại, NHNN cũng đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện nhanh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hiện có 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á (DongABank), Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank). Trong khi đó, 4 ngân hàng dự kiến sẽ nhận chuyển giao bao gồm Vietcombank, MB, VPBank và HDBank. Cả 4 ngân hàng này đều đã trình cổ đông phương án nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém.
Hiện chưa có thông tin chính thức về việc ngân hàng nào sẽ về với ngân hàng nào, tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức hồi đầu tháng 4 năm nay, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc ngân hàng MB cho biết, đề án nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém đã được MB hoàn thành, gửi Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ.
CEO MB cho hay, ngân hàng này mong muốn "chốt" thương vụ chuyển giao này trong năm nay hoặc 2025 để mở ra không gian phát triển mới cho MB, nhất là tăng trưởng tín dụng.
Bổ sung thêm, Chủ tịch HĐQT, ông Lưu Trung Thái nói nhà băng này đã sẵn sàng với nhiệm vụ được giao, chỉ còn chờ Chính phủ duyệt.
Tên ngân hàng mà MB nhận chuyển giao chưa được tiết lộ nhưng thực tế cho thấy, trong nhiều hội nghị của OceanBank trong vài năm gần đây đều có sự tham gia của lãnh đạo MB.
Phát biểu với tư cách khách mời tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022 của Oceanbank, ông Lưu Trung Thái từng cho biết, việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB.
Theo lộ trình của NHNN mà Chính phủ đã cho phép, MB phối hợp cùng OceanBank kiểm tra, hệ thống dữ liệu và xây dựng phương án trình Chính phủ. Theo sự chỉ đạo của NHNN, MB cũng thảo luận cùng lãnh đạo OceanBank thiết kế chương trình phù hợp cho OceanBank, trong đó cốt lõi là cách thức làm việc trong tương lai.
Tại Vietcombank, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ông Đỗ Việt Hùng - thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng cho biết, dự kiến việc chuyển giao sẽ được thực hiện trong năm 2024, tiến độ chuyển giao tùy thuộc vào quyết định Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Ông Nguyễn Thanh Tùng – Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết thêm, ngân hàng đã hoàn thiện phương án, đang trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Để chuẩn bị, Vietcombank đã có giải pháp cụ thể, không bị động, đảm bảo suôn sẻ, đúng lộ trình.
Về lâu dài, Chủ tịch Vietcombank nhận định, việc tiếp nhận ngân hàng yếu kém tạo ra cơ hội cho Vietcombank có nhiều lựa chọn như bán cổ phần, sáp nhập…
Được biết, từ 2015, Vietcombank đã có nhiều hỗ trợ về kỹ thuật cho CBBank. Trong đó, năm 2012 Vietcombank cho CBBank vay 10.000 tỷ đồng và năm 2023 cho vay 6.700 tỷ đồng. Do quy định, khoản nợ được xếp vào nhóm 5. Trong quý I, sau khi hoàn nhập, số dư của những khoản nợ này đã giảm về 1.000 tỷ đồng.
Ngoài Vietcombank và MB, còn có hai ngân hàng khác cũng đã xin ý kiến cổ đông và được thông qua chủ trương nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém.
Chưa tiết lộ tên nhưng ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của tổ chức được chuyển giao không vượt quá 5% quy mô tương ứng của VPBank vào cuối năm 2023 và vốn điều lệ của TCTD trên không quá 5.000 tỷ đồng. Đồn đoán trên thị trường cho thấy, nhiều khả năng ngân hàng được chuyển giao là GP Bank. Trước đó, tại Lễ công bố các quyết định bổ nhiệm tân Chủ tịch và Tổng Giám đốc GP Bank hồi tháng 9/2022 cũng có sự tham gia của đại diện lãnh đạo VPBank.
Được biết, sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, TCTD trên sẽ hoạt động dưới hình thức Ngân hàng TNHH MTV do VPBank làm chủ sở hữu.
Với HDBank, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, cổ đông ngân hàng đã thông qua chủ trương góp vốn điều lệ với mức không quá 9.000 tỷ đồng vào một ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc để thực hiện tái cơ cấu.
Đến năm 2023, một lần nữa vấn đề này lại được đưa ra thảo luận, cổ đông đã ủy quyền cho HĐQT thực hiện và hoàn tất các công việc liên quan bao gồm sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh nội dung cụ thể, quyết định, ký các văn bản… thực hiện các công việc liên quan đến HDBank nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại cổ phần.