Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tổng số tiền gửi của người dân vào các ngân hàng đã đạt mức kỷ lục 6,838 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 7.
Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, phản ánh xu hướng người dân tìm kiếm sự an toàn trong việc gửi tiền vào ngân hàng trong bối cảnh các yếu tố kinh tế không ổn định.
Mặt khác, số tiền gửi của các tổ chức lại ghi nhận sự giảm nhẹ, cho thấy sự phân bổ vốn của các doanh nghiệp có xu hướng chuyển dịch sang các kênh đầu tư khác.
Cụ thể, so với cuối năm 2023, lượng tiền gửi của dân cư tăng thêm 305.672 tỷ đồng, tương đương mức tăng 4,68%. So với cùng kỳ năm trước, số tiền này tăng mạnh, thêm 448.820 tỷ đồng.
Lãi suất tiền gửi, sau một thời gian dài duy trì ở mức thấp kỷ lục do ảnh hưởng của chính sách tiền tệ nới lỏng, đã bắt đầu có sự điều chỉnh kể từ tháng 4. Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng lãi suất huy động nhằm thu hút thêm nguồn vốn.
Theo ghi nhận, trong tháng 9, thị trường có 12 ngân hàng tăng lãi suất, bao gồm Dong A Bank, OceanBank, VietBank, GPBank, Agribank, Bac A Bank, NCB, OCB, BVBank, PGBank, Nam A Bank, với xu hướng tăng chủ yếu tại các kỳ hạn ngắn.
Cuối 2023, thị trường chứng kiến mặt bằng chung của lãi suất đồng loạt giảm sâu về dưới 5,0%/năm. Không những thế, sang những tuần đầu của năm 2024, lãi suất liên tục tạo đáy mới, thấp nhất tới 4,9%/năm.
Song, sang những tháng cuối năm 2024, lãi suất huy động ghi nhận tăng mạnh. Lãi suất tăng vượt ngưỡng 6,0%/năm tại nhiều ngân hàng.
Hiện có 9 ngân hàng niêm yết lãi suất từ 6%/năm mà không yêu cầu điều kiện tiền gửi. Theo đó, tại kỳ hạn 18 tháng NCB dẫn đầu thị trường với mức lãi suất 6,15%/năm. Dong A Bank, HDBank, OceanBank hiện đồng giữ mức lãi suất cao "sát đỉnh" là 6,1%/năm.
Tiếp sau là Bac A Bank với lãi suất 6,05%/năm, cuối cùng là Saigonbank và BaovietBank với lãi suất 6,0%/năm.
Tại kỳ hạn 36 tháng, NCB vẫn tiếp tục dẫn đầu với lãi suất 6,15%/năm.OceanBank, Saigonbank, SHB, Dong A Bank đồng giữ mức lãi suất 6,1%/năm.
Bac A Bank trả lãi suất 6,05%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. BVBank, BaovietBank, OCB hiện cùng niêm yết lãi suất 6,0%/năm cho kỳ hạn này.
Bên cạnh đó, ở biểu lãi suất đặc biệt, có những ngân hàng vượt 9,5%/năm. Cụ thể, PVCombank áp dụng lãi suất cao nhất thị trường, lên đến 9,5%/năm cho khách hàng gửi kỳ hạn 12-13 tháng với số tiền từ 2.000 tỷ đồng trở lên.
DongA Bank duy trì lãi suất đặc biệt ở mức 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, cao hơn 2,2%/năm so với lãi suất thông thường, với điều kiện số dư từ 200 tỷ đồng.
MSB trả lãi suất 7,0%/năm cho khách hàng có số dư tối thiểu 500 tỷ đồng, gửi kỳ hạn 12-13 tháng. Ngoài ra, MSB còn có chính sách lãi suất ưu đãi cho khách hàng thông thường, cao hơn từ 0,3-0,5% so với lãi suất trực tuyến.
HDBank niêm yết lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, với mức lãi suất cao hơn từ 2,3%-2,5%/năm so với lãi suất tại quầy.
Bước sang quý 3/2024, nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định về xu hướng tăng lãi suất trong 6 tháng cuối năm. Lý giải về điều này, các chuyên gia cho rằng, 6 tháng cuối năm luôn được xem là "mùa" cho vay của các ngân hàng nên để đáp ứng được nhu cầu vốn, các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động để bảo đảm lượng tiền luôn được thông suốt trên thị trường.
Đồng thời, động thái điều chỉnh lãi suất tại các ngân hàng cũng nhằm cân bằng lại với lợi suất sinh lời của các kênh đầu tư khác, đặc biệt là sự áp đảo của vàng trong thời gian vừa qua. Kể từ đầu năm đến nay, vàng ghi nhận tỷ suất sinh lời hơn 22%, trong khi tiền gửi tiết kiệm chỉ khoảng 1,5% (chiếu theo kỳ hạn 12 tháng).
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, việc lãi suất tăng là dấu hiệu của sự sôi động kinh tế, khi cả cá nhân lẫn doanh nghiệp đều gia tăng nhu cầu vay vốn. Việc tăng lãi suất là một giải pháp để thu hút dòng tiền mới, đảm bảo thanh khoản, nhưng đồng thời cũng làm tăng chi phí vay vốn, vì các ngân hàng cần duy trì biên độ lợi nhuận từ 3 - 4%.